Con đẻ, con nuôi ở ngôi nhà bóng đá Sài Gòn
Trong khi “con nuôi” Sài Gòn FC đang hoàn tất thủ tục chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM thì “con đẻ” CLB hạng Nhất TP.HCM làm lễ xuất quân tại sân Thống Nhất.
Nhiều người chứng kiến hình ảnh hai đứa con của bóng đá Sài Gòn đã chia sẻ với những nhà làm bóng đá rằng định hướng chiến lược (người Sài Gòn phát triển bóng đá Sài Gòn) cứ giữ lấy lề, còn chuyện phải nhận “con nuôi” theo đúng thủ tục và lễ nghĩa thì cứ nhận nhưng đừng vồ vập.
Giai thoại về những cái tên Sài Gòn dán vào đội bóng
Cũng không ai ngờ cái tên Sài Gòn lấy đặt cho đội bóng lại “hot” đến thế. Nó được nhiều ông chủ thích và khoác vào từ khi thấy người hâm mộ không thể quên được Cảng Sài Gòn. Và họ muốn mượn một phần hồn từ cái tên đấy để làm thương hiệu. Thế nhưng lần lượt từ Sài Gòn Hải An United đến Sài Gòn Xuân Thành rồi NaviBank Sài Gòn (chưa kể còn một cái tên đã được đăng ký là Sài Gòn Gia Định)… đều tạm bợ ở đất Sài Gòn để làm ăn 1-2 mùa và không ổn rồi lại xóa đội bóng, để lại cho người hâm mộ sự hụt hẫng về hai chữ Sài Gòn dán vội vào đội bóng.
Có một điều lạ là ngoại trừ Cảng Sài Gòn là đội bóng đúng chất của người Sài Gòn, mang phong cách Sài Gòn, còn lại các đội dán tên Sài Gòn đều không trưởng thành từ Sài Gòn. Tất cả đều có ông chủ ở các địa phương, theo ông chủ đến làm ăn ở Sài Gòn gắn với công việc, với thị trường của ông chủ đội bóng. Rõ nhất là Sài Gòn Xuân Thành được chuyển địa bàn từ Xuân Thành, Hà Tĩnh sang và nhắm đến hàng loạt dự án đất vàng ở Sài Gòn rồi gãy và kéo theo xóa sổ đội bóng.
Hay NaviBank Sài Gòn là đội bóng mua lại của Quân khu 4 với tuyên bố vừa làm sáng đèn sân Thống Nhất vừa mang niềm vui cho người hâm mộ Sài Gòn. Thế nhưng cũng vài mùa thì đội bóng này giải tán, kéo theo những khoản nợ cầu thủ dài sọc. Hoặc Sài Gòn Hải An United rình rang cho đến lúc xóa sổ thì cũng là lúc ông chủ đội bóng có lệnh truy nã về tội lừa đảo bất động sản ở TP.HCM và đã cao chạy xa bay.
Người hâm mộ bóng đá Sài Gòn từng bị lừa qua cảnh treo đầu dê bán thịt chó của các đội dán mác Sài Gòn. Hy vọng lần này thì sẽ khác dù rất nhiều người nghi ngờ. Ảnh: XUÂN HUY
Sài Gòn Xuân Thành từng tuyên bố vì người hâm mộ Sài Gòn nhưng cuối cùng thì ông chủ bỏ giải, xóa sổ đội bóng chỉ vì… chán bóng đá. Ảnh: XUÂN HUY
Một Sài Gòn FC mới với hy vọng không đi vào vết xe đổ
Thế nên khi CLB Hà Nội đá được bốn vòng V-League rồi làm thủ tục chuyển địa bàn vào Sài Gòn mang tên Sài Gòn FC thì nhiều người lại nghi ngờ vào tính mục đích của ông chủ đội này. Thậm chí người hâm mộ cũng nghi ngờ vào những cái gật đầu của ngành thể thao TP.HCM, của LĐBĐ TP.HCM.
Sau những cú lừa gắn mác Sài Gòn trước đây và những tiêu chí về chiến lược của bóng đá địa phương quyết làm lại từ cái nôi bóng đá địa phương thì những cái gật đầu đấy được hiểu là miễn cưỡng.
Có lần tôi chất vấn một quan chức ngành thể thao TP.HCM qua câu hỏi: “Mới năm ngoái các anh mạnh mẽ với chiến lược phát triển theo phương châm người Sài Gòn phát triển bóng đá Sài Gòn nhưng nay các anh lại vỗ tay ủng hộ chuyện cho mượn cái tên và hộ khẩu Sài Gòn, có phải là tiền hậu bất nhất hay nói theo ngôn ngữ bóng đá là lật kèo?”. Vị này nghe hỏi xong đã xin thoái thác bằng câu nói mang tính chia sẻ: “Có những cái không đơn thuần chỉ là bóng đá nên phải chấp nhận áo mặc không qua khỏi đầu”…
Bây giờ thì thầy trò HLV Lư Đình Tuấn của đội hạng Nhất TP.HCM bắt đầu vào chiến dịch thăng hạng. Ở đấy có những cầu thủ mới toanh chưa ai biết đến nhưng đó là những sản phẩm có khi từ những cầu thủ chân đất của bóng đá Sài Gòn. Họ mang hơi hướm phần nào của đội Cảng Sài Gòn trước đây quy tụ những cầu thủ từ học sinh, sinh viên và cả công nhân Sài Gòn.
Chỉ có điều là thầy trò Lư Đình Tuấn ngày xuất quân cũng có chút băn khoăn chuyện người “anh nuôi” từ Hà Nội vào giờ khoác cái tên Sài Gòn và đã được công nhận là một phần của bóng đá Sài Gòn. Và họ cũng động viên nhau thôi thì “nước sông không phạm nước giếng” và cứ hãy cố gắng làm tốt phần việc của mình.
Còn với riêng Sài Gòn FC thì vẫn cứ mong đấy là cuộc đổi tên, chuyển địa bàn vì bóng đá Sài Gòn và người hâm mộ thực sự chứ không như các đội Sài Gòn trước, ăn không được thì “chạy làng”.