Quê nghèo "khát" nhạc

Có chứng kiến tận mắt những câu chuyện thật mới thấy sự thiếu vắng âm nhạc tại các vùng quê.

Ở nơi thành phố xa hoa và tráng lệ, ánh đèn sân khấu sáng hàng đêm tại khắp các phòng trà, các sân khấu ca nhạc và thậm chí ngay tại những quán café nhỏ nhất trong các con phố nhỏ, ngõ nhỏ. Nhưng chỉ đi vài trăm km, thậm chí chỉ vài chục km khỏi nơi đó lại là một thế giới hoàn toàn khác.

Ánh điện vẫn tỏa rạng trên mỗi mái nhà, từng con đường thậm chí cả những ngõ, hẻm… Tuy nhiên, âm nhạc, hào quang sân khấu, tiếng hát của những người ca sỹ… vẫn chưa thực sự phổ biến và là món quà xa xỉ với những người dân quê. Những giá trị tinh thần ấy tưởng chừng như là bình thường nhưng nó lại là câu chuyện của những ước mơ.

Quê nghèo "khát" nhạc - 1

Khán giả ngồi la liệt dưới nền đất để theo dõi các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu

Chuyện thứ nhất

Những ngày mưa tháng 4, chúng tôi đặt chân về một vùng quê của thủ phủ miền Tây – xứ gạo trắng nước trong Cần Thơ. Chỉ cách trung tâm thành phố chừng 40km nhưng đường vào khu dân cư này tưởng như dài lắm dù toàn bộ đoạn đường đều được trải bê tông phẳng, mượt. Nhưng điều khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng vì trải dài hai bên đường là nhữn ruộng lúa xanh mướt, những cánh đồng trồng dưa hấu xanh mơn mởn và cả những nụ cười hồn nhiên của các em nhỏ tung tăng giờ tan trường.

Cơn mưa bất chợt trút xuống nặng trĩu khiến đường đến với chương trình mở màn của tour xuyên Việt trở nên xa hơn. Nhà tổ chức băn khoăn khán giả sẽ không đến, hoặc giả họ có đến sớm sẽ ra về. Sân khấu ngoài trời được dựng ngay trên nền đất trống lớn. Lối vào khu biểu diễn đầy bùn sình, nước ngập lưng ống chân. Ánh điện từ những ngôi nhà dân vẫn rạng và những khán giả vẫn kiên nhẫn nép mình dưới những lan can vừa để trú mưa vừa chờ giờ diễn.

Quê nghèo "khát" nhạc - 2

Những ánh mắt chăm chú dõi theo thần tượng trên sân khấu

Cơn mưa nặng hạt tưởng chừng như không thể dứt. Ngay cả khi nó đã dứt, sân khấu giống như một cánh đồng trĩu nước. Thế nhưng, mặc cho thời tiết bất lợi lượng khán giả đổ về cứ đông dần và cuối cùng không một khoảng trống nào còn sót lại.

Đáp lại tình cảm từ những khán giả đó từ người mở màn chương trình là Đàm Vĩnh Hưng cho đến các ca sỹ trẻ: Miu Lê, Trịnh Thăng Bình, Ngô Kiến Huy, Quốc Thiên, Yến Trang, Thanh Thảo… đều trình diễn hết mình.

Các ca sỹ sẵn sàng đội mưa để xuống tận sân khấu hát cho khán giả, bắt tay họ. Trong số những người đã chờ đợi thần tượng của mình ngoài phần đông là các bạn trẻ còn có những khán giả đã bước sang tuổi 50, 60. Họ không gào thét hay kêu tên thần tượng mà chăm chú dõi theo từng động tác biểu diễn, nhẩm theo từng lời bài hát. Ngay cả khi tiếng hát, lời ca cuối cùng được vang lên hơn 5.000 khán giả vẫn tiếc nuối chưa muốn ra về.

Dường như cơn mưa kia không khiến họ nguội lạnh hay bỏ ra về mà nó dường như càng khiến sân khấu trở nên nóng hơn, khán giả sung hơn và cổ vũ hết mình hơn.

Quê nghèo "khát" nhạc - 3

Đàm Vĩnh Hưng đội mưa phục vụ khán giả hết mình

Nhiều người tự đặt câu hỏi, nếu cũng chương trình đó, dàn sao đó nếu được tổ chức tại một thành phố lớn, liệu khán giả có kiên nhẫn ở lại và chờ đợi đến vậy?

Chuyện thứ 2

Tôi có dịp may mắn đi theo một đoàn từ thiện của nhóm nghệ sĩ Trái tim hồng về với một xã nghèo của tỉnh An Giang. Di chuyển từ TP.HCM lúc nửa đêm, cả đoàn chỉ kịp dừng chân ăn trưa và cứ như thế vội vã để đến kịp giờ trao quà từ thiện và chuẩn bị cho đêm biểu diễn. Qua đến 3 lần phà, dọc ngang khắp các con sông chúng tôi mới có thể đặt chân đến địa bàn dự định giữa cái nắng trưa oi gắt.

Quê nghèo "khát" nhạc - 4

Hệ thống âm thanh và ánh sáng đơn sơ với những đêm nhạc tại các vùng quê

Cả đoàn tấp nập chuẩn bị cho những gói quà nhỏ là những vật dụng thiết thực: gói muối, đường, chai dầu ăn, lọ nước tương… Tất cả ở trong đó chứa đựng những tình cảm từ các mạnh thường quân, các anh chị em nghệ sĩ trong đó có cả một người con được sinh ra nơi đây.

Cùng với việc trao quà từ thiện, các anh chị em nghệ sĩ còn dành tặng cho bà con một chương trình ca nhạc tuy không được dàn dựng công phu nhưng ấm áp tình nghĩa. Ở đó, có sự tham gia của những cái tên quen thuộc: Đức Tiến, Quách Tuấn Du, MC Anh Quân, Duyên Anh Idol, Kavie Trần, Ivy Trần…

Sân khấu được dựng lên tại chính không gian của nhà văn hóa xã. Điều kiện về vật chất nơi đây còn quá sơ sài, thậm chí điểm biểu diễn vẫn chỉ là nền cát với đầy gạch đá xung quanh còn lổm nhổm. Hệ thống âm thanh cố gắng lắm mới huy động được những chiếc loa đủ để đảm bảo chất lượng cho các nghệ sĩ hát.

Bắt đầu từ khoảng 18h30, anh em nghệ sĩ trong đoàn không khỏi lo lắng vì khán giả đến ít quá. Sân khấu chỉ lác đác vài người bán hàng dạo hay vài em nhỏ hiếu kỳ. Thế nhưng, các nghệ sĩ vẫn biểu diễn hết mình và dòng người cứ đổ về ngày càng đông hơn. Cho đến khi ánh điện đã thắp lên, tiếng hát đã sung hơn thì phía dưới, khán giả đã lấp kín chỗ trống.

Quê nghèo "khát" nhạc - 5

Những em nhỏ cũng háo hức đến với sân khấu

Trong số những khán giả đó, có những em bé chỉ mới chập chững biết đi. Lại có những cụ già đã 70-80 tuổi nhưng vẫn chăm chú theo dõi từng tiết mục. Khán giả đông khiến các ca sĩ hát càng sung hơn, nhiệt tình hơn. Họ không la hét hay cổ vũ nồng nhiệt như trong các chương trình nhạc rock nhưng ánh mắt, sự say mê và cả niềm vui toát lên từ những người dân nghèo nơi đây.

Dù chương trình chỉ kéo dài trong khoảng 2 giờ đồng hồ, nhưng khán giả vẫn cố nán lại sân khấu. Họ chào hỏi, bắt tay những người nghệ sĩ và gửi lời chúc thượng lộ bình an khi đoàn chuẩn bị lên xe về lại TP.HCM ngay trong đêm.

Và câu chuyện ngày xưa

Trải qua 2 câu chuyện giản dị đó, tôi nhớ về những ngày xưa, cách đây cũng dễ đến 20 năm khi tivi vẫn là thứ xa xỉ. Thời đó cả làng cùng xem chung một chiếc tivi đen trắng với những bộ phim: Phạm Công Cúc Hoa, Tây Du Ký,… Mỗi khi có đoàn văn công về xã biểu diễn, từ già đến trẻ đều háo hức đi làm đồng về sớm hơn, ăn cơm sớm hơn và châm cho ngọn đèn dầu đầy hơn. Thậm chí, ngay cả khi trời mưa tầm tã, ai ai cũng sẵn sàng đội mưa để đến địa điểm biểu diễn. Ánh đèn sân khấu và những người nghệ sĩ dường như là một món quà xa xỉ nơi những vùng quê nghèo như thế.

Quê nghèo "khát" nhạc - 6

Những ánh mắt của các cụ già, em nhỏ và cả những người lớn không dung hõi theo các nghệ sĩ trên sân khấu

Ngày nay, khi tivi màu đã có mặt ở khắp các gia đình, internet có thể về đến tận thôn, làng nhưng những đêm biểu diễn tại các nhà văn hóa, khu dân cư vẫn có sức hút lạ lùng. Dù đã quá quen thuộc với những nghệ sĩ trên màn ảnh nhưng dường như, việc được gặp họ ở ngoài đời có lẽ là điều đặc biệt hơn rất nhiều.

Âm nhạc luôn được ngợi ca là môn nghệ thuật không biên giới, không màu da, không tuổi tác… Thế nhưng khi chứng kiến tận mắt mới thấy, thưởng thức nghệ thuật (đặc biệt là phát vé miễn phí) vẫn còn thiếu vắng rất nhiều tại những vùng quê.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khôi Nguyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN