Đà Nẵng: Sáng chế hệ thống sấy bánh tráng từ lò tráng bánh

Tận dụng nhiệt từ lò tráng bánh tráng, nhóm sinh viên trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã sáng tạo hệ thống sấy bánh tráng từ lò này, và đoạt giải ứng dụng của giải thưởng Holcim Prize 2015.

Giúp nhà nông sấy bánh trong mùa mưa

Sáng chế mang tên “Tận dụng nhiệt thải từ lò tráng bánh để sấy bánh tráng cho các hộ tráng bánh ở Đại Lộc, Quảng Nam”  do nhóm sinh viên Nguyễn Thị Hà, Đào Thị Phượng, Nguyễn Hữu Quyền, Lê Văn Viễn học khoa Công nghệ nhiệt điện lạnh - Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng nghiên cứu, chế tạo.

Bạn Nguyễn Thị Hà chia sẻ, ý tưởng xuất phát tình cờ từ một lần đến nhà một người bạn ở huyện Đại Lộc chơi. Hà thấy người dân nơi đây tráng bánh xong mà không phơi nắng được do mùa mưa, trong khi nhiệt thải từ lò bánh ra nhiều. “Để sấy bánh, các hộ phải dùng các nhiên liệu phụ phẩm nông nghiệp như trấu, củi và than lấy nhiệt. Cách này vừa tốn kém, gây ô nhiễm môi trường và tốn nhân công. Từ đó, cả nhóm bạn hay chơi với nhau, trao đổi qua lại và nảy lên ý tưởng sáng tạo này”, Hà nói.

Đà Nẵng: Sáng chế hệ thống sấy bánh tráng từ lò tráng bánh - 1

Hà và Phượng đang giới thiệu hệ thống lò sấy bánh.

Sau gần một năm ấp ủ, trao đổi, đầu năm 2013 nhóm đã bắt tay vào chế tạo. Sau 3 tháng tìm hiểu, nhóm chế tạo đã cho ra mẫu thiết bị sấy dựa trên nguyên lý tận dụng nhiệt thải dư từ lò bánh tráng. Hệ thống sử dụng một phần năng lượng theo khói thải đi vào bộ trao đổi nhiệt (calorifer) gia nhiệt cho không khí. Từ đó không khí nóng sẽ được thổi vào buồng sấy, trao đổi nhiệt ẩm với bánh tráng, sấy khô rồi thoát ra ngoài.

Bạn Đào Thị Phượng cho biết, hệ thống sấy bánh tráng qua hai quy trình. Quy trình 1: Nhiên liệu củi, trấu, than được đưa vào cửa lò tráng bánh, một phần nhiệt dùng để tráng bánh, phần còn lại sẽ theo ống khói đi qua hệ thống sấy bằng dàn ống gia nhiệt, khói thoát từ lò tráng bánh sẽ qua bộ trao đổi nhiệt (calorifer) gia nhiệt cho không khí, không khí nóng sẽ vào buồng sấy và sấy bánh tráng. Bánh tráng sau khi sấy sẽ đạt được độ ẩm cần thiết cho việc bảo quản. Phượng cho biết, mỗi lần sấy bánh được 32 cái bánh tráng cho một mẻ, trong thời gian 20 đến 25 phút, trung bình với hệ thống này, mỗi ngày hộ dân tráng bánh sấy được 30kg bánh/ngày.

Tiết kiệm nhân công làm bánh

Hệ thống sẽ giúp tiết kiệm giảm gần như hoàn toàn nhiên liệu đốt để phơi bánh thủ côngs trong mùa mưa, giảm bớt nhân công. “Vì tính ra một ngày để phơi bánh trong mùa mưa, người tráng bánh phải tốn nhiên liệu đốt từ 20 -80 ngàn đồng ngày đối nhiên liệu trấu, củi và đến 100 ngàn/ngày đối với nhiên liệu than, mỗi tháng tính ra tiền nhiên liệu đã 3-4 triệu đồng, trong khi phải cần thêm nhân công để phơi bánh. Ngoài ra hệ thống còn cho ra sản phẩm sạch hơn, sản phẩm thủ công trước đây”, Hà nói.

“Để hệ thống ốn định, bọn em phải thử đi thử lại nhiều lần mới thành công”, Hà chia sẻ thêm.

Sáng tạo của nhóm sinh viên đã đoạt giải nhất cuộc thi khoa học cấp trường và vượt qua gần 250 ý tưởng, đoạt giải Ứng dụng của giải thưởng Holcim Prize 2015 vừa được trao tặng vào tháng 6 vừa qua.

Thầy Mã Phước Hoàng, khoa Công nghệ nhiệt - điện lạnh, đồng hành cùng nhóm sinh viên chế tạo cho biết, đây là sản phẩm có khả năng ứng dụng cao vì chi phí rẻ và không gian lắp đặt nhỏ, rất phù hợp với quy mô sản xuất thủ công, phù hợp với nhu cầu của người nông dân. Ngoài ra, hệ thống cũng đang hướng đến thị trường sạch cung ứng cho các siêu thị. Theo tính toán, sản phẩm khi đưa vào sản xuất chỉ cần 20  triệu đồng là sẽ ra thành phẩm; khả năng ổn định nhiệt cao nên người sử dụng không cần điều chỉnh nhiều. Nếu sản phẩm được đưa vào ứng dụng sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho bà con cũng như đảm bảo được sản phẩm sạch.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát lại tại hộ tráng bánh tại huyện Đại Lộc và lắp đặt thí điểm tại một hộ dân tráng bánh. Sau đó, Phòng phát triển kinh tế hạ tầng huyện Đại Lộc sẽ nghiệm thu và tiến hành nhân rộng ra trong toàn huyện”, thầy Hoàng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Oanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN