Ông Mai Liêm Trực đã thế chấp "ghế" Tổng cục trưởng để thuyết phục mở Internet như thế nào?

Sự kiện: Internet

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực nhớ lại hơn 20 năm về trước khi Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý cho mở Internet nhưng vẫn vỗ vai nói “các cậu làm thế nào thì làm nhưng để đến khi phải đóng lại thì không biết phải nói ra sao với thế giới”.

Ông Mai Liêm Trực đã thế chấp "ghế" Tổng cục trưởng để thuyết phục mở Internet như thế nào? - 1

Ông Mai Liêm Trực.

Câu chuyện thuyết phục cho mở Internet ở Việt Nam là câu chuyện dài, để thuyết phục mở Internet ông đã phải tín chấp “chiếc ghế” của mình để làm tin?

Vào những giờ chót thuyết phục cho mở Internet ở cấp cao nhất là thường vụ Bộ Chính trị và Thủ tướng đã đặt ra câu hỏi nếu mở Internet ra có chặn được hết những thông tin độc hại trên Internet hay không? Chúng tôi gồm tôi làm Tổng cục trưởng Tổng Cục Bưu điện, anh Khánh Toàn Thứ trưởng Bộ Công An, anh Chu Hảo, Thứ trưởng Bộ KHCN đã báo cáo trong cuộc họp với Thường trực Bộ Chính trị. Anh Khánh Toàn lúc đó có nói về văn bản rất chặt chẽ. Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu hỏi tiếp nhưng trên thực tế thì sao? Lúc đó tôi đứng lên báo cáo đã có văn bản và thông tư liên tịch giữa các bộ như Tổng cục Bưu điện, Bộ Công An và Bộ Văn hoá Thông tin rất chặt chẽ, nhưng trong triển khai do điều kiện kỹ thuật nghiệp vụ không thể nào chặn được hết. Tuy nhiên, chúng ta sẽ hạn chế được đến mức thấp nhất các thông tin độc hại của Internet. Sau đó thường trực Bộ Chính trị đã đồng ý cho mở Internet và chúng tôi sang thuyết phục Chính phủ. Cả 4 anh em chúng tôi đến nhà riêng Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng đã đồng ý cho mở Internet.. Tuy nhiên, khi chúng tôi ra về thì Thủ tướng có vỗ vai tôi nói “các cậu làm thế nào thì làm nhưng để đến khi phải đóng lại thì không biết phải nói ra sao với thế giới”.

Thời đó, lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước quyết định không phải là do những chuyện chúng tôi trình bầy, những lý luận về tình hình trong nước và quốc tế và biện pháp ngăn chặn độc hại của Internet mà yếu tố quan trọng là niềm tin vào những người thực thi chủ trương của mình như chúng tôi. Tôi cũng có may mắn là có sự tin cậy nên đã dám nói một cách mạnh mẽ và tự tin để thuyết phục mở Internet mà không sợ có sự hiểu lầm. Tôi thấm nhuần câu nói của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói là “nếu làm việc mà cứ cúi nhìn vào “chân ghế” thì chẳng làm được việc gì cả” bởi lúc đó chúng tôi cũng xác định, nếu mở Internet mà có việc gì xảy ra thì sẽ phải là người lãnh trách nhiệm và chúng tôi sẵn sàng chấp nhận những trách nhiệm này.

Lúc đó ông “tín chấp” để thuyết phục cho mở Internet nhưng đã có lúc nào ông lo lắng yếu tố rủi ro khi mở ra dịch vụ này hay không?

Thực ra chúng ta quen điều hành theo kiểu tất cả đồng ý thì mới quyết, nhưng người lãnh đạo thì chỉ cần 50 – 60% đúng là phải quyết, chứ để mọi người nhất trí thì mới quyết thì không cần đến lãnh đạo nữa. Cho nên bất cứ một quyết định gì cũng phải chấp nhận độ rủi ro của nó. Lúc đó về mặt cá nhân tôi không có gì phải lo lắng cả. Nhưng tôi có lo những ảnh hưởng của Internet không tốt đối với xã hội mà mình chưa thể lường trước hết được.

Khi ông “tín chấp” để mở Internet thì lúc đó ông tin vào “bức tường lửa” chặn các thông tin độc hai bao nhiêu phần trăm và tin vào người sử dụng lúc đó bao nhiêu phần trăm? Thời đó, chuyện bức tường lửa có là động tác tâm lý để các ông thuyết phục mở Internet?

Lúc đó tôi đã phát biểu trên báo chí là về mặt kỹ thuật nghiệp vụ thì Bức tường lửa không phải là mục đích chính của quản lý và chúng tôi không ảo tưởng rằng có thể ngăn chặn được các thông tin độc hại. Nhưng lúc đó nhiều người vẫn nghĩ là Bức tường lửa có thể ngăn chặn những thông tin độc hại. Trước khi các doanh nghiệp chính thức cung cấp dịch vụ Internet ra xã hội thì đã có đoàn đi kiểm tra hệ số an toàn an ninh mạng trước khi cung cấp.

Chúng tôi không sử dụng Bức tường lửa như là tấm bình phong phóng đại tô mầu để thuyết phục mở Internet. Lúc đó tôi đã phát biểu muốn quản lý Internet, ngăn chặn những thông tin độc hại và phát huy tác dụng của Internet phải có 3 yếu tố. Thứ nhất là yếu tố kỹ thuật là Bức tường lửa và các phần mềm. Thứ hai, phải quản lý bằng hành chính thông qua các văn bản thể lệ nghiệp vụ khai thác. Nhưng quan trọng nhất là vấn đề dân trí.  

Thưa ông thời kỳ đó, lợi ích do Internet đem lại vẫn còn mơ hồ với nhiều nhà lãnh đạo. Vậy lúc đó ông thuyết phục mở như thế nào?

Thời kỳ đó, đất nước đang trong giai đoạn vật lộn trong công cuộc đổi mới đầy khó khăn phức tạp. Vì vậy tư duy đổi mới của xã hội đã được khởi động mạnh và các nhà lãnh đạo cũng quyết tâm đổi mới. Lúc đó có những cái chúng ta chớp được thời cơ nhưng có cái bị lỡ thời cơ. Với Internet cũng là thử thách rất lớn trong quá trình đổi mới này và rất nhạy cảm. Lúc đó, các nhà chuyên môn thấy được lợi ích và sức mạnh của Internet. Tôi đi họp và được tiếp xúc với Internet đầu tiên ở Mỹ tại Washington DC. Sau đó tại một số cuộc họp ở Châu Á, nhiều nhà lãnh đạo các nước đã chào tôi là "See you on Internet". Đây là nỗi day dứt bởi mình không có Internet khi đã số hóa mạng lưới. Lúc đó các nhà chuyên môn, khoa học và cả giới truyền thông ủng hộ việc mở Internet. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước yêu cầu phát hành các báo của Việt Nam sang Đông Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ để bạn bè hiểu Việt Nam hơn nhưng ngay cả phát hành sang bên kia rồi thì ai bán báo. Đấy là chưa kể vận chuyển qua đường hàng không rất khó khăn và đắt đỏ. Nhưng với Internet đó là chuyện đơn giản và không tốn kém nhiều. Các nhà lãnh đạo thấy Internet quá mới nên cũng phải thận trọng và yêu cầu phải hạn chế được mặt trái của Internet.

Thời kỳ đó cũng có ý kiến phản đối đưa Internet vào Việt Nam. Vậy ý kiến này có gây áp lực lớn cho ông hay không?

Thật ra lúc đó ý kiến phản đối việc đưa Internet vào Việt Nam cũng có nhưng không nhiều. Nhưng ý kiến lo ngại thì nhiều, kể cả ở lãnh đạo cấp cao. Chuyện Internet vào Việt Nam lúc đó là chuyện ai cũng nghĩ rằng sẽ vào, nhưng có điều đưa sớm hơn hoặc chậm hơn mà thôi. Vì vậy, vấn đề ở chỗ liệu chúng ta có mất cơ hội lần nữa hay không. Lúc đó chúng tôi cảm nhận Internet sẽ vào Việt Nam nhưng có nguy cơ chậm mở và nếu cho mở thì sẽ bị nhiều yếu tố hạn chế sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển. Vì vậy, chúng tôi đã phải thuyết phục mở càng sớm càng tốt, thậm chí tạm thời chấp nhận cả những chỉ đạo mà mình tạm thời không hài lòng, thậm chí là ấm ức để mở Internet rồi tính tiếp. Vì vậy, nghị định 21 về quản lý Internet bàn mãi cuối cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng sốt ruột cho việc đổi mới và phải quyết là Nghị định tạm thời về quản lý Internet nếu có gì tiếp tục điều chỉnh. Bây giờ chúng ta xem lại nghị định này cũng thấy nhiều quan điểm quản lý rất kỳ cục như các cơ quan Đảng và lực lượng vũ trang không được kết nối Internet. Sau đó, chúng ta tiếp tục chứng minh vai trò và hiệu quả của Internet và tiếp tục thuyết phục cho ra Nghị định 55. Tôi cho rằng, nếu thời đó chúng ta chậm mở Internet 3- 4 năm nữa không biết Việt Nam sẽ lạc hậu đến mức nào.

Ông Mai Liêm Trực đã thế chấp "ghế" Tổng cục trưởng để thuyết phục mở Internet như thế nào? - 2

Có ý kiến cho rằng, trên thực tế chúng ta đã có thể mở Internet sớm hơn năm 1997?

Cũng có nhiều người mong muốn đưa Internet vào Việt Nam sớm hơn. Bản thân tôi cũng muốn đưa Internet vào Việt Nam sớm hơn. Như tôi đã nói ở trên, muốn đưa Internet vào Việt Nam phải có 3 yếu tố. Từ năm 1987, khi mở cổng thông tin quốc tế tự động, sau đó năm 1990 đã tự động hóa các tổng đài và đến năm 1995 là đã tự động hóa hoàn toàn. Như vậy, về cơ sở hạ tầng viễn thông đã sẵn sàng cho việc mở Internet. Nhưng vấn đề là cần phải thuyết phục để có chủ trương cho mở Internet và cần tổ chức thực hiện nghiệp vụ an toàn về mạng lưới. Tôi có may mắn đầu năm 1991 đã được tiếp xúc với Internet và năm 1992 nằm trong nhóm 7 chuyên gia về CNTT do ông Giáo sư Phan Đình Diệu chủ trì để giúp xây dựng CNTT Việt Nam. Là người trong cuộc, trên cả 3 yếu tố đó thì tôi đánh giá là không thể sớm hơn được. May mắn là năm 1997, chúng ta cho mở Internet không bị chậm đi mấy năm. Nếu chậm đương nhiên chúng ta sẽ bị lạc hậu và tụt hậu. Việc đưa Internet vào Việt Nam lúc đó không phải chỉ là vấn đề kỹ thuật mà là chủ trương và quyết tâm chính trị lớn của lãnh đạo để đổi mới và hội nhập quốc tế.  

Cảm giác của ông ngày mở Internet như thế nào?

Ngày 19/11/1997, tâm trạng tôi lúc đó rất mừng vì cả một thời cơ lớn đã không bị mất đi và đất nước từ nay đã có phương tiện để thay đổi. Tôi còn mừng vì công lao của bao nhiêu anh em lâu nay mong muốn đưa Internet vào Việt Nam bây giờ đã thành hiện thực. Lúc bây giờ xen lẫn vui mừng, những tôi cũng rất tự tin nên khi tổ chức họp báo với các thông tấn nước ngoài hứng khởi nói bằng tiếng Anh để khi các hãng tin này phát ra trên thế giới không bị tam sao thất bản do phải dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh.

Xin cảm ơn ông!

Tiết lộ gây ”sốc” về đường truyền internet phục vụ báo chí tại APEC 2017

Nhiều thông tin liên quan tới đường truyền internet phục vụ APEC 2017 vừa được tiết lộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Khang ([Tên nguồn])
Internet Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN