Sinh viên và muôn chuyện khi sống nhờ nhà người thân

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Nhiều bạn trẻ tâm sự, sống nhờ nhà người thân khiến họ mất tự do và mất đi nhiều cơ hội trải nghiệm cuộc sống sinh viên.

Nhiều bạn trẻ ở nhờ nhà người thân bị quản lý chặt chẽ đến... "nghẹt thở" (ảnh minh họa)

Nhiều bạn trẻ ở nhờ nhà người thân bị quản lý chặt chẽ đến... "nghẹt thở" (ảnh minh họa)

Ở nhờ nhà người thân mang lại rất nhiều lời ích cho những sinh viên lần đầu sống xa nhà. Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng mặn mà với phương án này bởi những bất tiện, những nỗi khó xử mà cuộc sống “ở nhờ” đem đến.

Cuộc sống ở nhờ ngột ngạt… không thở nổi

Năm học đầu tiên ở nhờ nhà chú thím của Nguyễn Tú (sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) không có cuộc sống sinh viên đúng nghĩa. Cậu cảm thấy ngột ngạt khi bị người thân quản lý gắt gao giờ đi, giờ về, chỉ cần làm sai chuyện nhỏ cũng bị gọi điện báo cáo về cho bố mẹ.

Để tránh phiền phức, Tú luôn cố gắng làm hài lòng chú thím. Cậu không dám la cà sau giờ học, ít khi xin ra ngoài tụ tập bạn bè, không dám xin đi làm thêm. Dẫu vậy, sống chung lâu ngày “không đụng bát thì cũng đụng đũa”, cậu vẫn không tránh khỏi bị chú thím quở trách.

“Bố mẹ mình ở quê cũng chẳng được yên, thi thoảng lại bị chú thím gọi điện về mách con trai làm sai chuyện này, chuyện nọ. Mình nói một câu thì về tai bố mẹ sẽ thành 3, 4 câu với ý nghĩa khác nhau. Bình thường thì cũng có lúc vui vẻ nhưng nếu chẳng may bất hoà, mình phải nín nhịn dù sai hay đúng. Sau này, thấy bất tiện quá, bố mẹ chủ động xin cho mình ra ngoài thuê trọ”, Tú kể.

Phạm Oanh (sinh viên năm cuối một trường đại học ở Hà Nội) hiểu hơn ai hết những nỗi éo le khi ở chung với người thân dù cô nàng chỉ ở nhờ vỏn vẹn 2 tháng.

Đối với Phạm Oanh, 2 tháng đó là quãng thời gian tệ nhất trong mấy năm sống xa nhà. Ở nhờ nhà cậu mợ, cô phải tuân thủ hàng loạt quy tắc sinh hoạt như: Không về muộn quá 10 giờ tối, không tắm giặt sau 9 giờ tối vì xả nước ồn, không để đèn học quá 11 giờ đêm vì em họ không ngủ được, không dùng nước xả vải…

“Còn nhiều chuyện lắm, mình giặt giũ nhiều thì bị kêu tốn nước, đi vệ sinh cũng không dám đi lâu vì bị nói là chiếm toilet, trời nóng bật quạt số to thì bị kêu là “dùng máy bay phản lực”… Đi đâu, làm gì cũng phải nhìn sắc mặt người thân, cuộc sống ngột ngạt không thở nổi. Cuối cùng, mình dọn quần áo ra ngoài thuê trọ gấp trước cả khi thông báo với bố mẹ”, Oanh tâm sự.

Lợi ích hàng đầu khi ở nhờ nhà người thân được cho là tiết kiệm chi phí, rất phù hợp với những bạn trẻ chưa có điều kiện thuê trọ. Thế nhưng, một số bạn cho rằng, ở nhờ cũng tốn kém chẳng kém ở riêng.

Minh Hiếu (sinh viên năm hai một trường đại học ở Hà Nội) cho hay, so với các bạn ở ghép, cậu tiết kiệm được 1,5 triệu đồng thuê trọ mỗi tháng, hơn nữa, không phải đóng tiền điện nước. Tuy nhiên, tiền mua đồ ăn thức uống cho gia đình, đồ dùng lặt vặt, mua đồ chơi cho các em đôi khi vượt quá số tiền đó.

Khánh Vy (Vĩnh Phúc) cũng có cùng quan điểm: “Nhà mình gần nên cuối tuần nào cũng về quê. Mỗi lần đi, mẹ lại chuẩn bị cho mình một “núi” thức ăn, rau cỏ mang ra Hà Nội, chất đầy tủ lạnh nhà cô chú. Đồng ý là ở nhờ mình tiết kiệm được một khoản tiền thuê trọ nhưng tiền mua thức ăn bố mẹ mình bỏ ra cũng đâu có ít. Đổi lại, mình lại có cuộc sống chẳng mấy tự do”.

Hài lòng với cuộc sống “ở nhờ”

Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng “dị ứng” với cuộc sống ở nhờ nhà người thân. Không ít bạn trẻ cảm thấy may mắn khi được người thân bao bọc, không phải bơ vơ nơi đất khách quê người.

Cũng không ít sinh viên cảm thấy hài lòng với cuộc sống ở nhờ (ảnh minh họa)

Cũng không ít sinh viên cảm thấy hài lòng với cuộc sống ở nhờ (ảnh minh họa)

Bùi Định (Ninh Bình) rất hài lòng khi ở nhờ nhà chú dì. Trong khi các bạn cùng lứa chật vật tìm nhà trọ thì cô nàng đã có sẵn một nơi ăn chỗ ở tử tế, một căn phòng sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi. Cô nàng không phải lo tiền trọ, tiền ăn, không lo bị lừa hay mất trộm đồ, không cảm thấy tủi thân mỗi khi đau ốm…

“Mình ở nhà chú dì rất thoải mái, chẳng ai bắt mình phải làm việc này, việc nọ, luôn tạo điều kiện cho mình học hành, trải nghiệm. Dĩ nhiên, ở cùng người thân sẽ không được tự do như đi thuê trọ, cũng thiếu không gian riêng tư nhưng cái gì cũng có giá của nó mà. Hy sinh một chút tự do đổi lại cuộc sống ổn định, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho bố mẹ mình thấy hoàn toàn xứng đáng”, Định nói.

Mai Chi (Hưng Yên) chia sẻ, những bất tiện khi ở nhờ nhà người thân không là gì so với lợi ích cô nhận được. Bởi vậy, dù thiếu tự do, thiếu không gian riêng, cô nàng vẫn cố gắng thích nghi với cuộc sống ở đây.

“Trừ khi có tiền thuê phòng một mình, còn nếu ở ghép thì chúng ta vẫn thấy bất tiện thôi. Dễ gì tìm được một người bạn trọ hợp ý. Thế nên, nếu có thể ở nhờ nhà người thân để tiết kiệm một phần chi phí, lại an toàn thì nên cố gắng ở. Kinh nghiệm ở nhờ nhà người thân của mình là phải tự giác, sạch sẽ, sẵn sàng giúp đỡ việc nhà, tỏ ra ân cần với mỗi thành viên và quan trọng nhất là phải đóng góp tiền ăn”, Mai Chi nói.

Cũng như Bùi Định, nhiều bạn trẻ thừa nhận, nếu xem xét thật kỹ thì ở nhờ nhà người thân là một biện pháp không tồi. Tuy vậy, để không bị rơi vào những tình huống khó xử, sinh viên cũng cần trang bị tốt kỹ năng sống cùng người thân như: tìm hiểu kỹ nếp sống của gia đình mình sắp ở chung để sớm thích nghi, tự giác làm việc nhà, quan tâm đến các thành viên trong gia đình, sống ngăn nắp, sạch sẽ…

Tuỳ vào mong muốn cá nhân mà mỗi người sẽ thấy ở trọ, ở ký túc xá hay ở nhờ nhà người thân là phương án phù hợp nhất với mình. Điều quan trọng nhất các bạn trẻ nên làm là trang bị kỹ năng thích nghi với hoàn cảnh, cuộc sống để 4 năm đại học có những trải nghiệm quý giá nhất.

Nguồn: [Link nguồn]

”Dở khóc dở cười” cảnh tân sinh viên đi tìm thuê phòng trọ

Không chỉ đau đầu vì giá phòng trọ cao ngất ngưởng, sinh viên còn gặp phải nhiều mánh khoé lừa đảo khi đi tìm thuê nơi ăn chỗ ở.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN