NSND Trà Giang: 'Tôi vẽ để khỏa lấp nỗi cô đơn'
Nếu tranh biểu hiện tâm hồn họa sĩ thì ở đó, người ta vẫn thấy được một Trà Giang của điện ảnh. Hồn hậu, duyên dáng, đằm thắm, thủy chung và luôn hướng về những gì tốt đẹp nhất, hy vọng nhất.
Lần thứ 2 tổ chức triển lãm cá nhân ở cái tuổi xưa nay hiếm, bước lên bục nói đôi lời, NSND Trà Giang vẫn không kìm được xúc động. Bà đưa tay quệt vội dòng nước mắt hạnh phúc khi nói về "tình yêu thứ hai" sau điện ảnh - hội họa.
Bà bảo, bà như không tin nỗi vào mắt mình nữa khi bạn bè, thân hữu đều dành thời gian ghé qua thăm bà. Một cái siết tay, một cái ôm nồng ấm, dăm ba câu chào, tất cả đều toát lên thịnh tình của những tấm lòng.
Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang trải lòng về niềm đam mê hội họa
- Điều gì khiến bà quyết định rời xa phim ảnh khi tuổi nghề đương độ chín?
Bộ phim cuối cùng tôi góp mặt là Dòng sông hoa trắng (1989, đạo diễn Trần Phương). Sau đó, điện ảnh bắt đầu chuyển sang kinh tế thị trường, có nhiều khó khăn và thay đổi trong nhiều mặt. Lúc bấy giờ, hàng loạt phim mì ăn liền ra đời. Và tôi cứ đắn đo, cứ chờ đợi. Tôi muốn chờ đợi một vai thích hợp, một vai mình thực sự yêu thích.
Thường thì khi nhận vai, tôi cho rằng trước hết mình phải thực sự yêu mến, phải thực sự cảm xúc trước nhân vật, mình mới có thể sáng tạo được, gởi gấm niềm tin vào đó. Mới làm nhân vật sống được, mới khiến người xem đồng cảm và sống cùng nhân vật.
Tôi cũng có ý định chuyển qua làm đạo diễn. Tôi cũng đã bắt gặp một đề tài rất thích. Nhưng rồi công việc ấy lại không thành.
- Nói như vậy, việc tạm xa phim ảnh hẳn là một cú sốc lớn đối với bà?
Đó là một sự cố rất lớn. Bởi tôi không nghĩ là mình lại dừng đóng phim ở tuổi 48. Hơn 30 năm say sưa với phim ảnh, với diễn xuất, đứng trước ống kính. Bỗng dưng một ngày mình dừng lại mà mình không nghĩ là mình dừng lại…
- Và, hội họa chính là nơi để bà khỏa lấp khoảng trống ấy?
Tôi đến với hội họa tình cờ lắm. Một lần, tôi được gặp một người cô chuyên tâm vẽ, được cô ấy chỉ cho. Lúc ấy tôi đang có cảm giác mình cứ thừa thải như thế nào, vậy là cứ lao vào. Cái chính là để giết thời gian, để thôi suy nghĩ và cất bớt nỗi buồn khi rời xa phim ảnh.
Sau đó, trong gia đình có những sự kiện đau buồn, ông xã tôi mất. Hằng ngày, tôi vẽ như con gái tập đàn mỗi ngày. Tập thể dục về, ăn sáng là bắt đầu vẽ, đến chiều tối vẫn vẽ. Từ cái lấp khoảng trống về thời gian, lấp khoảng trống về nỗi buồn, dần dà nó thành một đam mê thật sự. Tôi dành hết tâm trí cho hội họa.
Bức họa “Sương trên lá đỏ” tại triển lãm của NSND Trà Giang
- Xem tranh của bà, tôi nhận thấy, đằng sau những mảng màu là tâm hồn rất đỗi bình yên, phảng phất buồn nhưng không bi lụy. Như bà tâm sự, bà đã trải qua cả 4 mùa của đời người. Làm thế nào để luôn giữ được một tâm hồn nhẹ nhàng, bình thảng như vậy?
Trong xã hội cũng như trong cuộc đời của mỗi người đều có những biến động. Cá nhân tôi là biến động về công việc, mất mát về gia đình. Nhưng tôi nghĩ, ở mỗi người đều nên có sự phấn đấu, vươn đến những hy vọng, những ánh nhìn tốt đẹp hơn. Ngay lúc còn đang làm việc, tôi cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình, với sự đam mê hết cỡ. Nỗi buồn, nỗi cô đơn là thường trực nhưng tôi không muốn bộc lộ nó ra, để mọi người nhìn thấy. Mọi người, đều cần cho mình một mùa xuân. Bản thân tôi cũng đem niềm tin đó gởi vào mỗi bức tranh.
- Hiện tại, bà có còn dành sự quan tâm cho điện ảnh?
Tôi luôn đau đáu và mong ước điện ảnh sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay, mang đến cho người xem những cảm xúc chân thật. Tôi nghĩ, các em trẻ bây giờ sẽ làm được điều đó. Các em giỏi hơn, phương tiện, máy móc phục vụ cho nghệ thuật cũng tốt hơn ngày xưa. Bây giờ chỉ cần cái tâm của các em.
Để thể hiện cái tâm, người làm phim phải hiểu được cuộc sống, hiểu được nhân dân như thế nào, hiểu được mỗi sự vươn lên của con người trong xã hội như thế nào. Những tác phẩm mang được hơi thở của đời sống sẽ chạm được vào trái tim người xem.
Nhiều người gặp tôi vẫn thường bảo, họ thích những bộ phim ngày xưa. Tôi nghĩ, ngày xưa không phải phim nào cũng hay nhưng ít ra nó có một sự chân thực và làm lay động người xem. Người ta vẫn nói như thế, còn tôi nghĩ rằng, cũng không hoàn toàn như thế đâu. Bây giờ các cháu làm phim tốt lắm.
- Tôi từng được gặp khá nhiều người trẻ, ở thế hệ tôi và sau tôi nữa. Họ vẫn nhắc đến bà bằng sự yêu mến lẫn suýt xoa, rằng, bà là biểu tượng điện ảnh…
(Xúc động) Phải nói là tôi rất cảm ơn khán giả, cảm ơn các em khi tôi đã dừng đóng phim hai mươi mấy năm rồi mà vẫn được nhớ đến. Điều đó, làm tôi nhớ đến những người làm điện ảnh ngày xưa. Thời đó, các chú, các anh làm với nhiệt huyết và đam mê rất mãnh liệt.
Ví dụ nói phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, người viết kịch bản đã phải đi xe đạp từ Hà Nội vào đến Quảng Trị lấy tư liệu hình thành kịch bản, mà đi hai ba lần. Sau đó đoàn phim mới hình thành. Phải nói cái tâm của những người làm điện ảnh rất là lớn. Tôi muốn cảm ơn những người cùng thời với tôi đã làm, đã xây dựng những tác phẩm đó.
Cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ! Kính chúc bà luôn nhiều sức khỏe!
Triển lãm “Mùa xuân” của NSND Trà Giang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Tp. HCM với 29 tác phẩm. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ hai của bà sau triển lãm Hè vè, được tổ chức vào năm 2006. NSND Trà Giang chập chững đến với hội họa từ năm 1992, bắt đầu cầm cọ vẽ từ 1999 và là một trong những thành viên của nhóm họa sĩ nữ “Hương cỏ”. Nhận xét về tranh của nữ họa sĩ, ông Huỳnh Văn Mười, chủ tịch Hội Mỹ thuật chia sẻ: “Trà Giang đến với hội họa bằng cảm xúc. Kỹ thuật diễn tả trong những bức tranh của chị sinh động, mềm mại và giàu cảm xúc. Do vậy, tranh của chị dễ chạm vào lòng người.” NSND Trà Giang sinh năm 1942, tại Phan Thiết dù quê nội của bà ở Quãng Ngãi. Sau đó không lâu, bà theo gia đình tập kết ra Bắc. So với những diễn viên cùng thời, bà được xem là không mấy nổi trội về hương sắc nhưng có đôi mắt biết nói và biểu cảm vô cùng sinh động. Bộ phim đầu tay của bà là “Một ngày đầu thu” của đạo diễn Huy Vân, khi ấy bà mới 19 tuổi. Nét diễn chân phương, gương mặt hồn hậu cũng tâm hồn đa cảm đã khiến bà được nhiều đạo diễn chọn mặt gởi vàng. Trà Giang được xem là biểu tượng của nền điện ảnh cách mạng với hàng loạt vai diễn khắc họa tính cách người phụ nữ Nam Bộ, để lại dấu ấn trong và ngoài nước, được khán giả nhiều thế hệ yêu mến trong các phim như: Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Làng nổi, Người không biết nói, Ngày lễ thánh, Huyền thoại về người mẹ… Bà được xem là nàng thơ của nữ đạo diễn tài danh - cố NSND Bạch Diệp. |