Áp lực công việc và những cách khắc phục

Thứ Hai, ngày 12/11/2012 08:32 AM (GMT+7)
Chia sẻ

Ngày nay, hầu hết nhân viên ở các công ty đều cảm thấy mệt mỏi vì khối lượng công việc quá lớn, trong khi đó lịch làm việc lại quá dài, thời gian nghỉ ngơi, thời gian dành cho gia đình bị rút ngắn, và các ngày nghỉ ngày càng ít đi.

Theo cuộc khảo sát của CareerBuilder trên toàn nước Mỹ, hơn một nửa số nhân viên nói rằng họ phải làm việc dưới áp lực lớn và 77% cảm thấy công việc ngột ngạt quá sức chịu đựng.

Vậy đâu là nguyên nhân?

Theo khảo sát, hầu hết số nhân viên cho rằng đó là do sự cạnh tranh và ganh đua tại nơi làm việc, và tới có tới 16% nói rằng họ bị căng thẳng bởi những xích mích với một số đồng nghiệp trong công ty. Đó là những nguyên nhân phổ biến gây nên áp lực công việc.

Cũng theo khảo sát, kết quả cho thấy nguyên nhân trên là do:

- Khối lượng công việc quá tải (15%)

- Thời gian làm việc quá căng thẳng (11%)

- Dự án đang ở giai đoạn cuối (10%)

- Do ông chủ độc đoán và khó tính (9%)

Và 2/3 trong số nhân viên nói rằng môi trường áp lực công việc lớn không chỉ ảnh hưởng xấu đến kết quả công việc mà còn đến sức khoẻ của họ.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, stress trong công việc là nguyên nhân gây nên một số bệnh nguy hiểm như: đau đầu, rối loạn tiêu hoá, cao huyết áp và chứng đau tim…

Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn đang làm việc dưới áp lực lớn:

- Bạn thờ ơ với tất cả các việc làm của đồng nghiệp.

- Bạn thường đi làm muộn và chỉ muốn nhanh chóng hết giờ làm việc.

- Bạn mất hết lòng nhiệt tình trong công việc, thờ ơ và lãnh đạm.

- Bạn không còn muốn gặp gỡ và nói chuyện với các đồng nghiệp.

- Bạn cảm thấy mệt mỏi và chán nản.

Nếu bạn gặp phải những dấu hiệu trên, hãy làm theo những lời khuyên sau để giúp bạn vượt qua những áp lực đó:

1. Sắp xếp những ưu tiên

Những công việc khó và quan trọng nên dành ưu tiên hoàn thành trước để chắc rằng bạn có nhiều thời gian giải quyết chúng. Trước khi xong việc, dành thời gian để dọn dẹp nơi làm việc cho gọn gàng và tạo ra một danh sách các công việc phải làm cho ngày hôm sau.

2. Vạch rõ kế hoạch

Cần phải tạo ra những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn trong mục tiêu của bạn. Và cần phải chú ý đến việc ấn định thời gian hoàn thành kế hoạch.

3. Chú ý đến sức khoẻ bản thân

Dành thời gian để ngủ, uống nước, ăn trái cây và tập thể dục sẽ giúp bạn cảm thấy tinh thần thoải mái và làm việc rất có hiệu quả.

4. Tìm ra nguyên nhân của stress

Đâu là nguyên nhân gây ra stress trong cuộc sống của bạn? Đó có phải là do dự án đã đến thời hạn cuối? Hay là do bạn không cân bằng được công việc của công ty và việc nhà? Xác định nguyên nhân của stress là bước đầu tiên để bạn khắc phục nó.

5. Loại bỏ những mong muốn phi thực tế

Bạn không phải là một siêu nhân, vì vậy đừng cố gắng thực hiện ước mơ thiếu tính khả thi. Thiết lập một mục tiêu không thực tế chỉ làm bạn thêm thất bại và càng làm bạn thêm phần căng thẳng mà thôi. Vì vậy, khi đặt ra mục tiêu làm việc, hãy tính đến tính khả thi của nó.

6. Dành thời gian thư giãn

Lập một bảng biểu cho các hoạt động cá nhân để giúp bạn thoải mái về mặt tinh thần. Khi tỉnh dậy, hãy duỗi thẳng người, nhìn ra cửa sổ, hoặc đi dạo.

7. Tránh bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài

Nếu bạn đang phải cố gắng hoàn thành dự án vào giai đoạn cuối, hãy đóng cửa phòng và để điện thoại ở chế độ tắt. Bằng cách này, bạn có thể tập trung làm việc và hoàn thành công việc đúng thời hạn.

Chia sẻ
([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN