Quyết định bất ngờ của cụ bà 30 năm sống cô độc trong gầm cầu thang TPHCM

30 năm sống cô độc trong “hộp ngủ” dưới gầm cầu thang cư xá cũ, ở tuổi U80 bà Sang đưa ra quyết định khiến ai cũng bất ngờ.

30 năm cô độc trong “hộp ngủ”

Giữa trưa, người phụ nữ hơn 40 tuổi bưng dĩa cá kho đến trước chiếc tủ đựng thuốc lá cùng vài chai nước ngọt có gas dựng ở một góc vỉa hè. Chị cất tiếng gọi: “Bà Năm ơi, con gửi bà mấy con cá ăn cơm trưa nè”.

Dứt tiếng, chị ngó nghiêng, đợi chờ người mình gọi xuất hiện nhận quà. Từ phía sau tủ đựng thuốc lá, nước ngọt, bà Nguyễn Thị Sang (hiện 80 tuổi) lom khom, chui đầu ra khỏi ô cửa hình vuông rộng chưa đầy 1m2.

Bà Sang sống cô độc trong "hộp ngủ" bé xíu, ẩm thấp của mình suốt 30 năm qua. Ảnh: Hà Nguyễn

Bà Sang sống cô độc trong "hộp ngủ" bé xíu, ẩm thấp của mình suốt 30 năm qua. Ảnh: Hà Nguyễn

Ô cửa chính là cửa ra vào của căn nhà thực chất là “hộp ngủ” nằm phía dưới chiếu nghỉ cầu thang cư xá Vĩnh Hội (quận 4, TPHCM). Bà Sang nhận dĩa cá của người phụ nữ, nói lời cám ơn rồi đặt luôn trên tủ bán nước ngọt.

Bà cúi gập người quay trở vào bên trong “hộp ngủ” bé xíu để trông chừng nồi cơm đang sôi trên chiếc bếp dầu hỏa. Thấy khách đến thăm tò mò, bà cho biết mình đã sống ở đây 30 năm rồi kể về cuộc đời nhiều thăng trầm của mình bằng giọng chậm rãi.

Bà mồ côi mẹ từ nhỏ. Tuổi thơ của bà là chuỗi ngày sống chật vật cùng bố. Ngày ấy, mỗi ngày bố bà Sang nấu một nồi nước chè cho bà xách đi quanh xóm bán từng ly lấy tiền đong gạo nấu cơm.

Bà chịu đủ mọi sự bất tiện từ không gian sinh hoạt nhỏ hẹp, chật chội. Ảnh: Hà Nguyễn

Bà chịu đủ mọi sự bất tiện từ không gian sinh hoạt nhỏ hẹp, chật chội. Ảnh: Hà Nguyễn

Cho đến lúc bố mất, bà vẫn chưa thoát khỏi cảnh khổ cực. Lớn lên, bà gặp gỡ, nên duyên vợ chồng với người đàn ông gốc Tây Ninh làm nhân viên bảo vệ ở công viên Tao Đàn.

Hai vợ chồng về căn nhà nhỏ ở gần cư xá Vĩnh Hội sinh sống. Được ít năm, căn nhà của vợ chồng bà bị giải tỏa. Ông bà cầm số tiền được bồi thường định về quê làm ăn nhưng lại thôi vì đã quen với cuộc sống thành thị.

Sau nhiều đắn đo, ông bà quyết định mua hầm cầu thang cư xá làm nơi tránh nắng, che mưa. Rồi chồng bà bệnh nặng, qua đời. Không có con, từ ngày chồng mất, bà lủi thủi một mình trong chiếc hộp ngủ rộng khoảng 4m2, cao chưa đầy 1.5m.

Sống dưới chân cầu thang, bà thường bị đánh thức bởi tiếng bước chân rầm rập trên đầu. Ảnh: Hà Nguyễn

Sống dưới chân cầu thang, bà thường bị đánh thức bởi tiếng bước chân rầm rập trên đầu. Ảnh: Hà Nguyễn

Chật hẹp, ẩm thấp, “căn nhà” đặc biệt chỉ đủ đặt chiếc giường bé xíu cùng bàn thờ cha và người chồng quá cố của bà. Phía cuối “căn nhà”, bà quây mảnh rèm làm phòng vệ sinh.

Bà chia sẻ: “Sống ở chỗ chật hẹp, thấp đụng đầu người, tôi gặp vô vàn khó khăn. Trần nhà là phần chiếu nghỉ của cầu thang nên rất thấp. Ở bên trong, tôi không thể đứng thẳng người, đi đứng phải khom lưng.

Những năm đầu vào ở, tôi bị đụng đầu, trầy chán suốt. Để tránh bị đụng đầu, tôi phải đi khom lưng. Khom nhiều quá, lưng tôi mỏi rồi đau đến tê buốt. Giờ già rồi, tôi không đi khom lưng trong nhà được nữa. Hàng ngày, tôi chỉ ngồi thôi, cần làm việc gì thì cứ thế lết đi".

Cầu thang xuống cấp khiến trần "nhà" rạn nứt, bà Sang đành lấy băng keo dán tạm lại. Ảnh: Hà Nguyễn

Cầu thang xuống cấp khiến trần "nhà" rạn nứt, bà Sang đành lấy băng keo dán tạm lại. Ảnh: Hà Nguyễn

"Sống ở đây khổ nhất là tiếng ồn. Vì dưới chân cầu thang nên lúc nào tôi cũng bị đánh thức bởi tiếng chân người đi rầm rập trên đầu. Vậy mà tôi đã sống một mình ở đây được 30 năm rồi.

Nhiều năm nay, trần nhà xuống cấp, nứt toác. Mỗi khi có người đi bên trên, vôi vữa, xi măng rơi đầy xuống mặt tôi. Không biết làm sao, tôi lấy băng kéo dán lại. Giờ tôi chỉ cầu mong nó đừng sập xuống", bà nói thêm.

Quyết định lạ lùng

Ở tuổi 80, bà Sang không còn đủ sức khỏe để làm thuê kiếm sống. Không con cái, bà mưu sinh bằng việc bán nước giải khát ở phía trước “hộp ngủ” của mình.

Mấy năm trước, hàng xóm ở cư xá mang 4 chiếc xe máy đến nhờ bà trông hộ. Từ đó, cụ bà có thêm nguồn thu nho nhỏ từ việc giữ xe.

Mỗi ngày, bà chỉ cầu mong trần nhà đừng sập xuống. Ảnh: Hà Nguyễn

Mỗi ngày, bà chỉ cầu mong trần nhà đừng sập xuống. Ảnh: Hà Nguyễn

“Mỗi ngày, tôi kiếm được vài chục nghìn đồng thôi. Nếu may mắn, được nhiều người mua nước, thuốc lá ủng hộ, tôi thu được 100-200.000 đồng. Thương tôi già cả, lại không con cái nên người xung quanh cũng quan tâm, giúp đỡ. Lâu lâu, họ đến cho tôi gạo, thức ăn”, bà tâm sự.

Dù khó khăn trăm bề, nhiều lúc phải sống nhờ sự đùm bọc của những người xung quanh nhưng bà Sang lại sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang người khó hơn mình. Không chỉ cưu mang 6 con chó hoang, bà còn nâng đỡ người đàn ông không nhà tên Lê Văn Hùng (SN 1978).

Khoảng 4 năm trước, bà Sang thấy anh Hùng đến trước “nhà” mình ngồi khóc. Bà đến hỏi và được biết anh chạy bàn tại các quán ăn gần cư xá. Tuy nhiên, khi quán vắng khách, anh bị chủ cho nghỉ nên không có thu nhập.

Già yếu, không thể đi khom lưng, bây giờ khi ở trong "nhà", bà Sang chỉ ngồi, cần làm việc gì thì lết đi. Ảnh: Hà Nguyễn

Già yếu, không thể đi khom lưng, bây giờ khi ở trong "nhà", bà Sang chỉ ngồi, cần làm việc gì thì lết đi. Ảnh: Hà Nguyễn

Thấy vậy, bà an ủi và hứa sẽ giúp đỡ anh. Nói xong, bà lẳng lặng đi mua đồ nghề vá xe rồi nói anh học cách vá xe mưu sinh. Bà Sang cũng đồng ý cho anh dựng lều ở tạm trước “nhà” của mình.

Quyết định cưu mang người đàn ông xa lạ của bà Sang khiến những người xung quanh khó hiểu, bất ngờ. Tuy nhiên, bà nói rằng do mình quá khổ nên đồng cảm với người cùng cảnh ngộ.

Bà kể: “Nó và tôi là người dưng nước lã chứ không có bà con, họ hàng gì. Nhưng thấy nó khổ quá, tôi không đành lòng.

Ngoài việc nếu ngồi một mình sẽ tự nói chuyện liên tục thì nó hiền lành và siêng năng lắm. Hằng ngày, nếu không có khách sửa xe, nó cũng giúp tôi đi mua, bán nước ngọt, giữ xe… Có nó ở đây, xem như tôi có đứa con, người thân để đỡ đần, vơi chút cô đơn lúc tuổi già”.

Được bà Sang cưu mang, giúp đỡ, anh Hùng xem bà như người thân trong gia đình. Ảnh: Hà Nguyễn

Được bà Sang cưu mang, giúp đỡ, anh Hùng xem bà như người thân trong gia đình. Ảnh: Hà Nguyễn

Anh Hùng cho biết, cuộc đời mình không may mắn nên gặp nhiều biến cố. Trong lúc thất nghiệp, tuyệt vọng, anh được bà Sang cưu mang nên rất biết ơn.

Hằng ngày, anh sửa xe và giúp bà Sang buôn bán lặt vặt. Đêm xuống, anh ngủ trên ghế bố đặt trước “nhà” của cụ bà.

“Tôi gắn bó với bà được 4-5 năm rồi. Ban đầu, tôi cũng chỉ nghĩ mình và cụ bà là người xa lạ, cố giúp nhau để sống thôi. Nhưng lâu dần, tôi xem bà như người nhà.

Ở đây ngoài việc giúp bà buôn bán, tôi còn mua thuốc, đưa đi khám bệnh, chích thuốc… mỗi khi bà ốm đau”, anh Hùng chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Liệu màn mai mối dễ thương của "cặp đôi đũa lệch" có cái kết đẹp như mong đợi?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Nguyễn ([Tên nguồn])
Phụ nữ và gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN