Tiếng đàn từ bãi rác Hoàng Cầu
Có một người đàn ông ban ngày lặn lội khắp ngõ hẻm Hà Nội mong kiếm từng vỏ lon, mẩu giấy vụn... để rồi cứ đêm về lại mang đàn guitar ra đệm những khúc tình ca yêu đời cho mọi người trong “xóm nhặt rác” nghe và cùng hát theo.
“Nghệ sĩ” bãi rác
Không giống với hình dung của tôi về một Bốn “râu” hầm hố, ngông nghênh bởi khi hỏi tên ông, cả khu bãi rác Hoàng Cầu (quận Đống Đa, HN) đều biết. Bốn “râu” dáng người gầy nhỏ, nước da đen, trên môi luôn thường trực một nụ cười hiền hết cỡ.
Ông lý giải về biệt danh của mình: “Cạo râu mất nhiều thời gian quá nên mấy năm nay tôi cứ để vậy. Mọi người trong khu này thấy mình nhiều râu nên gọi bằng cái tên thân mật ấy”.
Bốn “râu” chơi đàn trong căn phòng 5m2
Ông tên đầy đủ là Trần Văn Bốn – 56 tuổi, quê ở Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Từ nhỏ, Bốn “râu” đã rất thích âm nhạc. Mỗi khi có đoàn văn nghệ về trung tâm huyện là ông háo hức đi bộ vài chục cây số đến xem bằng được. Năm 12 tuổi, dù nhà rất nghèo, nhưng vẫn dành tiền mua một cây đàn guitar và tự tập.
Lớn lên, Bốn “râu” nhập ngũ. Do năng khiếu âm nhạc, nên ông từng được chọn vào nhóm nhạc của đơn vị. Khi xuất ngũ, cũng nhờ cây đàn guitar mà bố mẹ vợ đã đồng ý gả con gái cho anh dù anh nghèo và cũng chẳng khéo ăn nói.
Có vợ, sinh con, Bốn “râu” phải ra Bắc vào Nam mưu sinh. Nhưng với cái tính “nghệ sĩ”, lại thật thà quá mức, nên ông luôn thất bại. Năm 2006 và 2007, lần lượt hai con gái của ông thi đậu cao đẳng, Bốn “râu” ra Hà Nội xin đi gom rác tại khu Ngoại giao đoàn (Vạn Phúc, quận Ba Đình) để lấy tiền nuôi con ăn học. Xong việc ban ngày, đến 19h, ông lại lôi xe đạp lắp bằng các ống sắt - nặng gần bằng nửa chiếc xe máy - lượn khắp các nơi tìm phế liệu.
Những tưởng lăn vào việc này ông sẽ không còn thời gian đàn hát nhưng ngược lại, cứ ở đâu có đàn cũ hỏng là ông tìm mua bằng được rồi mang về sửa. Gần 22h, sau khi chờ mọi người trong bãi rác Hoàng Cầu tắm rửa, ăn uống xong, Bốn “râu” lại mang guitar ra gảy. Từ những bài ca chiến trường như “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”... cho đến những ca khúc trữ tình như “Tiếng hát trên dòng sông quan họ”, “Triệu bông hồng”...
Bốn “râu” đều hát rất nhẹ và êm như muốn giúp mọi người tạm quên đi những vất vả ban ngày. Dần dà, việc Bốn “râu” đánh đàn vào buổi tối đã tạo thành buổi sinh hoạt văn nghệ của xóm nhặt rác.
“Cuộc đời vẫn đẹp sao!”
Ít ai biết đằng sau tiếng đàn như muốn quên trời đất mà hằng ngày Bốn “râu” vẫn gảy luôn ẩn chứa biết bao nỗi buồn. Ông tâm sự: “Tôi vừa bán 3 cây đàn kỷ niệm rồi anh ạ! Chiếc tivi do một người bạn tặng cũng phải mang về cho thằng út ở nhà một mình xem cho đỡ buồn”.
Thằng út mà ông nhắc tới đang học dở ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh thì bị bệnh dịch hạch nên phải xin nghỉ để điều trị gần 2 năm nay. Số tiền điều trị bệnh cho con quá lớn (gần trăm triệu đồng) buộc ông phải đi vay mượn anh em ở quê, vay ngân hàng. Giờ bệnh tình của con trai đã giảm, nên Bốn “râu” lại cặm cụi đi nhặt rác kiếm tiền trả nợ.
Nơi mà Bốn “râu” và hơn 50 người trong xóm nhặt rác Hoàng Cầu ở đúng nghĩa với cụm từ “khu ổ chuột của Hà Nội”. Sáu khu lán đều có thiết kế giống nhau: Bên dưới là gầm chứa rác, nơi nấu ăn, tắm giặt. Phía trên là nơi ở. Bên ngoài các dãy nhà đều phủ kín bằng bạt, vải rách, những đống rác đã hoặc chưa phân loại.
Trong không gian và hoàn cảnh như vậy, nhưng người đàn ông đáng mến này không hề oán than, kêu ca. Những người còn lại luôn tỏ vẻ khó chịu mỗi khi tôi bắt chuyện (họ sợ bị báo chí phản ánh nơi ở ô nhiễm sẽ mất chỗ sinh nhai và có lẽ do mặc cảm!), nhưng Bốn “râu” lại rất vô tư: “Mình có làm chuyện bất nghĩa gì đâu mà sợ hả chú, nhặt rác cũng như mọi thứ nghề trên đời này thôi!”.
Bốn “râu” tâm sự: “Dù nhọc đến mấy, nhưng mỗi tối tôi cũng phải đàn vài bài trước khi ngủ. Anh em vui thì cùng sang hát vang, hôm nào họ mệt cần nghỉ ngơi thì tôi đánh đàn cho bà xã nghe. Có tối đi nhặt rác ngang qua chỗ biểu diễn ca nhạc, kiểm trong túi còn đủ 30.000 đồng nên tôi mua vé vào xem. Tuy hôm ấy không có phế liệu mang về, nhưng bù lại được bữa “giải khát” bằng âm nhạc”.
Chuyện người đàn ông đi nhặt rác đến tận đêm thâu kiếm tiền nuôi ba con học đại học, rồi đêm về lại tiếp sức cho những người đồng cảnh nghèo khó bằng âm nhạc khiến tôi nghĩ đó chính là chuyện chàng Thạch Sanh thời hiện đại. Tiếng đàn của ông dù không thật điệu đà, nhưng là những thanh âm tươi sáng, dễ làm xao lòng nhiều người may mắn nghe được.