4 "hòn đá tảng" trong hành trình khởi nghiệp

Thứ Năm, ngày 11/09/2014 07:05 AM (GMT+7)
Chia sẻ

Khởi nghiệp là mơ ước và nhiệm vụ của bất kỳ bạn trẻ nào. Nhưng để thành công trên con đường này là một câu chuyện khác - đầy chông gai và trở ngại.

Mặc dù nhiệt tình, hăng hái và ham học hỏi, nhiều bạn trẻ ngày nay, đặc biệt là những tân cử nhân vẫn loay hoay không lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng. Sau các cố gắng không ra kết quả, nhiều bạn dễ dàng bị chán nản và nhụt chí, mà không nhận ra thực tế rằng, tấm bằng tốt nghiệp chỉ như một tấm vé thông hành, còn rất nhiều vật cản đường cần vượt qua mới đến được thành công. 

Vậy đâu là những "đá tảng" phổ biến trì hoãn bước đường sự nghiệp của người trẻ? 

Không hiểu mình 

Không hiểu được bản thân thích gì, muốn gì cũng như những điểm yếu, điểm mạnh của mình, bạn sẽ khó lòng xác định được hướng đi cho công việc tương lai. Đặc biệt, nếu học nhầm ngành, bạn sẽ dễ bị chán nản, không tìm được lối thoát. Hơn nữa, những câu hỏi yêu cầu tự nhận xét về bản thân hay mục tiêu trong tương lai là câu hỏi thường gặp ở các nhà tuyển dụng, không hiểu mình, bạn sẽ lúng túng khi phỏng vấn. 

Không ai có thể dạy được bạn phải thích gì, hay mạnh hoặc yếu ở điểm nào, nhưng bạn có thể biết được điều này nếu có nhiều trải nghiệm thực tế. Dấn thân vào nhiều công việc sẽ giúp bạn hiểu được tính chất của từng công việc, từ đó biết được mình phù hợp và yêu thích ngành nghề nào. Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo ý kiến của thầy cô giáo hoặc những anh chị trong các câu lạc bộ, hội, nhóm. Nhận xét của những người đi trước sẽ cho bạn một góc nhìn khác về bản thân và thường đi kèm với những lời khuyên bổ ích. 

Thiếu kinh nghiệm 

Nhiều bạn thắc mắc rằng các công ty luôn yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm, sinh viên ra trường không có kinh nghiệm, không tìm được việc thì sẽ mãi mãi không có kinh nghiệm và bị từ chối sao? 

Các bạn trẻ cần bắt tay vào những công việc tình nguyện, cộng tác viên, hoạt động Đoàn, hoạt động xã hội. Mọi công việc đều dạy cho chúng ta những kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, phương pháp làm việc khoa học... Đây là những yếu tố rất quan trọng trong mọi ngành nghề, nếu kết hợp với kiến thức chuyên môn sẽ tạo ra hiệu quả công việc cao. Đối với những sinh viên mới ra trường, nhà tuyển dụng ghi nhận và đánh giá cao điều đó chứ không nhất thiết phải là đúng kinh nghiệm chuyên môn. 

4 "hòn đá tảng" trong hành trình khởi nghiệp - 1

Bạn đã sẵn sàng gạt phăng "đá tảng"? 

Hạn chế về kiến thức 

Việc học trên trường tập trung vào lý thuyết khiến nhiều bạn trẻ ngày nay yếu về kiến thức xã hội và các kỹ năng tư duy, phân tích, lập luận. Hãy trau dồi kiến thức ngay từ bây giờ, tìm cơ hội rèn luyện các kỹ năng trên qua những cuộc thi như tranh biện, hùng biện, tìm hiểu kiến thức... diễn ra khá thường xuyên ở các trường hoặc các tổ chức. Khi bạn hiểu biết rộng chắc chắn sẽ thuyết phục được nhà tuyển dụng một cách dễ dàng. 

Không chuẩn bị kỹ hồ sơ và buổi phỏng vấn 

Hồ sơ sơ sài và không chuyên nghiệp, không gây được ấn tượng, các nội dung phỏng vấn chưa được chuẩn bị kỹ khiến tâm lý không vững vàng, câu trả lời không trau chuốt, tất cả những điều đó là những điểm trừ không đáng cho bạn khi đi xin việc. 

Hiện nay trên các trang mạng tuyển dụng có rất nhiều mẫu hồ sơ và câu trả lời phỏng vấn. Đây là những mẫu đã được chọn lọc bởi những chuyên gia tuyển dụng và được đánh giá là khá phù hợp với phần lớn người tìm việc. Tham khảo những mẫu này để đúc kết được một hành trang cho riêng mình trước khi bước vào buổi phỏng vấn, bạn sẽ tự tin hơn và cơ hội có việc làm sẽ cao hơn.

Chia sẻ
Theo Zing.vn
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN