Khởi sự từ việc nhỏ để thành công lớn
Mỗi thành công nhỏ sẽ được tích lũy thành một thành tựu lớn ngày qua ngày.
Trong công việc của mình, hẳn ai cũng có kỳ vọng mình sẽ thực hiện được những thành tựu lớn lao, hoặc đạt được những kết quả khác biệt với số đông còn lại. Nhất là trong bối cảnh thị trường lao động hiện nay đang "khát" phân khúc lao động cấp trung, thì ngoài việc có trình độ chuyên môn vững chắc, thì tầm nhìn rộng lớn sẽ hứa hẹn cho bạn nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong doanh nghiệp. Vậy làm sao làm được việc lớn? Câu trả lời có vẻ bất ngờ: hãy bắt đầu nghiêm túc từ những việc nhỏ.
Vì sao phải bắt đầu từ việc nhỏ?
Chắc hẳn nhiều người đã từng so sánh hình ảnh bậc thang với con đường danh vọng. Cuộc sống luôn phải có điểm bắt đầu, đó chính là lý do bạn nên làm những việc nhỏ ngày hôm nay bằng một thái độ nghiêm túc và tận lực. Nhiều nhà quản lý điều hành có kinh nghiệm đã chia sẻ rằng, bất cứ khi nào chúng ta mong muốn đạt được mục tiêu to lớn, mang tính chất dài lâu, thì trong đầu chúng ta sẽ phác thảo ra bức tranh toàn cảnh ở thời điểm bạn thành công. Nói cách khác là lập một kế hoạch chi tiết để biến suy nghĩ lớn của mình thành hiện thực. Lộ trình này sẽ được chia nhỏ ra thành mục tiêu trong từng năm, từng tháng, thậm chí từng ngày một. Lúc này, khi đã có mục tiêu cụ thể, tất cả những gì còn lại cần làm là phấn đấu nỗ lực hoàn thành công việc một cách chu toàn nhất.
Một "câu thần chú" dành cho những người nóng vội, đó là không thể xây một cái nhà cao mà không có một nền móng vững chắc. Ngày nay nhiều bạn trẻ than phiền rằng, trong quá trình thực tập tại các doanh nghiệp, các bạn không có cơ hội học hỏi, không có cơ hội thể hiện bản thân mình. Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Minh - Giám đốc điều hành công ty tư vấn đào tạo SRI chia sẻ một cách hài hước : "Tôi tin các bạn trẻ hiện đại là những người tài năng, là một viên ngọc còn ẩn trong đá. Tuy nhiên, chẳng ai thích gắn một viên ngọc thô lên ve áo mình. Các bạn nên bỏ thời gian mài dũa từng góc cạnh của mình: kỹ năng, kiến thức, cả việc xây dựng mối quan hệ trong doanh nghiệp nữa. Không có việc gì mà nhà lãnh đạo giao phó lại thừa cả. Muốn trở thành một nhân viên giỏi, thì hãy kiên nhẫn mang tiếng "dở" một thời gian đã!"
Nói tóm lại, khi bạn bắt đầu nghĩ lớn, thì hãy làm từ những việc nhỏ. Nếu bạn không thấy ngay kết quả trong ngày một ngày hai thì cũng đừng từ bỏ sự nhẫn nại của mình. Những thay đổi nhỏ nhặt sẽ đem đến cho chúng ta những thành công lớn một cách bất ngờ mà chính ta cũng không lường trước được.
Đừng xem thường tiểu tiết
Nếu có dịp tiếp xúc với Anh Đỗ Tuấn Hùng Mạnh - Giám đốc điều hành resort Mỏm Đá Chim (Bình Thuận) thì sẽ thấy rõ minh chứng cho mẫu người chu toàn tỉ mỉ trong từng việc nhỏ. Anh Mạnh chia sẻ: "Nếu tôi không khuyến khích nhân viên chăm chút từng chi tiết nhỏ trong dịch vụ như: luôn nở nụ cười tươi khi khách yêu cầu dịch vụ, thêm một chút tinh dầu thơm trong phòng tắm, đặt tặng khách hàng một ít chocolate vào sáng ngày trả phòng... thì có lẽ những resort mà tôi quản lý qua, khách hàng sẽ không lưu luyến và hài lòng nhiều như vậy." Vì những sáng tạo trong quá trình quản lý, điều hành, nên dù chưa 30 tuổi, nhưng hiện anh là CEO uy tín nhất trong cộng đồng CEO các khu du lịch tại Bình Thuận, Phan Thiết.
Câu chuyện nhỏ này cho thấy một điều, một người, dù là mong muốn trở thành một nhân viên ưu tú, hay một nhà lãnh đạo tài ba, thì đừng bao giờ xem thường tiểu tiết. Thử nghĩ xem, trong hàng trăm hồ sơ xin việc của những người có trình độ, kinh nghiệm ngang bằng nhau, bỗng dưng nhà tuyển dụng bắt gặp một hồ sơ được viết bằng tay ngay ngắn, hoặc có đính kèm những hình ảnh sản phẩm thực tế thay vì những bản vẽ khô khan... chắc chắn rằng, nhà tuyển dụng sẽ chú ý đặc biệt hơn đến những hồ sơ đó. Bất cứ ai cũng yêu thích sự toàn mỹ, cho nên khi chúng ta cố gắng thể hiện sự tỉ mỉ, cẩn thận tới mức tối đa, thì không khó khăn gì để đạt được sự đánh giá cao của nhà lãnh đạo.
Niềm đam mê sẽ thu hút thành công
Có đôi khi tiếp xúc với bạn bè, chúng ta thường đặt ra câu hỏi, vì sao cô ta (cậu ta) vẫn tiếp tục làm việc tại một nơi không xứng đáng với năng lực của mình, trong khi ngoài kia còn rất nhiều cơ hội để phát triển? Động lực để họ kiên trì bám trụ vị trí hiện tại là từ đâu? Có thể trả lời ngay, một trong số lý do đó là niềm đam mê.
Giá trị của công việc với một người đôi khi không chỉ nằm ở lương bổng, chức danh, mà nằm ở việc họ thỏa mãn ra sao với việc mình đang làm. Những người đã từng một lần chạm tay đến thành công lớn hẳn sẽ biết câu "Cứ đi đi, rồi sẽ đến". Không quan trọng chúng ta đang làm việc lớn hay là việc nhỏ, điều quan trọng là phải duy trì niềm đam mê trong bất cứ nhiệm vụ nào. Con người chúng ta đam mê, hưng phấn và có cảm xúc tích cực khi trong đầu óc chúng ta luôn ngập tràn hình ảnh tốt đẹp và tích cực. Niềm cảm xúc này cũng chính là nguồn động lực khiến chúng ta phấn đấu không mệt mỏi mỗi ngày, với cảm hứng từ bức tranh chi tiết về thành công của mình.
Ví dụ bạn đang muốn trở thành một MC truyền hình với mức cát-sê ngất ngưởng, là một người số một, được nhiều người yêu mến, hâm mộ... thì bạn nên đưa những hình ảnh ấy vào suy nghĩ của bạn. Ngoài việc những viễn cảnh đó làm bạn có động lực hơn, thì nó cũng sẽ tạo nên một "nguồn năng lượng" tích cực để "lôi kéo" tương lai ấy đến gần với bạn hơn, bạn sẽ dễ dàng biến nó thành hiện thực hơn. Theo các nhà nghiên cứu khoa học, thì khi bạn tập trung nghĩ gì về mình, dù tiêu cực hay tích cực thì nó cũng thu hút điều đó đến gần với bạn hơn! Điều này cũng sẽ giúp bạn vượt qua bất cứ khó khăn gì xảy ra trước mắt, vì bạn biết rằng, những khó khăn này là những điều cần phải chạm trán để đạt đến cái đích cuối cùng.
Một nhân viên giỏi cũng sẽ dễ dàng vượt qua những sự nhàm chán thường đến với công việc lặp đi lặp lại trong nhiều năm, khi họ biết rằng họ đang làm điều mình đam mê.
Vậy thì, lớn hay nhỏ là tùy vào thái độ của mỗi chúng ta. Nhưng hãy tin rằng, mỗi thành công nhỏ sẽ được tích lũy thành một thành tựu lớn ngày qua ngày. Muốn thành công lớn, xin hãy khởi sự từ việc nhỏ.