Sĩ tử nói gì với Tran Hung John?
Ý kiến của Việt kiều Tran Hung John trong đề thi Văn khối D kỳ thi tuyển sinh đại học 2013 về lối sống của người Việt đang gây ra nhiều tranh luận trong giới trẻ.
Từ bài thi…
Nguyễn Hải Yến (Hà Nam), dự thi khối D vào Học viện Hành chính, cho rằng, câu hỏi có ý kiến của Tran Hung John rất thú vị, phản ánh đúng tình trạng thụ động của một bộ phận người trẻ và bản thân Yến. “Mình đang đi theo lối mòn mà bố mẹ đã vạch sẵn”, Yến nói.
Cùng dự thi vào Học viện Tài chính, Nguyễn Thị Hải (Vĩnh Phúc) đồng tình với ý kiến của Tran Hung John. Theo Hải, nguyên nhân của sự thụ động, nghe và tin theo của số đông người Việt xuất phát từ lối sống trong gia đình nặng tư tưởng “bố mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Người lớn dạy con trẻ cách nghe lời mà không quan tâm hướng dẫn cách bày tỏ ý kiến, phản biện. Sợ con vấp ngã, gia đình chăm sóc, bao bọc và quyết định thay cho con cái, nên tạo ra tâm lý ỷ lại, thụ động. “Trong cuộc sống, không ít người rụt rè, sợ sai, làm khác đi sợ mọi người bàn tán. Áp lực số đông khiến nhiều cá nhân đi theo con đường vạch sẵn”, Hải nói.
Hải dùng câu chuyện của Trần Phương Anh, giám đốc 8X của một công ty hương trầm dẫn chứng trong bài thi. Trước khi gặt hái thành công với việc sản xuất hương nhang thảo mộc, Phương Anh từng đi theo lộ trình vạch sẵn: Tốt nghiệp ĐH Ngoại thương Hà Nội, du học tại Mỹ, rồi vào làm trong một công ty nước ngoài về IT. Khi Phương Anh “rẽ ngang”, vác ba lô đi tìm bí quyết làm hương, gia đình, bạn bè đều bất ngờ và phản đối.
Trong bài làm của mình, Đàm Thị Thu Hương (Hưng Yên), thi Học viện Khoa học Quân sự, viết: “Với mình, kỳ thi đại học là một áp lực lớn. Mọi người trong gia đình, xã hội luôn quan niệm đại học là con đường duy nhất đi đến thành công và danh tiếng. Hết học phổ thông là phải thi đỗ đại học. Do đó, nhiều học sinh phần nhiều nghe theo gia đình thi vào một trường đại học nào đó”.
Hương cho rằng, ý kiến nhận định của Tran Hung John không hoàn toàn đúng. Trong xã hội, bên cạnh những người sống thụ động, có nhiều người sống chủ động. “Những người thiếu hiểu biết sẽ thụ động, theo tâm lý đám đông. Những người có hiểu biết sẽ biết cách điều chỉnh hành vi bản thân phù hợp với giá trị Chân - Thiện - Mỹ”, Hương nói.
Nguyễn Thị Thanh Thanh (Nam Định) thi Học viện Bưu chính viễn thông viết trong bài làm: “Việt Nam có nhiều người tài giỏi và sáng tạo. Nổi bật nhất là người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc”. Thanh cũng bổ sung ý kiến vào nhận xét của John, rằng có những người đi theo con đường được vạch sẵn, nhưng họ vẫn thành công, và điều đó không có gì xấu. “Gia đình, người thân, anh chị tư vấn, định hướng giúp con đường học tập, công việc thì cũng chẳng sao, nếu điều đó là đúng đắn”. Thanh nói.
Thái Thành Lợi (phải)
Thái Thành Lợi (Long Khánh, Đồng Nai), dự thi Đại học Tài chính Marketting (Ngành Tài chính ngân hàng) cũng cho rằng, nhận xét của Tran Hung John không hoàn toàn đúng. “Người Việt đã có những thành tựu của mình. Họ tiếp thu kinh nghiệm của những người đi trước chứ không phải là bắt chước. Có thể kể đến những điển hình như giáo sư Ngô Bảo Châu hay Christine Hà, cô gái khiếm thị đoạt danh hiệu MasterChef (Vua đầu bếp) ở Mỹ…”, Lợi nói.
… Đến cuộc sống
Nguyễn Thị Hải chia sẻ, bố mẹ cô nghiêm khắc trong định hướng cho con vì sợ con lệch lạc. “Từ lúc đi học và đến lúc làm hồ sơ, bố mẹ định hướng ngành kế toán, Học viện Tài chính”, Hải bộc bạch. Hải cho rằng, để thay đổi được sự thụ động của người trẻ, phải thay đổi cách giáo dục từ gia đình, xã hội. Bố mẹ cần có suy nghĩ thoáng, tiến bộ hơn, chấp nhận những “lệch chuẩn”, dạy con cách tự lập từ nhỏ.
Dẫn chứng bài làm và liên hệ với cuộc sống, Nguyễn Văn Nam thi vào khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội đồng tình với quan điểm của Tran Hung John. Nam lý giải: “Như trong học tập hiện nay, cách học văn và làm bài thi ĐH, mình và nhiều học sinh khác vẫn làm bài theo hướng dẫn của giáo viên, không dám mạo hiểm”.
Từ nhận xét của Tran Hung John đề thi Văn đã ít nhiều “đánh thức” tinh thần chủ động của nhiều thí sinh. Đặng Thúy Quỳnh (Hưng Yên) thi trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho hay, sự khác biệt giữa người thụ động, theo sau và người tiên phong là dám nghĩ dám làm. Những người tiên phong chấp nhận những khó khăn, thử thách. Thách thức càng lớn, thành công sẽ càng vinh quang.
Nguyễn Hải Yến đang hy vọng sẽ trở thành sinh viên đại học. Nữ sinh bé nhỏ đến từ Hà Nam này cho biết, sau khi thi viết về câu nói của John, sẽ không thụ động trong cuộc sống và học tập trong tương lai.
Người Việt thụ động, không dám tiên phong, theo con đường đã vạch sẵn? Vấn đề đặt ra ở một kỳ thi, nhưng cũng là dịp chúng ta - những người ngoài phòng thi - nên nhìn nhận, trao đổi về ý kiến của Việt kiều Tran Hung John một cách nghiêm túc ở nhiều khía cạnh. Hãy cùng Diễn đàn ĐI THEO HAY DẪN ĐƯỜNG làm sáng tỏ vấn đề. |