"Kỳ nữ" Kim Cương và sự thật gai người trong hồi ký

Mới đây, NSND Kim Cương - người được công chúng mệnh danh là “kỳ nữ” của nền sân khấu Việt - đã cho ra mắt quyển hồi ký “Sống cho người - sống cho mình” mà tính từ khi bà đặt bút viết đến nay đã kéo dài hơn 40 năm. Dự án này đã bị gián đoạn vì nhiều lý do, trong đó có cả phản ứng dư luận khá dữ dội về các cuốn hồi ký của nhiều nghệ sĩ khác.

Cha từng bị gia đình ép hút thuốc phiện!

- Thưa NSND Kim Cương, vì sao bà phải chờ đợi hơn 40 năm mới cho ra mắt hồi ký. Điều đó có thể hiện sự cẩn trọng quá mức của bà trước dư luận?

Từ năm 1973, tôi đã viết hồi ký đăng dài kỳ trên báo và dừng ở giai đoạn gia đình có chuyện đau buồn do em tôi mất, sau đó tôi không viết nữa. 10 năm trước, cùng với nhà văn Đào Hiếu, tôi bắt đầu viết lại hồi ký của mình nhưng không thành vì một số lý do.

Mãi đến giờ, với sự giúp đỡ, thúc hối, tạo điều kiện của Công ty Sách Phương Nam, tôi mới hoàn thành. Về lý do chính khiến cuốn hồi ký cứ dở dang là có lúc tôi không muốn động chạm đến chuyện tình cảm riêng đã qua của mình. Hiểu được điều đó, ê-kíp làm sách đã thuyết phục tôi mở lòng bởi công chúng còn muốn biết điều họ chưa biết.

"Kỳ nữ" Kim Cương và sự thật gai người trong hồi ký - 1

NSND Kim Cương thời trẻ.

- Trước hồi ký của bà, đã có nhiều nghệ sĩ chịu “búa rìu” dư luận khi tiết lộ những chuyện kiểu “thâm cung bí sử”. Bà có lo ngại điều đó sẽ đến với mình?

Trong hồi ký, tôi không né tránh những chuyện này. Từ nỗi phũ phàng mà ba tôi gánh lấy không phải do ông sống sai lầm, mà chỉ vì quan điểm sai lầm của xã hội phong kiến lúc ấy là biết hút thuốc phiện mới thật là người của giới thượng lưu, và do yêu thương rất kỳ dị của bà nội tôi - một đào hát nổi tiếng của sân khấu hát tuồng lúc bấy giờ và cũng là chủ rạp Palikao ở Chợ Lớn.

Tôi nghe kể lại, chính bà nội đã nhốt ba tôi ở nhà, buộc ông phải hút thuốc phiện. Bà đâu có ngờ quan niệm sống quái gở của xã hội lúc bấy giờ đã đẩy ba tôi vào một kết cuộc bi thảm sau này. Hay chuyện qua bên Tây học đói khổ thế nào, bị người ta dụ đi nhảy thoát y ra sao… và riêng chuyện tình yêu tôi không để tên ai, kể cả tên viết tắt.

Tôi chỉ muốn kể cho khán giả biết tôi đã suy nghĩ gì, đã làm gì, hạnh phúc ra sao, đau khổ như thế nào, tại sao tôi chia tay trong một mối tình thì cần gì phải lôi tên người ta ra. Tôi cũng chỉ kể về vài mối tình trong đời mình chứ kể hết thì sao mà kể được.

Một vài trường hợp mình được hưởng hạnh phúc từ tình yêu, cả một vài đau khổ mà đối với nghệ sĩ đó là địa ngục. Những tác động đó phần lớn đã hình thành tính cách, con người của tôi ngoài đời và một nghệ sĩ Kim Cương trên sân khấu, trên màn ảnh.

- Trong hồi ký, bà tiết lộ nhiều về gia đình mình – trong đó có cả những mối quan hệ “tình chị duyên em” vốn bị lên án trong xã hội phong kiến?

Những chuyện đó chủ yếu xoay quanh cuộc đời ba tôi. Ông là người dám yêu, dám sống chết với tình yêu của mình. Mối tình đầu của ông là cô nữ sinh trẻ đẹp bị ép gả cho ông chủ chợ có thế lực. Đang học ở Sài Gòn, ông trốn học về trèo lên tầng 2, vào tận buồng cưới “rước” cô dâu đi.

Mối tình nữa với má Năm – người luôn xuất sắc trong vai kép đủ loại – thì bị bà nội và bác Hai tôi chia rẽ vì bác cũng si mê má. Ba về nước, hai người đó đã chuẩn bị chờ đón đứa con đầu lòng nhưng bác bất ngờ gặp tai nạn không qua khỏi. Bác cầm tay ba tôi khóc và xin lỗi, đồng thời gửi gắm vợ con lại nhờ ba săn sóc. Ba tôi hứa sẽ chu toàn lời trăn trối đó.

Hai năm sau mãn tang bác, ba tôi chính thức làm đám cưới với chị dâu mình và nuôi con của anh như con ruột. Bấy giờ, má Năm là một đệ nhất đào thương của sân khấu miền Nam năm 1935 từng giành được giải nhất cuộc đấu xảo tại Pháp. Vinh quang trong tay, phần nào lại chán ngán cuộc sống bôn ba cùng đoàn hát, má nghĩ cách dứt áo ra đi.

Sợ ba buồn khổ, má gầy duyên cho ba với má tôi. May mắn rằng tình yêu “thay thế” đó đem lại hạnh phúc cho hai cuộc đời bất hạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN