Trung Quốc "ném" nghìn tỷ euro để vô địch World Cup
Bóng đá Trung Quốc đang lên một "siêu kế hoạch" dài hơi và vô cùng tốn kém: 25 năm với số tiền đầu tư lên tới cả nghìn tỷ euro để đạt được mục tiêu… vô địch World Cup.
Cả nghìn tỷ euro trong 25 năm cho chuyển nhượng, lương lậu
Bóng đá Trung Quốc đã gây nhiều sự chú ý và có thể coi là choáng váng với những sự đầu tư mạnh tay cho giải vô địch bóng đá quốc gia của mình. Các CLB hàng đầu của quốc gia này đang tiếp cận ngày càng nhiều với nền bóng đá số 1 thế giới ở châu Âu để đặt nền móng bước đầu cho những kế hoạch đầu tư lâu dài cho bóng đá nước nhà.
Bóng đá Trung Quốc không hề lũng đoạn thị trường chuyển nhượng cho vui
Những hợp đồng "bom tấn", những mức lương “trên trời” chưa từng có được họ chi tiêu với những cầu thủ, có thể chưa xứng tầm với những con số đó, nhưng đủ để bắt đầu cho siêu kế hoạch của biến bóng đá nước này trở thành một cường quốc đúng nghĩa về mặt chuyên môn.
Và siêu kế hoạch của họ đã được định hình rất rõ ràng, được khởi xướng không phải bởi lãnh đạo của thể thao hay bóng đá ở Trung Quốc, mà bởi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. 25 năm là thời hạn và hàng nghìn tỷ euro là số tiền đầu tư cần bỏ ra.
Theo nhận định từ người Trung Quốc, Uruguay đã từng vô địch thế giới với chỉ hơn 3 triệu dân, vậy thì Trung Quốc, với hơn 1,3 tỷ dân hiện tại, cũng có thể làm được điều tương tự!
Trung Quốc luôn tham vọng trở thành siêu cường thế giới trên mọi lĩnh vực, thể thao không phải là ngoại lệ. Trong năm 2016, đất nước này từng có cả một kế hoạch dài hạn trăm tỷ đô đầu tư để phổ cập môn tennis và sản sinh thêm nhiều nhân tài ở đẳng cấp thế giới cho môn thể thao này. Và giờ đến lượt bóng đá.
Theo số liệu thống kê từ FIFA, giải đấu cao nhất của bóng đá Trung Quốc, Super League đã tăng mức đầu tư lên gấp 9 lần kể từ năm 2012 đến nay, đạt đến con số 1 tỷ euro cho các thương vụ chuyển nhượng cầu thủ ngoại quốc.
Mùa này, các con số kỷ lục tiếp tục được phá vỡ, với 376 triệu euro được chi ra cho hơn 170 thương vụ chuyển nhượng lớn nhỏ. Tuy nhiên đó mới chỉ là thống kê về giá trị chuyển nhượng, một con số khác rất đáng chú ý vẫn chưa được nói đến chính là số tiền lương mà các cầu thủ ngôi sao từ châu Âu nhận được.
Oscar và Tevez đại diện cho một chương mới mà mức phí chuyển nhượng của các cầu thủ không nhiều hơn là bao so với lương của họ. Với Oscar, giá của anh là 50 triệu euro và mức lương lên tới 20,8 triệu euro/năm. Mức lương của Tevez (40 triệu euro/năm) còn vượt xa mức giá của anh (chỉ 8,5 triệu euro) là bởi cầu thủ này đã già và sắp hết hợp đồng với Boca Juniors).
Vậy là sau 2 năm hợp đồng, Oscar đã tiêu tốn của Shanghai SIPG số tiền gần tương đương giá trị chuyển nhượng, và sau 3 năm đã vượt xa. Đó là lý do mà để đi đến hết kế hoạch 25 năm của mình, người Trung Quốc cần đến con số đầu tư vô cùng, vô cùng lớn, cả nghìn tỷ euro.
Sở hữu các CLB hàng đầu châu Âu, bước đi vững chắc
Chưa dừng lại ở đó, bóng đá Trung Quốc có những bước đi tham vọng nhắm vào bóng đá châu Âu nhằm học hỏi, liên kết, đầu tư. Mục đích để các thương vụ mua bán chuyển nhượng cầu thủ hàng đầu diễn ra thuận lợi hơn sau này, bằng cách mua quyền sở hữu rất nhiều CLB có tên tuổi ở châu Âu, như Inter, Milan và Atletico, và một số CLB khác ở Hà Lan, Đan Mạch, Pháp, Anh và TBN.
Inter Milan là bước đi "đả thông" nhiều bước tiếp theo của bóng đá Trung Quốc
Nhờ có những gã khổng lồ như Alibaba và Real Estate, người Trung Quốc dễ dàng vung tiền khắp châu Âu và ở một trong những giải đấu hàng đầu thế giới là La Liga của TBN, người Trung Quốc đã nhúng “vòi bạch tuộc” vào 3 CLB có chỗ đứng khá ổn định ở giải đấu là Atletico, Espanyol, Granada.
Ở nước Anh, ngoài Aston Villa, từng chơi nhiều năm ở Premier League, và đang được đầu tư để trở lại. Chelsea là một mối liên kết hữu hảo khác với người Trung Quốc. Dù không nắm quyền gì ở CLB này, nhưng họ có mối quan hệ khá tốt với đội bóng hàng đầu nước Anh và chủ tịch Abramovich thông qua nhiều thương vụ chuyền nhượng đã diễn ra giữa 2 bên (Demba Ba, Oscar, Mikel).
Với Inter và Milan, họ cũng đã phác thảo đầy đủ kế hoạch để đưa 2 đội bóng đang trong giai đoạn thoái trào này trở lại với đỉnh cao. Và đó sẽ là một đầu vào cho các thương vụ "bom tấn" thực sự, những cầu thủ hàng đầu thực sự của bóng đá thế giới, và cũng là đầu ra cho những ngôi sao Trung Quốc cần sự cọ xát đỉnh cao sau này.
Và mức đầu tư cho các mối liên kết kể trên cũng sẽ lên tới 2 tỷ euro theo như “Siêu kế hoạch” của bóng đá đất nước đông dân nhất và tham vọng nhất nhì thế giới cho mục tiêu siêu cường của mình.