Yêu lại người cũ vì sex?
Tình cũ đi mô tô phân phối lớn nổ tai nhức óc đến đám tang cha cô, sau lưng còn một cô nhân tình ngực to, mông nở.
Hậu quả thông thường của sự tổn thương (nghiêm trọng) trong tình yêu thường là đường ai nấy đi. Rồi cùng với sự bào mòn của thời gian, nỗi hận dường như cũng phai nhạt. Ta lãng quên dần những ký ức đã từng làm ta đau đớn. Rồi phải tiếp tục sống, tiếp tục yêu… có thể dè dặt hơn nhiều, nhưng dù gì vẫn phải có ai đó ở cạnh chứ!
Chuyện có thể sẽ nhạt lắm nếu như “trên đường đời tấp nập” ta không vô tình gặp lại kẻ đã từng cầm dao cứa vào trái tim mình.
Tiếp tục giương cung bạt kiếm?
Về lý thuyết mà nói, ta phải học cách tha thứ, để chính mình sống tốt hơn. Để bóng ma quá khứ không ám ảnh mình. Đó hiển nhiên là lựa chọn tốt nhất. Ai cũng thế! Nhưng không phải ai cũng làm được. Những vết thương lòng bao giờ chẳng dai dẳng. Đặc biệt là loại đau đớn khắc cốt ghi tâm.
Hãy xem những người đàn bà trong tiểu thuyết Rachel Gbson thì rõ.
Autumn trong Người đàn ông của tôi (dịch giả: Nguyễn Mai Trang, NXB Văn học) đã vớ phải một “gã khốn điển trai” và “anh không hề yêu cô. Anh đã cưới cô như thể đó là một trò đùa. Anh đã rời bỏ cô như thể cô không đáng một xu”.
Chưa hết, hậu quả mà anh ta để lại cho Autumn sau đám cưới chớp nhoáng vì bốc đồng là một cái thai. “Cô chỉ có một mình và vô cùng sợ hãi khi thử thai lần đầu tiên. Cô chỉ có một mình và sợ hãi khi khám phá phá ra rằng mình có một đứa con trai. Và cô cũng đã một mình và sợ hãi khi cô sinh Conner mà chẳng có ai trong phòng, trừ một bác sĩ và y tá”.
Một tuần sau khi sinh Conner, Autumn phải tự gọi điện cho luật sư của Sam để thông báo rằng anh ta có một đứa con trai. Vài ngày sau đó, con cô phải làm xét nghiệm bố mẹ ruột. Vài ngày sau đó nữa, người đàn ông mà cô từng yêu sâu sắc mới đến nhìn mặt con mình.
Trong trường hợp này, nếu như Autumn không xếp Sam vào sanh sách kẻ thù đầu bảng, hẳn tâm lý cô có vấn đề. Sam biết điều đó, anh ta ý thức sâu sắc rằng: “Chưa bao giờ có ai ghét anh như Autumn, kể cả những cầu thủ khúc côn cầu bị anh đập vào ván tường cũng không”.
Một trường hợp khác, Delaney trong Chỉ thuộc về anh (dịch giả: Crimson Mai, NXB Hội nhà văn) vớ được mối tình đầu là “một gã đàn ông ương ngạnh, thiếu khoan dung cũng hệt như nó đã từng là một thằng nhóc khó ưa và chuyên thách thức” (như đánh giá của cha anh ta). Một người đàn ông trở nên nổi tiếng “nhờ việc dụ dỗ gái trinh tự cởi hết quần áo”. Mười năm sau khi tan vỡ, cô gặp lại anh ta đi mô tô phân phối lớn nổ đinh tai nhức óc đến đám tang cha mình, sau lưng còn một cô nhân tình ngực to, mông nở.
Cô và tình cũ bỗng dửng dưng như với người lạ (Ảnh minh họa)
Mối tình đầu trong sáng và không cưỡng lại được ấy đã không phủ nhận sở sĩ anh ta quan hệ với cô chỉ vì muốn trả thù người bố đã bỏ rơi mẹ con anh ta. Sự tổn thương đầu đời ấy hành hạ Delaney suốt mười năm trời, kể cả khi cô rời xa Nick. Không cách gì xóa bỏ.
Delaney, tóm lại cũng bị đẩy vào cái thế không thể “giã từ vũ khí”.
Hay là lờ anh ta đi?
Nếu trong trường hợp ta đã cố gắng tha thứ cho “kẻ thù” của mình mà không được. Vậy thì chẳng còn lựa chọn nào khác, là phải lờ anh ta đi. Lờ cái nỗi đau dai dẳng trong lòng mình đi. Ép nó xuống thật sâu. Sáng suốt nhất là ứng xử giống Scarlett O’Hara: Chuyện ấy để mai tính, khi nào mình đủ sức đã!
Bởi vì, thực tế, ngoài ký ức đau đớn và cái tôi bị tổn thương, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Tất nhiên, đây toàn nói về các trường hợp (đã) không thể chết vì tình.
Ký ức đau buồn đầu đời đã đem Delaney đi rất xa khỏi thị trấn quê hương. Cô lao vào làm việc, kiếm tiền và nghỉ học hoàn toàn. Cô sống với người bạn trai không hợp ý cho lắm và chìm đắm trong những lần tiệc tùng trắng đêm. Cô học được cách phân biệt điểm khác nhau giữa cocktail Tom Collins và rượu Vodka Collins, giữa rượu nhập khẩu và nội địa. Cô say sưa tận hưởng và khám phá một Delaney “theo ý mình” và hoàn toàn khác. Cô “mặc những chiếc quần jeans rách hoặc trang điểm thật đậm. Diện những trang phục mà mình thích. Sắm vẻ ngoài như sinh viên dự bị, như kẻ lang thang, hoặc như một con điếm”.
Rồi đến khi chán chê những thứ nổi loạn rồi, cô tìm học một công việc mà mình thích. Đi làm, kiếm tiền bằng việc ấy. Nick dần dần bị lãng quên!
Autumn cũng thế. Sáu năm xa Sam, chưa khi nào cô hết hận anh, bởi vì sự hiện diện của anh, qua hình bóng con trai, chưa khi nào thôi ám ảnh cô. Nhưng cảm giác căm hận không làm ra bánh mì và sữa. Cô buộc phải làm việc, kiếm tiền và kiến thiết cuộc sống riêng của hai mẹ con. Cho thật ổn!
Mỗi ngày cô làm việc từ sáng đến tối. Cô thậm chí không có thời gian hẹn hò hay yêu đương. Sáu năm cô ngủ chay. Những lần gặp mặt không thể tránh khỏi với Sam (vì đứa con chung) buộc Autumn phải giữ hòa khí bằng cách “dán một nụ cười lên mặt”. Lâu thành quen. Quen thì không còn ngứa mắt nữa. Không yêu, không hận, không cảm xúc. Dửng dưng như với một người lạ.
Những cách làm này, cùng với sự hỗ trợ của thời gian có vẻ hợp với đa số phụ nữ không rơi vào nhóm “quảng đại vị tha”. Thay vì cố tìm cách bào chữa và tha thứ cho tình cũ của mình, họ tìm cách quẳng anh ta ra khỏi bộ nhớ.
Tái hồi Kim Trọng
Bởi vì có hẳn một trường đoạn “xóa băng” rồi, sự trở lại của người đàn ông từng khiến ta tổn thương (sâu sắc) là hoàn toàn có thể. Nó giống như một cô công đoạn “ghi đè” lên cái băng cũ. Vẫn là vỏ băng ấy, nhưng nội dung đã khác đi nhiều.
Anh ta, khi không còn là kẻ thù nữa phải bắt đầu tán tỉnh lại cô nàng mà mình từng bỏ mất. Theo kinh nghiệm của Rachel Gibson thì nó thường bắt đầu từ sex. Sự rung cảm và nỗi ham muốn nhau là thứ không mất đi sau khi cả hai đã lạc nhau cả một thời gian đủ xóa tan rất nhiều ký ức. Đây là điều kiện gần như bắt buộc để bắt đầu lại.
Và lúc đó, nếu thực sự tình yêu vẫn nảy sinh, thì đấy đích thực là người đàn ông dành cho bạn.
Lại cũng có người bảo: Chả phải cuộc tái hợp nào cũng đáng chán như tái hồi Kim Trọng hay sao?
Hình như lỗi của Kiều là đã không xóa sạch chàng Kim để toàn tâm toàn ý tận hưởng Từ Hải. Đã thế, khi tái hợp lại còn kiên quyết tẩy chay sex. Một mối quan hệ sao có thể ấm áp nếu bản thân người trong cuộc thiếu đi sự nồng nhiệt?