Những “niềm tin” về công nghệ bạn không nên tin nữa
Trong thế giới công nghệ, cũng như nhiều lĩnh vực khác, có một số hiểu lầm và những chuyện hư cấu được nhắc đi nhắc lại đến mức chúng trở thành "niềm tin" vững chắc.
Những "niềm tin" không đúng đắn về công nghệ thường được hình thành qua quá trình dài. Chẳng hạn, bạn không biết chính xác ai nói cắm laptop liên tục sẽ làm chai pin nhưng bạn nhớ bạn đã đọc điều này đâu đó trên mạng Internet, trên báo, nghe trên TV hoặc nghe bạn bè nói vậy, vì vậy bạn tin điều đó là thật. Sau đó, bạn tuyên truyền câu chuyện này với bạn bè và biến nó trở thành "niềm tin" bất di bất dịch trong lĩnh vực công nghệ.
Dưới đây, chúng tôi sẽ tổng hợp các hiểu lầm và những chuyện hư cấu phổ biến trong lĩnh vực công nghệ. Hy vọng, bài viết này sẽ giúp bạn loại bỏ một số hiểu sai về công nghệ mà lâu nay bạn vẫn tin là đúng.
Dùng thẻ nhớ tốc độ cao sẽ giúp bạn chụp ảnh nhanh hơn
Thẻ nhớ tốc độ cao cho phép máy ảnh lưu file nhanh hơn, nhưng không có nghĩa bạn sẽ chụp ảnh nhanh hơn. "Khi bạn chụp một bức ảnh, camera phải chụp và xử lý ảnh, sau đó lưu vào thẻ", quản lý truyền thông của hãng thẻ nhớ SanDisk nói. "Một thẻ nhớ nhanh hơn sẽ chỉ cải thiện phần sau của quá trình – tức là lưu file vào thẻ nhanh hơn". Tuy nhiên, thẻ nhớ nhanh hơn có thể giảm lượng thời gian nó tải ảnh vào máy tính, tất nhiên bạn cũng phải có một đầu đọc thẻ nhanh.
Đóng hết các ứng dụng trên iPhone sẽ tiết kiệm pin
Trong một thời gian dài, mọi người luôn khuyên nhau rằng để tiết kiệm pin cho iPhone, chúng ta chỉ việc chạm hai lần vào phím Home và đóng tất cả các ứng dụng chúng ta không sử dụng ở trên khay phía cuối màn hình.
Thực ra, những ứng dụng mà bạn nhìn thấy khi bạn nhấn 2 lần vào phím Home không thực sự hoạt động hay tiêu tốn tí pin nào. Dãy biểu tượng ứng dụng này là danh sách những ứng dụng được dùng gần đây, chứ không phải là những ứng dụng hiện đang chạy. Thực chất, khi bạn nhấn phím Home và thoát khỏi một ứng dụng, iPhone đã tự động đóng nó lại sau khoảng 5 giây.
Vi vậy, việc phải tự tay đóng các ứng dụng một cách thủ công hầu như không hề giúp tiết kiệm tí pin nào mà chỉ làm mất thời gian.
Đặt nam châm gần ổ cứng sẽ bị xóa hết dữ liệu
Nam châm hoạt động thế nào hẳn là một bí mật với nhiều người, nhưng điều này thì chắc chắn: trừ phi bạn để những cục nam châm khử từ cực mạnh trong nhà, còn không thì ổ cứng của bạn vẫn còn nguyên si.
Trong thử nghiệm vào năm 2004, tạp chí PCWorld Mỹ phát hiện thấy đặt cục nam châm bình thường lên ổ đĩa mềm có thể xóa dữ liệu bên trong ổ đó. Nhưng dữ liệu trong các thiết bị lưu trữ phổ biến hiện nay như ổ USB, thẻ nhớ SD, ổ cứng của laptop và desktop hoàn toàn an toàn, ngoại trừ những loại nam châm khử từ cực mạnh của các cơ quan chính phủ chuyên dùng để phá hủy dữ liệu.
Nói cách khác, dữ liệu của bạn được an toàn nếu bạn có vô tình đặt một miếng nam châm trên MacBook. Nhưng tất nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh, bạn không nên để nam châm gần ổ cứng hay laptop.
Vạch sóng trên ĐTDĐ càng nhiều, chất lượng dịch vụ càng tốt
Số vạch tín hiệu sóng di động hiển thị trên màn hình điện thoại cho thấy độ mạnh của tín hiệu sóng di động với cột thu phát sóng di động (BTS) gần nhất. Nhưng nếu bạn đang kết nối với cột BTS mà có nhiều người khác cũng đang kết nối, bạn có thể có sóng khỏe nhưng chất lượng dịch vụ lại kém bởi các cuộc gọi của mọi người đang tranh giành nhau nguồn lực mạng giới hạn.
Thử nghiệm chất lượng dịch vụ của PC World tại Mỹ cho thấy các vạch tín hiệu báo sóng không phải là chỉ số chuẩn để đo chất lượng dịch vụ di động. Ngoài ra, nếu bạn dùng iPhone, mức độ sai sót của vạch sóng càng lớn bởi Apple từng công bố trong lần xử lý sự cố về anten của iPhone 4 rằng, công thức mà họ dùng trong tất cả các loại iPhone để hiển thị mức "sóng khỏe" là "hoàn toàn sai" và các vạch sóng thường cao hơn 2 vạch so với thực tế.
Bấm chuột phải rồi chọn "refresh" sẽ giúp PC chạy nhanh hơn
Cách đây khoảng 15 năm, máy tính luôn chạy hết bộ nhớ. RAM rất đắt đỏ và hầu hết máy tính chỉ có RAM 4MB đến 8MB. Lúc đó, những ứng dụng mã hóa kém có thể gây thất thoát bộ nhớ, vì vậy việc bấm chuột phải rồi nhấn chọn "refresh" trên màn hình desktop giúp người dùng nhanh chóng lấy lại RAM còn thừa sau khi đóng một quy trình. Với những máy tính hiện đại có RAM dư dả, bấm chuột phải rồi chọn "refresh" chẳng được ích gì ngoài việc đó là một thói quen mất thời gian.
Máy tính Mac không bao giờ nhiễm virus
Trong nhiều năm liền, Apple đã tuyên bố trên website của hãng rằng máy tính của Apple tốt hơn máy Windows bởi chúng được "miễn dịch" với virus. Nhưng điều này không còn đúng nữa. Tháng Sáu vừa qua, Apple đã phải cập nhật website và gỡ bỏ tuyên bố trên sau khi một loạt virus tấn công Mac OS. Các chuyên gia bảo mật tại hãng Sophos gần đây phát hiện ra 2,6% máy Mac đã nhiễm mã độc.
Với các công việc đồ hoạ, máy Mac là nhất
Trước đây, điều này cũng có vẻ đúng. Nhưng hiện nay, đó chỉ là sự hoang tưởng, chứ không phải sự thật. Trước năm 2006, Apple sử dụng bộ vi xử lý dựa trên cấu trúc PowerPC của IBM. So với vi xử lý của Intel hay AMD thời đó, chip PowerPC có lợi thế trong các công việc nặng về đồ hoạ. Nhưng từ sau năm 2006, Apple đã chuyển sang sử dụng vi xử lý Intel. Máy Mac vẫn có một số lợi thế trong quản lý font cũng như chất lượng màn hình. Nhưng nếu bạn là một nhà thiết kế đồ hoạ, bạn không cần phải chi số tiền lớn để mua máy Mac, chỉ vì ai đó nói với bạn rằng máy Mac dùng cho các công việc đồ họa đẹp hơn.
CPU càng có nhiều lõi và nhiều GHz càng tốt
Đây thực chất chỉ là mánh tiếp thị thôi. Trong bất cứ bộ vi xử lý hay chip máy tính nào, cấu trúc bên trong nó mới là vấn đề. Đây là lý do tại sao thậm chí các bộ vi xử lý Athlon tốc độ chậm của AMD vẫn còn nhanh hơn đáng kể so với Pentium 4 của Intel. Cấu trúc của chip là một lý do tại sao ngày nay bộ vi xử lý Sandy Bridge 4 lõi của Intel còn nhanh hơn cả bộ vi xử lý 6 lõi của AMD.
Tắt/bật PC thường xuyên sẽ làm hại máy
Nhiều người nghĩ rằng theo thời gian, việc tắt và bật máy tính thường xuyên sẽ có hại cho máy tính. Thực ra, các chuyên gia máy tính khuyên rằng bạn nên tắt máy tính vào cuối mỗi ngày làm việc, bởi vì máy tính cũng cần có thời gian nghỉ ngơi. Do đó, tắt và bật máy tính thường xuyên thực sự tốt cho PC, chứ không hề có hại chút nào. Ngoài ra, tắt máy tính mỗi ngày còn giúp bạn tiết kiệm chút ít chi phí tiền điện.
Laptop cắm điện liên tục sẽ làm hại pin
Khá nhiều người tin rằng cắm điện cho laptop ngay cả khi không làm việc, pin của máy sẽ chóng bị "chai". Thực ra, lo lắng này chỉ đúng với loại pin niken được dùng cách đây nhiều năm. Các mẫu laptop và smartphone ngày nay không còn dùng loại pin này nữa, mà dùng pin lithium - loại pin không bị hư hao gì nếu bạn suốt ngày sạc điện cho laptop. Thậm chí, nếu bạn cắm điện cho laptop còn tốt hơn là bạn liên tục để pin cạn kiệt đến 0% rồi mới sạc lại – một hành động có thể làm giảm tuổi thọ pin.
Cần để pin cạn kiệt rồi mới sạc ít nhất một tuần một lần hoặc hơn
Suy nghĩ cũ kỹ này tiếp tục bị áp dụng một cách sai lầm với các công nghệ mới. Pin lithium-ion chỉ tốt khi được sạc nhiều lần. Để pin của bạn cạn xuống còn 10% hoặc thấp hơn và sau đó sạc lại sẽ làm giảm tuổi thọ pin. Đó chắc chắn không phải là việc bạn muốn làm, trừ phi bạn thích việc mua sắm pin mới. Trang Lifehacker khuyến nghị rằng một tháng nên xả pin một lần, tuy nhiên vẫn còn nhiều tranh cãi về sự cần thiết của việc làm này.
TV LCD tốt hơn TV plasma
Đừng tin vào điều này. Người bán hàng có thể muốn bán cho bạn một chiếc LCD mới, nhưng có nhiều lý do để chọn plasma hơn đây. Plasma xử lý các cảnh tối tốt hơn, có góc nhìn rộng hơn và thường rẻ hơn LCD (đặc biệt với những TV có cỡ màn hình lớn hơn).
Tuy vậy, LCD cũng có một số điểm đáng kính nể. TV LCD dùng công nghệ LED mỏng hơn, tiết kiệm đơn hơn và tần số quét cao hơn TV plasma. Vì thế, mức giá TV LCD cao hơn có thể được đền bù bằng việc hóa đơn tiền điện của bạn sẽ thấp hơn.
Mặc dù plasma có những lợi thế như trên, song một số nhà sản xuất đang rút khỏi thị trường màn hình plasma, một số bang của Mỹ còn có kế hoạch cấm dùng những TV ngốn điện. Plasma chưa chết hẳn, nhưng có thể sẽ biến mất trong một vài năm tới.
Cáp HDMI đắt tiền mới mang lại hình ảnh đẹp trên HDTV
Khi bạn đã bỏ ra hơn 1.000 USD để mua một chiếc HDTV mới và 300 USD để mua đầu Blu-ray, người bán hàng có thể dễ dàng dụ bạn mua thêm bộ cáp HDMI giá tới 150 USD, bởi chiếc TV độ nét cao và chiếc đầu Blu-ray mới cần có một bộ cáp xứng đáng để mang lại cho bạn hình ảnh chất lượng tốt?
Tuy nhiên, chiếc HDTV của bạn không hề quan tâm tới loại cáp HDMI nào mà bạn dùng đâu. Thực tế, các loại cáp chất lượng cao là một "con bò sữa" mang lại bộn tiền cho ngành kinh doanh audio/video từ hàng thập kỷ nay, vì lý do rất chính đáng là: khi tín hiệu video/audio analog truyền từ một thiết bị này sang thiết bị khác, nó dễ bị ảnh hưởng với các loại can nhiễu và gián đoạn, nghĩa là dữ liệu hình ảnh mà nó nhận từ đầu DVD không giống 100% hình ảnh mà nó phát ra trên TV, bởi vì một số phần tín hiệu có thể bị hao hụt, mất mát trên "đường đi".
Tuy nhiên, các chuẩn video/audio kỹ thuật số như DisplayPort, DVI và HDMI không gặp vấn đề này, do dữ liệu được truyền qua cáp không nhạy cảm như tín hiệu analog. Nếu bạn nhìn thấy một vài vệt nhiễu trắng trên TV, thì điều này thường xảy ra với những cáp HDMI dài quá (8 mét hoặc trên). Với dây cáp ngắn hơn, chất lượng cáp không hề ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh.
Máy ảnh phải nhiều "chấm" mới tốt
Thật sai lầm khi nghĩ rằng máy ảnh có số điểm ảnh (megapixel) càng cao thì máy ảnh đó càng tốt. Bởi megapixel càng cao không có nghĩa chiếc máy ảnh đó sẽ mang lại cho người dùng những bức ảnh đẹp hơn.
Theo giải thích của trang công nghệ CNET, số điểm ảnh càng cao sẽ quan trọng nếu bạn định chụp một bức ảnh ở kích cỡ lớn hơn và không muốn hy sinh chất lượng. Về chất lượng camera, có nhiều thứ còn quan trọng hơn cả số megapixel, ví dụ như thấu kính cao cấp và bộ cảm biến nhạy sáng tốt. Chính vì vậy, khi lựa chọn camera cho máy ảnh hay smartphone, bạn không nên chỉ dựa vào số lượng megapixel.
Để laptop trên đùi sẽ khiến bạn bị vô sinh
Lo lắng này của nhiều người là có thể hiểu được – bởi đã có một nhóm nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tinh trùng bị phơi nhiễm sự bức xạ phát ra từ WiFi của laptop sẽ phá hủy nghiêm trọng DNA và không thể di chuyển được. Điều này khiến cánh đàn ông luôn phải nghĩ ngợi khi để laptop trên đùi, trừ phi họ đang mặc một loại "quần giáp sắt" có khả năng ngăn ngừa bức xạ. Nhưng thực tế, có vẻ nghiên cứu đó không được thực hiện cẩn thận.
Trao đổi với hãng tin Reuters về nghiên cứu trên, tiến sỹ Robert Oates, Chủ tịch Hiệp hội Sinh sản và Tiết niệu nam giới của Mỹ cho rằng: "Đây không phải là cơ chế sinh học trong cuộc sống thực. Nghiên cứu này nghe có vẻ khoa học nhưng với tôi nó chẳng liên quan gì đến chuyện sinh học của con người cả".
Song tiến sỹ Robert Oates cho rằng cũng có lý do đúng đắn để không để laptop trên đùi, chẳng hạn như độ nóng của máy có thể làm phỏng da còn lo lắng tinh trùng bị tiêu diệt vì sóng WiFi của laptop không phải là lý do. Vì thế, các chàng trai, hãy yên tâm!