Loa điện, tiếng chửi và thuật ngữ
Không hiểu từ đâu và bằng cách nào mà bóng đá Việt Nam có một “quy chuẩn riêng” ở sân bóng.
Từ việc ông chủ của một đội bóng kèn cựa, cò kè với ban tổ chức trong việc cho lực lượng cổ động viên mang loa điện vào sân để cổ vũ, hò hét đồng thanh xúc phạm trọng tài bằng những ngôn từ không thể chấp nhận được đến việc các ban kỷ luật sáng tác ra thuật ngữ “liều lĩnh” để chạy tội cho Hoàng Vũ Samson…
Vụ bê bối của CLB Long An đi vào lịch bóng đá nước nhà
Việc loa điện có được mang vào sân cũng giống với việc kèn Vuvuzela từng được tranh luận là có được mang vào sân sử dụng hay không. Tại World Cup 2010 ở Nam Phi, FIFA đã phải mời các nhà khoa học nghiên cứu tiếng kèn đấy liệu có lấn át tiếng còi trọng tài. Sau đó là bước thử nghiệm rồi FIFA mới cho phép… Ta thì tất cả đều là cảm tính, thậm chí có cả không quản được thì cấm.
Mới đây các bộ phận của ban kỷ luật nghĩ ra thuật ngữ “liều lĩnh” để chạy tội cho cú đạp hủy diệt của Samson (Hà Nội). Sau khi sự bất bình về việc bao che và “chế luật” đấy gõ cửa đến tận bộ trưởng thì mới ra án phạt nhưng vẫn nhất quyết không ghi là phạt vì bạo lực. Thế thì thử hỏi treo Samson hai trận mà không phải là bạo lực thì là treo vì cái gì?
Rồi ở trận đấu thuộc vòng đấu sớm giữa Hải Phòng và Hà Nội trên sân Lạch Tray. Khi hàng ngàn cổ động viên chủ nhà đồng thanh xúc phạm trọng tài bằng những ngôn từ tục tĩu thì ban tổ chức vẫn cứ rà đi rà lại theo kiểu thăm dò án chứ chưa dám thẳng tay.
Theo luật thì cứ thế là treo sân, buộc đá trong sân không khán giả. Tùy theo mức độ mà ra án phạt nghiêm minh chứ có gì mà phải tìm cách này cách khác để tránh tội!
Bóng đá ta mỗi khi “tòa xử” sao phức tạp thật!