U23, tình chỉ đẹp khi còn giang dở?!

Năm nay, không chỉ bóng đã nữ, mà "như thường lệ", giấc mơ vàng môn bóng đá nam tại SEA games một lần nữa dang dở. Thế nhưng sự thật có vẻ không được vui này lại đang là sự kiện nóng sốt, mặc cho ngoài kia tuyết có rơi và giá xăng có tăng chóng mặt.

Bạn buồn ư? Thất vọng ư? Cay cú và chửi bới ư? Nếu đúng vậy thì bạn đã hơi ích kỷ, tốt hơn hết, bạn hãy quên ngay bóng đá VN đi vì bạn không hiểu gì về Bóng Đá Việt Nam, và bạn cũng không phải là người hâm mộ sâu sắc.

Trước khi giải thích tại sao, thì tôi xin phép được viết hoa cụm từ “Bóng đá Việt Nam”. Cụm từ này được cấu thành bởi hai phạm trù quan trọng là “Bóng đá” và “Việt Nam”, chúng có mối quan hệ hữu cơ và biện chứng để tạo nên một nền bóng đá định hướng dân tộc chủ nghĩa đặc sắc kiểu Việt Nam, trên thế giới khó nơi nào có được.

Khi đã gọi là “đặc sắc” thì có nghĩa là nó không giống và không thể đem ra so sánh với bất kỳ thứ nào khác. Nếu bạn thích xem thứ bóng đá đẹp, mời bạn đến Brazil; nếu bạn thích hiệu quả thì hãy qua Ý, hoặc nếu thích nhiều bàn thắng, hãy sang Nigeria (kỷ lục 79 bàn/1 trận). Còn khi bạn đã xác định xem bóng đá Việt Nam, thì có nghĩa là bạn đang xem vì… tình cảm. Đến đây, bạn phải thừa nhận với tôi rằng nếu không vì tình cảm thì bạn đã không xem bóng đá Việt Nam (SEA games) mà sẽ đi xem cúp C1, Euro hay World cup…

Ta đã xác định xem vì tình cảm, thế thì tại sao lại cứ đòi hỏi quá đáng vào những thứ rất phi tình cảm? Tại sao cứ phải là bàn thắng, là huy chương? Sai lầm nghiêm trọng của chúng ta là quá chú trọng vào thành tích, bệnh thành tích quá nặng khiến chúng ta quên đi cái được lớn nhất, vô giá nhất mà không tấm huy chương nào sánh kịp, đó là tình cảm, là cảm xúc và hy vọng. Đấy, cái đặc sắc của Bóng Đá Việt Nam chính là ở chỗ “nhạy cảm” này.

Đến đây, có thể ai đó sẽ ngơ ngác hỏi “tình cảm” là sao? Xin thưa, nó là tổng hòa các trạng thái cảm xúc hỉ, nộ, lạc, ai, ái, ố, dục trong mỗi con người. Cụ thể hơn, khi ta buồn, vui, giận hờn… vì bóng đá thì có nghĩa là ta đã giành tình cảm cho nó rồi đấy. Ví dụ dễ hiểu hơn, là khi bạn có tình cảm với một cô gái, thì chỉ cô gái đó mới khiến bạn có cảm giác vui buồn, hờn giận… chứ chả ai tự dưng lại đi buồn vui với đứa vô duyên nào đó.

Trong cuộc sống, tình cảm (cảm xúc, niềm hy vọng...) là thứ vô cùng quan trọng, không bàn cãi! Vậy thì mục tiêu quan trọng hơn Bóng Đá Việt Nam cần làm là duy trì cảm xúc cháy bỏng của người hâm mộ, chứ không phải là để lấy các tấm huy chương vô hồn. Nói thế để chúng ta thấy rằng Bóng Đá Việt Nam đã làm quá tốt!

Hỡi các bạn hay trách móc, các bạn nông cạn quá! Các bạn có hiểu tại sao SEA games lần nào Việt Nam cũng đặt mục tiêu “đổi màu huy chương”, tức là giành huy chương vàng, nhưng rồi không bao giờ đạt được? Không phải là ta kém đâu. Tố chất ta có thừa, dân ta có 90 triệu người chả lẽ không chọn được "đứa" đá hay hơn "bọn" Singapo có 5 triệu dân hay sao? Tiền cũng không thiếu, ta tuy nghèo nhưng chịu chơi lắm, đầu tư cho bóng đá rất ác chiến, quan chức cũng như cầu thủ của ta thu nhập khủng lắm, chơi xe sang nhan nhản. Giới khoa học và giáo dục có nằm suốt ngày đêm cũng không mơ nổi thu nhập đó. Thế có nghĩa là ta thừa điều kiện đấy chứ, vậy lý do gì mà 50 năm ước mơ nhưng vẫn chưa vô địch “ao làng”?

Đó chẳng qua vì mục tiêu chính của Bóng Đá Việt Nam là nuôi “hy vọng”, tạo “cảm xúc” cho người hâm mộ, nên dùng kế “chỉ được thua chứ không được thắng”. Bạn thử hình dung xem, nếu Việt Nam giành huy chương vàng cách đây cả chục năm, rồi liên tục lần nào cũng vô địch thì bây giờ chúng ta còn háo hức với bóng đá SEA games nữa không? Cũng giống như “trinh tiết”, một cô gái khôn ngoan sẽ không bao giờ để cho chàng trai “khám phá” sớm, vì nếu đạt được anh ta sẽ rất nhanh chán. Bóng Đá Việt Nam cũng giống vậy.

Lòng tham vô đáy, giả sử nếu năm nay vô địch Đông Nam Á, rồi để cho khỏi nhàm thì năm sau lại phải hướng đến vô địch Châu Á, và năm sau nữa phải vô địch Thế giới, cứ leo thang “oan oan tương báo” thế thì biết đến bao giờ, chạy theo nó sẽ rất tốn kém, nên thôi, tốt nhất là cứ dừng lại ở “ao làng” và đừng bao giờ vô địch cả. Đó là tư duy chiến lược của lãnh đạo, dân đen nếu không sâu sắc thì sẽ không bao giờ hiểu được.

Và đường lối đúng đắn đó đã cho thấy kết quả rõ rệt. Bằng chứng là Bóng Đá Việt Nam liên tục thất bại nhưng người hâm mộ không hề quay lưng dở mặt, chưa bao giờ hết cuồng nhiệt. Sau mỗi lần thất bại, người hâm mộ có thể giận hờn vu vơ chút xíu, nhưng sau khi nghe quan chức xin lỗi dăm ba câu và liệt kê hàng tá lý do khách quan như bị muỗi cắn, sâu đốt, đội bạn giỏi.. thì mọi thứ lại ổn thỏa. Cứ như thế điệp khúc lặp đi lặp lại như một vòng tuần hoàn: Thất bại – dân la ó - rồi lãnh đạo xin lỗi bằng cách đổ lỗi – rồi hứa quyết tâm – rồi dân hy vọng – rồi lại thất bại…  Kết quả là cảm xúc, niềm hy vọng của người dân cứ tràn trề từ năm này qua năm khác mà không hề phai nhạt.

Nếu bạn vẫn chưa tin vào sự thật kỳ diệu này thì hãy nhìn qua đội bóng đá nữ. Nữ đá hay cho lắm vào, vô địch SEA games cho lắm vào rồi có ai thèm quan tâm đâu? So với bóng đá nam thì bóng đá nữ bị đối xử như đứa con ghẻ, ít được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngay trong trận bán kết bóng đá nữ, đội tuyển Việt Nam có đúng… 1 cổ động viên trên sân. Sống trong hy vọng là một niềm hạnh phúc lớn lao, bóng đá nam biết thế nên cứ từ từ, cứ để cho người dân hy vọng hết lần này qua lần khác, càng rời xa chức vô địch thì càng được quan tâm đầu tư nhiều. Nếu người hâm mộ thực lòng thích huy chương vàng thì tốt nhất là đừng quan tâm gì cả (vì khi đó ít màu mỡ, sẽ chỉ còn lại những chuyên gia làm việc thực sự bằng đam mê).

Để xây dựng được thứ bóng đá “tình cảm đặc sắc” như ngày hôm nay thì những người làm Bóng Đá Việt Nam cũng phải làm việc theo cách rất… tình cảm. Họ đã phải chấp nhận vứt bỏ những chuẩn tắc khoa học quản lý cứng nhắc để nhường chỗ cho lối làm việc đầy tình cảm. Tình cảm từ việc lựa chọn tuyển thủ đến việc chọn huấn luyện viên, rồi tình cảm ngay cả việc cơ cấu ghế lãnh đạo. Còn gì tình cảm bằng khi mà một chủ tịch định từ chức nhưng lại lo không có người thay thế? Có tình cảm nào dạt dào hơn việc một Tổng thư ký xin từ chức nhưng Chủ tịch dứt khoát không cho? Có cảm xúc nào mãnh liệt bằng quyết định đình chỉ huấn luyện viên ngay trước trận tiền? Huấn luyện viên cũng sống tình cảm đến mức dù thất bại thảm hại cỡ nào cũng không lỡ xa học trò nên nhất định không từ chức. Trong các giải quốc nội, các đội đối xử với nhau rất tình cảm, họ cùng nhau bàn bạc sắp xếp ai thắng ai thua, để chia điểm... rồi trọng tài cũng thể hiện tình cảm với đội này đội kia một cách rất rõ ràng...

Làm Bóng Đá là phải giỏi… “đá bóng”. Quả bóng trách nhiệm đã và đang được đá hay như xiếc, nếu không tinh ý thì người hâm mộ không thể nhận biết được đâu là gôn, là mục tiêu thật để những quả bóng này nhắm vào. Người hâm mộ thì cứ hồn nhiên trông chờ vào chức vô địch Seagame mà đâu biết rằng những người làm Bóng Đá Việt Nam lại đang nhắm đến một hướng hoàn toàn khác, đó là “tình cảm”.

“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, các lãnh đạo quá biết điều đó, nên giấc mơ vàng SEA Games của Bóng Đá Việt Nam sẽ mãi mãi còn dang dở.

Chỉ có một điểm khác mà ai ai cũng thấy, dù hôm qua tuyển nữ không vô địch SEA Games, nhưng người hâm mộ vẫn dành cho họ những tình cảm thật sự, những lời động viên chân tình, chứ không có “hòn gạch hòn đá” nào trên facebook ném vào các chị cả.

Tình cảm, vậy thì bóng đá nam hãy cố đạt được mục tiêu là có được tình cảm của người hâm mộ như tuyển nữ đang có, trước khi mơ đến huy chương vàng!

HienMQ

U23, tình chỉ đẹp khi còn giang dở?! - 1

TOP CƯỜI 365 NGÀY

U23, tình chỉ đẹp khi còn giang dở?! - 2

TOP CƯỜI ĐẶC BIỆT

U23, tình chỉ đẹp khi còn giang dở?! - 3

KHO TRANH VUI

U23, tình chỉ đẹp khi còn giang dở?! - 4

ẢNH VIỆT NAM

Xin trân trọng giới thiệu TOP 100 TRUYỆN CƯỜI HAY NHẤT trong 10 năm qua, từ 2004 - 2014. Có thể một vài truyện cười trong top sẽ bị chê là "cười kiểu cũ", nhưng những ngày đầu internet bùng nổ, chúng thực sự là những truyện cười "hot" với dân nghiện truyện cười, nhất là với độc giả Hội Quán Cười đã thường xuyên cùng Cười 24H Mất Giấc Ngủ Trưa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN