Cẩn thận bị trừ tiền oan từ ĐTDĐ giá rẻ của Trung Quốc

Nhà mạng trong nước tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo người nghèo, có dấu hiệu hình sự, cần xem xét truy cứu.

Công ty TNHH Đầu tư Vinamob (Hà Nội) đã cấu kết với 3 doanh nghiệp (DN) Trung Quốc chiếm đoạt tiền của người dùng bằng cách cài sẵn các câu lệnh tự động nhắn tin tới các đầu số dịch vụ có tính phí cao. Các chuyên gia cảnh báo người dùng nên cẩn trọng với các loại điện thoại có xuất xứ từ Trung Quốc và cơ quan chức năng cần kiểm tra kỹ các loại điện thoại này trước khi nhập khẩu.

Thủ đoạn tinh vi

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội, 3 DN Trung Quốc mà Vinamob hợp tác để lừa đảo là Công ty Global Wireless Consulting (GWC), Công ty Beijing Chang Yuan Hong Da Technology (HK Canal) và Công ty Phone Me Technology (Shiny Mobi).

Cẩn thận bị trừ tiền oan từ ĐTDĐ giá rẻ của Trung Quốc - 1

Người dùng nên cẩn trọng với các loại điện thoại giá rẻ của Trung Quốc Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ba công ty này cài đặt sẵn các mã lệnh nhắn tin trên máy điện thoại sản xuất ở Trung Quốc, sau đó bán vào Việt Nam. Các máy điện thoại này có nhãn hiệu ZES Z10 và 2 mẫu nhái hiệu Nokia là Nokia K60 và Nokia 2700 C-2.

Ở mục giải trí trên các điện thoại này cài đặt sẵn phần mềm ứng dụng các dịch vụ trắc nghiệm, tỉ giá, xổ số... Khi lựa chọn dịch vụ, trên giao diện không có thông tin về giá tiền, ứng dụng sẽ tự động gửi tin nhắn cú pháp MO tới đầu số 8x61 mà người dùng không hề hay biết bởi tin nhắn trả về từ đầu số này không hiển thị trên máy. Dù vậy, hệ thống kỹ thuật của Vinamob vẫn ghi nhận đầy đủ các giao dịch này và hệ thống tính cước của DN viễn thông vẫn trừ tiền của khách hàng từ 5.000 đồng đến 15.000 đồng.

Thống kê của Sở TT-TT Hà Nội cho thấy người dùng chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Quảng Nam, Kiên Giang... Tổng số tiền họ bị trừ lên đến 2,7 tỉ đồng. Số tiền này dĩ nhiên Vinamob và 3 đối tác ở Trung Quốc cũng được các nhà mạng  chia phần...

Trước sai phạm trên, Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội đã xử phạt Công ty Vinamob 50 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung qua đầu số 8x61 trong thời gian 2 tháng, buộc hoàn trả số tiền đã thu của người dùng.

Được biết, lợi nhuận thu về từ tin nhắn được cung cấp bởi các công ty dịch vụ nội dung (CP) sẽ chia theo tỉ lệ 50/50 với nhà mạng, thậm chí là 55/45 hay 60/40. Để tăng doanh thu, hầu hết CP này ký kết hợp đồng hợp tác với các tổ chức, cá nhân khác (Sub-CP) để cùng cung cấp dịch vụ và ăn chia lợi nhuận. Theo đánh giá của các chuyên gia, để xảy ra hành vi lừa đảo này có sự “tiếp tay” từ nhà mạng khi không quản lý chặt chẽ các đầu số. Bởi lợi nhuận thu lại từ các đầu số quá lớn nên nhiều khi nhà mạng phớt lờ trong công tác quản lý và đổ hết trách nhiệm cho các CP. Do đó, Bộ TT-TT cần sớm có giải pháp để xử lý tình trạng này.

Không nên dùng

Nói về điện thoại cài phần mềm “móc túi” người dùng, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena, cho biết đơn vị sản xuất đã nạp các mã lệnh nhắn tin vào trong phần Firmware hoặc ROM (Read Only Memory, là bộ nhớ chỉ đọc) của máy. Khi người dùng kết nối với mạng viễn thông thì các mã lệnh này sẽ tự động chạy ngầm và nhắn tin đến các đầu số dịch vụ mà người dùng không hề hay biết. Nguy hiểm hơn, các mã lệnh này còn có thể định sẵn ngày, giờ để nhắn tin. Ví dụ như mỗi ngày tự động nhắn tin vào lúc 24 giờ, mỗi tuần nhắn tin 3 lần. Do số tiền không lớn nên đôi khi người dùng không để ý. “Athena đã từng thử nghiệm nạp các mã lệnh vào các loại điện thoại phổ thông và nhận thấy việc này rất dễ dàng” - ông Thắng nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại điện thoại phổ thông mà Vinamob lợi dụng để trục lợi đều được nhập lậu về Việt Nam. Giá bán rất rẻ, chỉ 300.000-400.000 đồng nên được nhiều người dân có thu nhập thấp ưa dùng. Vì vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, hành vi trên chẳng khác nào “móc túi” người nghèo.

Về cách khắc phục, phòng ngừa, theo ông Thắng, do mã lệnh được nạp vào Firmware nên chỉ khi chạy lại Firmware “sạch” thì mới có thể xóa được. Tuy nhiên, việc này rất khó khăn do chỉ nhà sản xuất mới có Firmware gốc. Một số điện thoại hoàn toàn không thể chạy lại Firmware do các mã lệnh nhắn tin hay phần mềm gián điệp được cài sâu vào bộ nhớ. Trong khi đó, các loại điện thoại phổ thông thường không có hệ điều hành nên người dùng không thể cài thêm các phần mềm để phát hiện các phần mềm gián điệp. Vì vậy, cách tốt nhất là người dùng nên hạn chế sử dụng các loại điện thoại phổ thông có nguồn gốc không rõ ràng, xuất xứ từ Trung Quốc. Nếu đang sử dụng thì thường xuyên kiểm tra tài khoản, khi phát hiện bị trừ tiền bất thường phải báo ngay với nhà mạng.

Rà soát dịch vụ cung cấp qua các đầu số

Sở TT-TT Hà Nội cho biết đã báo cáo Bộ TT-TT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương rà soát những dịch vụ cung cấp qua các đầu số. Đặc biệt quan tâm dịch vụ tích hợp mã lệnh nhắn tin trên các ứng dụng, khóa các mã lệnh khi phát hiện nội dung không phù hợp hay khi nhận được nhiều khiếu nại của khách hàng. Người dùng điện thoại khi phát hiện hiện tượng nêu trên cần thông báo cho cơ quan chức năng ở địa phương để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Làm rõ vai trò nhà mạng

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, căn cứ điều 14 Luật Viễn thông thì doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ mạng viễn thông.

Trong trường hợp này, nhà mạng cũng có thu lợi từ số tiền khách hàng bị chiếm đoạt. Do vậy, trong quá trình điều tra sai phạm của Vinamob, cơ quan chức năng cần làm rõ vai trò của các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc hỗ trợ, giúp sức cho các hành vi lừa đảo thu lợi bất chính. Nếu xác định nhà mạng biết được các hành vi lợi dụng mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản và có dấu hiệu tiếp tay, tạo điều kiện cho việc thực hiện tội phạm thì cần truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chánh Trung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN