Định danh kênh YouTube để chặn video xấu, độc

Sự kiện: Youtube

Yêu cầu YouTube có báo cáo về điều kiện, cơ chế "bật kiếm tiền" kênh YouTube cho những người sáng tạo nội dung.

Bài toán về 55.000 video clip có nội dung xấu, độc, vi phạm pháp luật tồn tại trên YouTube đang được các cơ quan quản lý tại Việt Nam tìm lời giải. Một phương án được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra mới đây là tạo công cụ lọc các video xấu, độc trên YouTube. Bên cạnh đó, Bộ TT-TT, Bộ Công an và các cơ quan liên quan cần có các biện pháp khác để "làm sạch" không gian mạng.

Quản chặt dòng tiền quảng cáo

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), cho biết bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm. Để kiểm soát và loại bỏ các video xấu, độc, ông Lâm cho biết dự kiến sẽ yêu cầu YouTube có báo cáo đầy đủ về điều kiện, cơ chế "bật kiếm tiền" kênh YouTube cho những người sáng tạo nội dung ở Việt Nam.

Một biện pháp được cho là sẽ góp phần dẹp video xấu, độc là Bộ TT-TT sẽ yêu cầu YouTube định danh các kênh YouTube tiếng Việt và phải có cơ chế thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về các kênh này. Theo ông Lâm, hiện ai cũng có thể trở thành "người sáng tạo" nội dung trên YouTube, dễ dàng đăng tải mà không bị kiểm duyệt; vì vậy, nếu quản lý, giám sát điều này thì sẽ ngăn chặn tốt hơn. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Không gian mạng - Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), cho biết nhóm người sản xuất nội dung và đã được YouTube trả tiền hiện rất lớn và khó kiểm soát. Ông Hưng cho rằng vẫn có thể quản lý và điều chỉnh được nhóm này nếu có quy định về ngành nghề, về thuế thu nhập cá nhân và thực hiện giám sát bằng dòng tiền chuyển về từ YouTube.

Định danh kênh YouTube để chặn video xấu, độc - 1

Nhiều clip xấu, độc vẫn còn dễ dàng lọt lên YouTube. (Ảnh do Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cung cấp)

Ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh chỉ các kênh được định danh và không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật thì mới có thể xem xét chia sẻ tiền quảng cáo. "Bộ TT-TT cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ dòng tiền quảng cáo trên YouTube và Google" - ông Lâm nhấn mạnh. Theo đại diện Bộ TT-TT, đơn vị sẽ yêu cầu YouTube ngăn chặn cả kênh nếu có video vi phạm, bởi không thể chạy theo để gỡ từng video được.

Cần bộ quy chuẩn

Ông Lê Minh Hưng khẳng định việc xây dựng một công cụ sử dụng các công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để phát hiện các video xấu, độc trên YouTube là khả thi và thực tế là Viettel đã tiến hành nghiên cứu công cụ này, đang áp dụng phục vụ trong lĩnh vực hẹp, phục vụ cho nội bộ Viettel. "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ công cụ có khả năng chỉ ra những video xấu, độc theo định nghĩa của chính phủ. Vấn đề là cần có hành lang pháp lý và định nghĩa rõ ràng thế nào là nội dung xấu, độc" - ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, lý do YouTube không loại bỏ những video vi phạm là do YouTube đang vận hành theo luật của họ chứ không theo sự chỉ đạo của cơ quan công quyền của Việt Nam. Bản thân YouTube cũng bày tỏ sự tôn trọng luật của từng quốc gia, tuy nhiên, họ cần một bộ quy chuẩn được công nhận và ban hành. Đây là điều mà Việt Nam đang thiếu. "Cho dù có công cụ trong tay nhưng nếu không có những chính sách từ Chính phủ thì công cụ đó của Viettel cũng không phát huy được hiệu quả. Luật có thể chỉ ra những nội dung vi phạm luật, thế nhưng có một mảng nội dung nhảm nhí, vi phạm đạo đức, không phù hợp với thuần phong mỹ tục nhưng không vi phạm pháp luật thì cũng cần được điều chỉnh bằng sức mạnh cộng đồng thông qua việc gửi cảnh báo (report)" - ông Hưng kiến nghị.

Ông Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc Công ty CP Quảng cáo thông minh (Clever-Ads), cho biết ông cùng cộng sự đã triển khai nghiên cứu bộ lọc được 6 tháng. Ông kỳ vọng công cụ này sẽ "quét" được các video có nội dung vi phạm trên YouTube, từ đó hạn chế tối đa việc hình ảnh quảng cáo của các doanh nghiệp xuất hiện trên các kênh có các video vi phạm.

Một số đại diện doanh nghiệp công nghệ cũng đề xuất cần xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp để điều chỉnh. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam vẫn cần trang bị các công cụ đủ mạnh để giám sát việc thực thi và tuân thủ pháp luật của YouTube.

Về phía Bộ TT-TT, cơ quan sẽ yêu cầu YouTube bỏ tính năng suggest (gợi ý) đối với các kênh đã thông báo vi phạm. Bổ sung cơ chế không cho người dùng đăng lại clip vi phạm đã bị gỡ bỏ trước đây. Đặc biệt, yêu cầu Google nghiên cứu mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh công ty tại Việt Nam để chăm sóc khách hàng tại Việt Nam (người dùng, nhãn hàng, thương hiệu, quảng cáo) và thực hiện các nghĩa vụ về thuế và quản lý nội dung đối với nhà nước.

Bộ lọc của YouTube còn máy móc

Theo một chuyên gia về công nghệ thông tin tại TP HCM, hiện YouTube sử dụng hệ thống máy tính và công nghệ AI để lọc các video trước khi đăng tải. Tuy nhiên, công nghệ tự động này cũng còn những hạn chế do không thể nhận dạng được chữ viết, giọng nói của từng ngôn ngữ hay không nhận dạng được các hình ảnh cá nhân riêng tư của các lãnh đạo, người nổi tiếng. Vì vậy, nhiều video nói xấu người khác, chửi thề, vu khống các cá nhân, nhà lãnh đạo hay kích động bạo lực... vẫn tồn tại. Chỉ khi có nhiều báo cáo (report) thì YouTube mới bắt đầu "hậu kiểm" (sử dụng con người để kiểm tra) các video này. AI không thể hiểu được bối cảnh mà các sự việc diễn ra... như con người nên việc xử lý thiếu chính xác.

Ch.Trung

Dân mạng bấn loạn, MV ”Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng MTP đạt 13 triệu lượt xem trên YouTube sau 14 giờ

MV "Hãy trao cho anh" của Sơn Tùng MTP đã đạt gần 12,9 triệu lượt xem chỉ sau chưa đầy 14 giờ đăng tải lên YouTube....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến ([Tên nguồn])
Youtube Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN