Yêu nhau mà vẫn cãi nhau

Đối thoại dù không lời, có lời, hay gõ trên máy tính, đều mở ra những cảm xúc thật.

Đàn bà trò chuyện – đàn ông hành động

Với tôi và nàng, như mọi đàn ông và đàn bà khác, cuộc đối thoại có thể là một hành trình rất dài, qua nhiều con đường khác nhau, chỉ để đến cùng một địa điểm.

Buổi trưa. Một chặng đường dài từ khu nghỉ mát về thành phố. Tôi ngồi bên tay lái, chăm chút. Nàng ngồi bên cạnh, đọc một cuốn sách, thi thoảng nhìn cảnh vật lướt qua. Bất ngờ nàng quay về phía tôi, lớn tiếng: “Anh, nói chuyện với em đi!”.

Không phải là nàng tự dưng nổi nóng. Nhưng tôi cũng đâu có bỏ lơ nàng. Chúng tôi chỉ đang trong một kiểu chia cắt khá cổ điển trong cuộc đối thoại giữa đàn ông và đàn bà. Nàng – chú tâm vào nói chuyện. Còn tôi – tất cả hướng vào hành động.

Sự khác biệt có thể có nguồn gốc từ cách phát triển các mối quan hệ suốt thời thơ ấu của chúng tôi.

Hồi nhỏ, đám con gái thì thầm những bí mật, to nhỏ những trải nghiệm cùng nhau, thủ thỉ các vấn đề vướng mắc và tâm sự để tìm ra những chọn lựa. Trong những mối liên kết tạo ra với nhau, nói chuyện chính là cách chủ yếu.

Đám con trai lại có lối tiếp cận bạn bè kiểu khác. Tình bạn của chúng không phải không sâu sắc, nhưng sâu sắc kiểu khác. Những nhóm bạn có xu hướng đông đảo hơn, tập trung vào các hoạt động hơn là ngồi tán chuyện.

Sự khác biệt trong thời non trẻ dẫn đến cách giao tiếp khác nhau khi trưởng thành.

Giao tiếp không lời

Gõ ngón tay. Liếc mắt. Gác chân. Tay rung rung. Đầu gật gù. Giao tiếp không lời bao gồm rất nhiều mức độ biểu lộ cơ thể. Với vợ tôi, chức năng này thường xuất hiện khi nàng có nhiều tâm sự. Gương mặt đầy biểu cảm và bàn tay sinh động. nàng thường thích chạm vào tôi.

Tôi lại khá bảo thủ về độ biểu cảm trên gương mặt hay tiếp cận bằng cơ thể. Tuy nhiên, tôi có xu hướng không dè dặt về kiểu ngồi: Tôi thậm chí ườn ra, thả lỏng hết cả người, xâm chiếm không gian kế cận. Mức độ căng thẳng ở nàng tiết lộ bởi kiểu nàng ngồi. Nàng sẽ thu vào, kéo sát tay và chân vào người.

Giao tiếp không lời có ảnh hưởng gì đến cuộc đối thoại của tôi và nàng? Thực ra nàng đang muốn giữ ấm mối quan hệ: Nàng muốn tạo ra sự chú ý và khuyến khích tôi tham gia. Mục đích của tôi, tuy nhiên, tùy thuộc vào nhiệm vụ tôi đặt ra cho mình. Muốn tôi xuất hiện với đày đủ trách nhiệm? Chả phải cơ thể tôi đang xuất hiện và kiểm soát không gian nói chuyện đó sao. Muốn duy trì sự bình thản và ngăn chặn sự leo thang của cảm xúc? Tôi sẽ giữ gương mặt bình yên và thụ động.

Định hướng cơ thể

Hãy tưởng tượng đến giờ vui vẻ sau công việc. Ở một phía của căn phòng, có một nhóm các nàng đang say mê trò chuyện. Tất cả những chiếc ghế của họ xoay hướng vào nhau, và họ thường xuyên nhìn vào mắt nhau. Ở phía bên kia của căn phòng, có một nhóm bốn người đàn ông. Họ ngồi thành một nhóm với nhau. Trong suốt cuộc trò chuyện của họ, mắt họ đảo quanh phòng, chỉ thi thoảng mắt họ liếc gặp nhau. Tối nay thật tuyệt vời, nhưng nhóm nàng hòa trộn với nhóm của tôi, sở thích này có lẽ tạo ra vấn đề.

Một yếu tố đặc biệt của giao tiếp không lời chính là định hướng cơ thể. Nếu tôi không nhìn vào mắt hoặc gương mặt của nàng trò chuyện, nàng sẽ cho là tôi thiếu hứng thú. Còn tôi, trở nên bực mình khi bị nàng phủ nhận những nỗ lực. Với tôi, cơ thể khi thả lỏng thực sự giúp tôi tập trung hơn.

Tranh cãi

Nàng thường dùng những câu hỏi trong tranh cãi. Đó là cách nàng bày tỏ ý kiến chống đối của mình. Tôi lại thích lời lẽ đơn giản, trực tiếp.

“Tại sao chúng ta phải ăn ở đây?”.
“Chỗ này thuận tiện”.
“Gần đây có nhà hàng nào yên tĩnh hơn không?”.
“Có, nhưng xa lắm”.
“Không biết đồ ăn nơi đây có an toàn không?”.
“Chúng ta vào nào!”.

Nàng thường cố gắng đạt được điều mình muốn bằng cách đưa ra nhiều kiểu câu hỏi: ngờ vực, tìm kiếm thông tin và xảo biện.

Những câu hỏi của nàng được thiết kế để đưa ra sự chống đối hay thu thập dữ liệu.

Khi bị cuốn vào tranh cãi, tôi thường đơn giản và trực tiếp. Tôi sẽ nói thẳng thừng, tương phản với những câu hỏi quanh co của nàng, đến mức mà tôi có lễ không nhận thấy mâu thuẫn đang bùng nổ.

Chúng tôi bất đồng, từ ảnh hưởng của cách đối thoại khác biệt. Tôi có lẽ quan tâm đến việc đúng – sai và ít quan tâm đến cảm xúc của người khác. Sự thiếu đồng cảm này khiến nàng khó chịu.

Tôi không thích các câu hỏi, xem chúng như sự chỉ trích, và phản ứng lại bằng cách trấn áp chúng. Điều này dẫn đến nàng gia tăng sự nghi ngờ và cảnh giác. Và thế là giữa chúng tôi xuất hiện những rạn nứt.

Xin lỗi

“Em xin lỗi, em đã làm quá lớn chuyện về việc đi nhà hàng”.
“Ừ hử”.
“Chuyện thực sự chẳng ra sao cả”.
“Ừ hử”.
“Mình vất vả cả ngày rồi, mình cần có một bữa ăn ngon”.
“Ừ hử”.
“Anh có muốn tối nay ăn một mình không hả?”.
“Hả?”.

Yêu nhau mà vẫn cãi nhau - 1

Dường như tôi và nàng dù đã yêu rồi cưới, vẫn đang đánh giá lẫn nhau, học hỏi về nhau (Ảnh minh họa)

Sau tranh cãi lại đến xin lỗi. Có lẽ thế. Bạn có thể đoán rằng tôi và nàng xin lỗi “khác hệ” nhau, và bạn đã đúng. Phụ nữ dùng xin lỗi để cố gắng tạo ra, hay duy trì mối liên hệ. Đàn ông chúng tôi trái lại, quan tâm với việc xin lỗi để làm gì chứ: Nó có lẽ sẽ hạ bệ chúng tôi xuống một vị trí thấp hơn, một nơi mà ngay từ nhỏ, chúng tôi chả bao giờ muốn.

Sau một cuộc tranh cãi đàn ông – đàn bà, sự khác biệt giới tính có thể mở rộng những cảm xúc tiêu cực. Nếu tôi sợ mất quyền lực và tránh xin lỗi, nàng có thể đánh giá đây là hành vi thiếu nhạy cảm, cảm thấy bị xúc phạm và điên tiết lên. Thế là cuộc tranh cãi lại tiếp tục.

Lời tán tụng

Nếu lời xin lỗi chẳng ăn thua gì, thì lời khen tặng có lẽ sẽ hiệu quả hơn chăng. Có điều cũng cần mưu mẹo. Một lần nữa sự khác biệt giới tính giữa tôi và nàng lại khiến chuyện khó khăn. Từ thuở nhỏ, nàng đã học được cách khen tặng, hết sức là uyển chuyển. Lời khen là cách để đến với người khác, đưa ra khẳng định và kết luận.

Còn tôi hả, tôi lại thà tự mình đánh giá lấy mình, còn hơn đưa ra lời khen. Tôi cũng sẽ không tìm kiếm lời khen, bởi vì tôi muốn tránh chuyện tự rủa bản thân mình.

Giải quyết vấn đề

Nếu chiếc xe nhà bị hư hỏng, cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giữa tôi và nàng có thể khác nhau. Nàng muốn xem xét tình huống, quy trách nhiệm cho ai đó. Còn tôi, có lẽ đã đi tìm người sửa xe rồi. Chiếc xe lại hỏng một lần nữa. Đã đến lúc mua xe mới. Tôi gợi ý mua xe đã dùng rồi vì xe mau xuống giá lắm. Nàng bảo nàng muốn hỏi bạn bè xem họ thích xe như thế nào. Tôi muốn xem những bài bình luận xe trên mạng. Nàng lo lắng về số tiền phải bỏ ra. Tôi đề nghị đi ngay tới một vài đại lý xe. Nàng liên hệ tới một câu chuyện về lần đầu tiên nàng mua xe và nỗi phấn khích khi ấy như thế nào. Tôi tuyên bố muốn xe 2 cầu.

Tôi và nàng sở hữu hai cách phân tích vấn đề khác nhau. Tôi có xu hướng tập trung vào sự kiện thực tế và tìm kiếm ngay những giải pháp. Chúng ta sẽ hành động gì tiếp theo chính là mục tiêu đối thoại của tôi. Còn nàng, nàng khát khao cuộc nói chuyện kéo dài hơn về vấn đề, chia sẻ cảm xúc và tìm những trải nghiệm chung.

Thế là sẽ bước vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Mục đích đối thoại khác nhau như thế sẽ dẫn tới chuyện chúng tôi giận nhau. Tôi không hiểu tại sao nàng không muốn giải quyết vấn đề, tại sao nàng lại lưỡng lự với sự trợ giúp trực tiếp? Còn nàng thì tổn thương bởi sự coi thường cảm xúc và tức giận khi nàng tin mình đã bị ép đồng ý quá nhanh.

Cách riêng của mỗi người

“Anh muốn đi biển”.
“Thế à? Sao mình không đi núi? Anh không nghĩ mùa này, núi đẹp nhất trong năm sao?”.
“À, nhưng anh muốn đi câu và bơi”.
“Anh cũng thích đạp xe mà, đúng không? Sao ta không đi núi đạp xe?”.
“À, sao cũng được…”.

Nghe có vẻ như năm nay tôi và nàng sẽ đi nghỉ mát riêng rồi.

Tôi và nàng đều có những cách khác nhau để cố gắng có được thứ mình muốn, thứ đó có thể rất khó khăn khi có được sự đồng ý của người kia. Nàng như mọi lần, sắp đưa ra những câu hỏi, để bắt tôi phải đồng ý theo mình. Tôi biết thừa đây là mánh khóe của nàng. Tôi sẽ đưa ra tuyên bố hơn là gợi ý. Mục tiêu của tôi cần đạt được nhanh chóng và trực tiếp.

Nếu không hiệu quả, tôi sẽ trốn khỏi cuộc đối thoại, có lẽ sẽ giận dữ hay đơn thuần là bớt thiết tha với chủ đề được đưa ra.

Khi đối thoại không diễn ra êm ả, tôi phật ý, tin là nàng đang “giở quẻ” với mình. Nếu tôi không tham gia vào cuộc thỏa thuận giằng tới đẩy lui, nàng cảm thấy bị coi thường. Điều này dễ chuyển thành cuộc khẩu chiến, điều mà chẳng ai muốn.

Ngắt lời nhau

“Băng cứu thương đâu, anh bị cắt vào…”.
“Hả?”.
“Anh đang sửa cái…”.
“Ồ, chảy máu nhiều quá”.
“Anh biết đó là lý do tại sao…”.
“Băng dán dây, anh có muốn…”.
“Anh sẽ tự làm”.
“Để em giúp…” .
“Chúng ta ăn tối bằng thứ gì đây?”.

Hầu hết chẳng ai thích bị ngắt lời, nhưng ai cũng có lần ngắt lời người khác. Nàng ngắt lời tôi để thể hiện sự quan tâm, và nàng nghĩ tôi ngắt lời nàng, và thay đổi chủ đề là vì tôi không thích bị quan tâm. Nhưng đó chỉ là cách tôi cố gắng kiểm soát câu chuyện.

Sự ngắt ngang thường xuyên, bất kể nguyên nhân, bất kể mục đích, có thể đưa tới bực bội. Đối thoại dù không lời, có lời, hay gõ trên máy tính, đều mở ra những cảm xúc thật giữa tôi và nàng, đôi khi là giận dỗi.

Liệu rồi chúng tôi có thể vượt qua những bất đồng nằm ở phong cách giới tính để có thể có được những cuộc đối thoại tâm đầu ý hợp, hiệu quả và mãn nguyện hay không đây?

Dường như tôi và nàng dù đã yêu rồi cưới, vẫn đang đánh giá lẫn nhau, học hỏi về nhau.

Nhưng chả phải tôi và nàng đêm nay vẫn khao khát được nằm bên nhau và vuốt ve nhau đó sao? Tôi sẽ kể chuyện gì đó thật buồn cười ở công ty và nàng sẽ cười rúc rích. Vậy thì việc gì phải xoắn?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Dương (Người đẹp)
Tình yêu giới trẻ hiện nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN