10 bài học để đời từ các vị lãnh đạo công nghệ
Công nghệ thông tin dường như vẫn đang là lĩnh vực đi đầu và tiếp tục phát triển vượt trội hơn nữa so với các lĩnh vực mũi nhọn khác. Điều này là hệ quả tất yếu khi mà lĩnh vực này đã trải qua quá nhiều năm phát triển và tự hoàn thiện mình.
Dưới đây là top 10 nhà lãnh đạo hàng đầu lĩnh vực công nghệ, những người đã giúp đem lại sự phát triển vượt bậc cho thế giới công nghệ. Một vài người trong số họ đã gặt hái được nhiều thành công dù mới chỉ bắt đầu sự nghiệp. Một số khác thì vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng tới thế giới công nghệ, cho dù sự nghiệp của họ đã chấm dứt. Sau đây là cái nhìn toàn diện về những bài học mà họ đã để lại trên con đường vươn tới thành công của mình.
1. Ursula Burns - Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Xerox
Một trong những cách hữu hiệu nhất để có thể thấu hiểu cách làm việc của một công ty là bắt đầu tìm hiểu công việc của những vị trí thấp nhất, đó là những gì mà Ursula Burns đã làm khi khởi nghiệp với công việc làm nhân viên trực máy photo tại Xerox vào năm 1980.
Bà tiếp tục làm việc và cống hiến cho Xerox trong những năm sau đó. Đến năm 2009, Burns đã trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên được giữ chức vụ CEO của công ty đứng top 500 trên thế giới. Đồng thời, cũng trong thời gian đó, bà dã giúp công ty thay đổi chiều hướng kinh doanh bằng việc bỏ ra 6.4 tỉ USD mua lại Affiliated Computer Services. Đây được coi là lần sáp nhập lớn nhất trong lịch sử kể từ khi Xerox ra đời.
Bài học: Hãy bắt đầu với công việc nhỏ nhặt, như vậy bạn sẽ dễ dàng hiểu được cách làm việc của mọi bộ phận trong công ty.
2. Vinton Cerf - Phó chủ tịch kiêm trưởng bộ phận tuyên truyền mạng của Google
Thật sự không quá khi gọi Vinton Cerf là bậc thầy về các hệ thống mạng. Khi còn trẻ, ông đã từng giúp cha mình kết nối Internet cho bộ quốc phòng Mỹ vào những năm 1970. Không chỉ vậy, vào những năm 1980 ông cũng là người tạo ra hệ thống email thương mại đầu tiên với MCI. Sau đó, vào năm 1990, ông cũng đã sáng lập nên một mạng lưới hướng dẫn về các chính sách và chuẩn mực pháp lý và đã gia nhập vào đội ngũ của Google vào năm 2000.
Hiện nay, ông đang trợ giúp NASA phát triển dự án tạo mạng lưới liên lạc trong không gian bằng sóng radio và tia laser.
Bài học: Hãy liên tục kết nối, cộng tác với mọi người xung quanh, bạn sẽ có thể kiếm được nhiều dự án và các sự trợ giúp đúng chuyên ngành mà bạn theo đuổi.
3. Steve Jobs - Đồng sáng lập, chủ tịch kiêm CEO của Apple
Một con người nổi tiếng, được cho là đã tạo nên một cuộc cách mạng, thay đổi hoàn toàn hướng phát triển của 4 lĩnh vực ( Máy tính cá nhân, ngành công nghệ phim ảnh, âm nhạc và xuất bản nội dung số). Steve Jobs luôn làm việc với cả trái tim mình, bắt đầu khởi nghiệp Apple tại một gara cũ và đã biến nó thành một trong những công ty kiếm nhiều lợi nhuận nhất trên thế giới. Nguyên tắc của ông là sự đam mê sẽ đem đến cho bạn thành công. Như những điều ông đã đề cập trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp đại học Standford năm 2005 “Hãy đi theo tiếng gọi của con tim của bạn, bạn sẽ tìm được sự thành công”.
Bài học: Nếu bạn không cảm thấy hứng thú hay đam mê với những gì mình đang làm, hãy tìm một thứ khác thực sự khiến bạn quan tâm.
4. Sheryl Sandberg - Trưởng bộ phận điều hành của Facebook
Được biết đến như một trong những mạng xã hội phát triển nhất trên thế giới, thế nhưng Facebook lại không thể tiếp nối thành công này trên sàn chứng khoán NASDAQ khi mà cổ phiếu của công ty này liên tục sụt giảm trong thời gian qua. Cuối cùng, nhờ có sự nỗ lực của Sheryl, cổ phiếu của Facebook đã tăng giá trở lại và đang dần dần hồi phục.
Sheryl đã từng giữ chức vụ trưởng phòng tài vụ kiêm phó chủ tịch của mảng bán hàng online của Google trước khi chuyển công tác sang Facebook. Khi gia nhập vào đội ngũ lãnh đạo của Facebook, bà đã đưa ra một loạt thay đổi và định hướng lại cung cách làm việc của các nhân viên trong công ty.
Bài học: Một công ty muốn phát triển được thì trước tiên nó phải được chăm chút thật kĩ.
5. Bill Gates - Đồng sáng lập, chủ tịch, cựu CEO của Microsoft.
Tuy rằng không còn chính thức làm việc tại Microsoft kể từ năm 2008, nhưng Bill Gates vẫn tham gia trong mọi sự kiện giới thiệu sản phẩm quan trọng của Microsoft. Với mục tiêu ban đầu là đưa máy tính trở thành công cụ thông dụng cần có trong mọi gia đình, Bill Gates đã lập trình nên hệ điều hành Windows, mở ra một kỉ nguyên mới với ngành công nghiệp xoay quanh hệ điều hành này.
Để có được sự thành công này, không thể phủ nhận những kiến thức về công nghệ của Bill Gates. Tuy nhiên, một phần không nhỏ khác là khả năng kết nối những người xung quanh, tìm ra và chiêu mộ những người có cùng niềm đam mê cho đội ngũ nhân viên của mình.
Bài học: Dù có làm việc trong lĩnh vực nào thì bạn cũng phải xây dựng cho mình một đội ngũ nhân viên làm việc hiệu quả.
6. Katie Cotton - Phó chủ tịch truyền thông của Apple
Thật là kì lạ khi đưa một quản lý mảng truyền thông vào top những người làm thay đổi thế giới công nghệ. Nhưng Katie Cotton thực sự xứng đáng với vị trí này khi mà bà đã giúp Apple tạo được tiếng vang lớn tới, gây chú ý tới cộng đồng hơn hẳn những công ty cùng ngành khác. Bà đã từng là một trong những người thân tín của Steve Jobs, đảm nhiệm bản quyền của các sản phẩm truyền thông.
Cotton cũng là người quản lý mọi thông tin từ phía Apple đến công chúng. Như khi Apple quyết định sản xuất các sản phẩm của mình tại Trung Quốc, bà đã làm mọi cách để khiến cho bước đi này không làm ảnh hưởng tới hình tượng một công ty công nghệ đẳng cấp cao của Apple. Bà đưa ra một lời khuyên là một công ty nếu thành công trong mảng truyền thông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển trong kinh doanh.
Bài học: Hãy chú ý chăm chút cho hình ảnh của công ty của bạn, điều này sẽ tạo nhiều lợi thế hơn cho công ty trong lĩnh vực kinh doanh.
7. Alan Turing - Người tiên phong trong việc lập trình trí thông minh nhân tạo
Chỉ từ những giả thuyết và những thuật toán đơn giản, Alan Turing đã đi trước thời đại khi viết nên một chương trình đánh cờ vua trước cả khi có sự ra đời của máy tính. Đồng thời ông cũng giúp giải mã những thông tin điện báo của Đức, tạo lợi thế cho phe Đồng Minh trong thế chiến thứ 2. Mặc dù ông đã qua đời vào năm 1954, nhưng những thử nghiệm và nghiên cứu của ông về trí thông minh nhân tạo vẫn được sử dụng rộng rãi cho tới ngày nay.
Bài học: Hãy kiên định, rồi thời gian sẽ bắt kịp với những đột phá mà bạn đạt được.
8. Marissa Mayer - Cựu phó chủ tịch phụ trách sản phẩm của Google
Google được thành lập bởi 2 chàng sinh viên của Đại học Stanford, nhưng người thực sự mang đến thành công cho công ty này lại là Marissa Mayer, người nhân viên thứ 20 và là kĩ sư nữ đầu tiên của Google. Đảm nhiệm điều hành hơn 100 chức năng tìm kiếm đa ngôn ngữ của Google, Mayer đã trở thành một phần không thể thiếu của công ty và chứng minh được rằng, bất cứ nhân viên nào cũng có thể trở thành chủ của công ty. Mới đây, Mayer đã được bổ nhiệm làm CEO mới của Yahoo.
Bài học: Hãy tạo nên một môi trường làm việc năng động cho nhân viên của bạn, có thể một trong số họ sẽ trở thành một nhân vật chủ chốt mà bạn cần trong tương lai.
9. Jimmy Wales - Đồng sáng lập Wikipedia
Với hơn 4 triệu mục lưu trữ thông tin, Wikipedia đã trở thành thư viện lưu trữ thông tin lớn nhất trên thế giới. Tất nhiên Jimmy Wales chỉ viết nên một phần nhỏ trong số những kiến thức được lưu tại Wikipedia, nhưng ông đã tổ chức nên một cộng đồng những người sử dụng có cùng niềm đam mê chia sẻ kiến thức và biên tập chúng trên Wikipedia.
Bài học: Hãy phát triển dựa trên sự đam mê công việc của chính những khách hàng của bạn, công ty của bạn sẽ thành công.
10. Meg Whitman - Chủ tịch kiêm CEO của Hewlett-Packard
Trước khi thống lĩnh tại công ty "trùm" công nghệ Hewlett-Packard, bà đã có một thời gian dài cống hiến cho trang thương mại điện tử eBay. Bà đã tạo nên một điều kì diệu khi biến công ty với quy mô 30 nhân viên, doanh số 4,7 triệu USD vào năm 1998 thành một công ty khổng lồ với 15.000 nhân viên và đạt doanh thu 7,7 tỉ USD vào năm 2008. Được biết, sự phát triển thần kì này có được sau khi Meg Whitman tái tổ chức lại hệ thống làm việc của các phòng ban tại eBay.
Một trong những thách thức lớn mà Meg Whitman gặp phải hiện nay đó là đưa Hewlett-Packard trở về với đúng quỹ đạo và tìm lại những thành công trong quá khứ của công ty.
Bài học: Sự thay đổi trong cách tổ chức có thể biến một công ty mới khởi nghiệp thành một công ty có khả năng thay đổi cả thế giới.