Tiêu tiền có ý thức

Sự kiện: Đàn ông 8

Nếu tôi có 100 triệu đồng do chính tôi làm ra thì tôi mua một món đồ 10 triệu đồng là quá bình thường. Nhưng nếu tôi chỉ mua một món đồ 1 đồng thôi thì không thể chấp nhận được.

Đây là nguyên mẫu để dân gian xây dựng nên những nhân vật keo kiệt. Nhưng nếu anh thu nhập có 10 triệu đồng/tháng mà anh lại mua ngay một chiếc điện thoại 20 triệu đồng thì cũng không thể chấp nhận được.

Khi tham khảo số liệu của thế giới, tôi thấy Hàn Quốc là đất nước của nhiều điện thoại Samsung hiện đại nhưng không mấy thanh niên nước này xài điện thoại Samsung đời mới. Họ vẫn chỉ xài những chiếc điện thoại đủ công năng thôi.

Tôi tiếp xúc với nhiều chuyên gia người Nhật, họ toàn xài đồng hồ Nhật vừa tính năng. Thậm chí, tôi có ông bạn nhà giàu toàn sang Quảng Châu (Trung Quốc) mua hàng hiệu nhái. Nhân viên hỏi tại sao phải vất vả thế, ông ấy bảo: “Hàng này bằng da thật, nhưng nó rẻ vì nó không có thương hiệu. Tớ làm ra thương hiệu nhưng tớ chẳng dại gì trả tiền cho thương hiệu”.

Vấn đề đúng hay sai chưa bàn, nhưng vấn đề là ít nhất người ta đã có ý thức trong việc tiêu tiền.

Do áp lực thương con quá, do áp lực về nhận thức trả thù đời (ngày xưa tao khổ, bây giờ nhà có điều kiện nên cho chúng mày sướng), nên có khi bố mẹ đưa cho con hàng đống tiền. Nhưng thà đừng đưa tiền cho con thì nó còn thành người, có tiền nó thành “không người”.Khi dùng tiền thì đa số người kiếm tiền (là bố mẹ) hiểu được. Vì sao hiểu được? Vì họ làm ra đồng tiền đó. Nhưng khi người cầm tiền xài là con cái thì họ lại không làm được thế. Căn nguyên là vì họ không làm ra đồng tiền ấy, họ không lao động nên họ không thấy được giá trị của đồng tiền. Chỉ có lao động mới sinh ra tất cả, tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau.

Các doanh nhân người Hoa giàu lắm, nhưng giáo dục của họ thành nếp. Họ gửi con sang cơ sở kinh doanh của bạn. Cứ đúng luật của công ty mà làm, sai là phạt. Làm tới đâu hưởng tới đó. Như thế mới có kỹ năng lao động và mới biết quý trọng đồng tiền.

Còn ở Mỹ, 18 tuổi (bây giờ hạ xuống 16 tuổi) là có thể ra ở riêng dù bố mẹ giàu mấy thì giàu. Từ lớp 3 ở Singapore, học sinh đã được học kinh doanh, đến lớp 8 vào xưởng của trường là làm ra được sản phẩm bán rồi.

Cái gì cũng phải lao động thì mới có được. Qua lao động, con cái được nhận thức, được kỹ năng, được thái độ và hiểu được chân giá trị của đồng tiền. Sau này khi lớn lên, nếu có nhận tiền của bố mẹ cho thì cũng biết cách tiêu xài.

Vẻ đẹp nhất của con người sinh ra từ lao động. Tôi ngồi trên bàn nhậu, không có một cô gái nào chú ý tôi hết. Nhưng khi tôi lao động thì nhiều cô gái chú ý tôi lắm, vì cái đẹp nó toát trong lao động, còn khi trên bàn nhậu, tôi chẳng có gì để người ta quan tâm cả. Cái đẹp mê hồn của anh thợ khi tôi qua xưởng đóng tàu Ba Son là lúc anh ấy cởi trần, anh gõ gỉ sắt trên thành tàu. Tôi là nam giới mà tôi còn mê nữa huống hồ là nữ.

Từ lao động người ta mới tìm ra cách để kiếm được đồng tiền, người ta mới đi học, người ta mới dồn quỹ thời gian vào những việc có tính mục tiêu cần phải giải quyết, giảm thiểu những loại việc có tính sinh hoạt. Những việc có mục tiêu là lấy vợ - làm nhà – tậu trâu, tức là sự nghiệp. Những loại việc có tính sinh hoạt là tụ tập chơi bời, nhậu nhẹt, trai gái…

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thẩm Dương ([Tên nguồn])
Đàn ông 8 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN