Xúc động chị dâu chăm sóc em chồng tật nguyền
Nhiều người cảm phục một phụ nữ đã hết lòng nuôi dưỡng cô em chồng tật nguyền.
Mối quan hệ chị dâu em chồng luôn tiềm ẩn sự căng thẳng và là đề tài muôn thuở. Nhưng ở thôn Triệu Xá (xã Liêm Tuyền, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) người dân đã rất cảm phục một phụ nữ đã hết lòng chăm sóc, nuôi dưỡng cô em chồng tật nguyền.
Bà Hoa hàng ngày bón cơm cho cô em chồng tật nguyền, ngô nghê ăn. Ảnh: T.G
Xót thương người em chồng tật nguyền
Hình ảnh người đàn bà khắc khổ Lại Thị Hoa (SN 1962) chăm chút cho cô em chồng tật nguyền từng miếng ăn, giấc ngủ nhiều năm nay khiến bà con ở thôn Triệu Xá rất cảm phục. 30 năm qua, bao khổ cực trong gia đình chồng nghèo khó, với cô em chồng tật nguyền, ngô nghê bà Hoa đã nếm trải.
Gần đây bà Hoa còn phải chăm sóc cả người chồng bị tai nạn mất hết sức lao động. Với những người dân của thôn Triệu Xá này bà Hoa luôn là tấm gương vợ hiền, chị dâu đảm.
Ông Nguyễn Văn Chỉnh, ở thôn Triệu Xá chia sẻ, cả thôn biết về hoàn cảnh đáng thương của bà Đỗ Thị Vân (em chồng bà Hoa), bởi số phận trớ trêu đã lấy đi tất cả những gì là tốt đẹp của một con người. Bà Vân từ khi sinh ra hai chân, hai bàn tay cứng ngắc, còng khoèo, khiến bà không thể cử động được như mọi người.
Sau khi sinh được 8 tháng, bà Vân lại bị cảm nặng. Ngày ấy chả dễ gì đến được trạm y tế vì chiến tranh thiếu thốn đủ bề. Di chứng của trận cảm để lại cho bà Vân là mắc thêm căn bệnh động kinh. Tới nay, nếu không có thuốc cho bà Vân uống thường xuyên là căn bệnh động kinh lại tái phát. Đã quá nửa đời người, nhưng ngay cả việc sinh hoạt hàng ngày của bà Vân đều do người chị dâu chăm sóc.
Rồi bố mẹ bà vì quá nghèo khổ, cơ cực chạy vạy nuôi nấng các con mà lao lực, lần lượt mất sớm từ khi hai anh em bà Vân còn rất nhỏ. Họ hàng, chòm xóm cũng rất nghèo nên chẳng giúp đỡ được gì. Bà Vân sống lay lắt, vô thức trong căn nhà cấp bốn ẩm thấp. Có hôm gia đình đi làm cả, bà Vân lên cơn động kinh lại chạy ra đường làng hú hét điên dại… Những đêm trở trời, trong góc căn nhà nhỏ bà Vân bị những cơn đau bệnh tật hành hạ luôn gào thét.
May mắn là trong vô vàn bất hạnh, bà Vân vẫn còn người anh trai làm chỗ dựa, đó là ông Đỗ Văn Huyền (SN 1962). Từ bé, người anh trai đã gần như thay mặt cha mẹ nuôi nấng đứa em tàn tật tội nghiệp. Ông Huyền biết bệnh tật của em gái không bao giờ bình phục và lo rằng đến một ngày ông không còn trên cõi đời này nữa thì ai sẽ lo cho người em gái ngây dại tội nghiệp này.
Điểm tựa cho hai anh em yếu ớt, tàn tật
Ông Lại Quang Long, Bí thư Chi bộ thôn Triệu Xá cho biết, khi trưởng thành ông Huyền gặp và kết hôn với bà Lại Thị Hoa ở cùng xóm. Ngày chị Hoa quyết định kết hôn với ông Huyền, gia đình ai cũng không đồng ý bởi ông Huyền quá nghèo, lại thêm cô em gái tàn tật. Nhưng bà Hoa vẫn quyết tâm lấy ông Huyền, tình nguyện cùng chồng chia sẻ gánh nặng chăm sóc cô em chồng tật nguyền.
Ở vùng quê nghèo khó này, hai vợ chồng không được học nghề gì, nên chỉ biết bán sức lao động nuôi gia đình và nuôi em. Rồi ông bà cũng sinh con đẻ cái, miệng ăn tăng lên, thu nhập chỉ trông vào hai vợ chồng ông Huyền đi làm thuê với hoa màu thu hoạch của 1,5 sào ruộng. Hoàn cảnh gia đình vì thế không khá lên được.
Bao nhiêu ngày bà Hoa về làm dâu, thì bấy nhiêu ngày bà là điểm tựa cho cô em chồng. Và giờ đây bà còn là điểm tựa cả sức khỏe, tinh thần cho người chồng yếu ớt, tàn phế đôi chân. Từ ngày bà về làm vợ ông Huyền, cô em gái tật nguyền nhờ bàn tay chăm sóc của chị dâu nên cũng được ăn uống tử tế hơn.
Ông Huyền yêu thương và cảm phục cái tình của vợ vô cùng, bao nhiêu năm làm vợ là bấy nhiều năm bà nếm trải nghèo khổ, khốn khó mà không hề kêu ca, oán thán với ai một lời. Bà Hoa bảo với ông rằng, hai vợ chồng đã thấm thía cái đói nghèo, đi lên từ gia cảnh khốn khó, nên phải tằn tiện chắt chiu xây cái nhà cấp 4, nuôi con cái ăn học.