DANH MỤC
Phút thành thật: Chê mẹ sống hà tiện, tôi bật khóc khi nghe bố nói những điều này - 2

Bố mẹ tôi sinh được 3 người con: anh trai, chị gái và tôi. Chị gái tôi lấy chồng gần nhà nhưng hoàn cảnh nghèo khó, vài năm gần đây cố gắng làm ăn mới xây được căn nhà nhỏ. Anh trai tôi gần 40 tuổi vẫn chưa lấy vợ, cả ngày chỉ lông bông, “cờ dông bạc dài” thi thoảng lại báo nợ bố mẹ vài ba triệu. Anh tôi còn mắc chứng rối loạn ám ảnh, mỗi tháng bố mẹ phải chi thêm vài triệu đồng tiền thuốc.

Tôi được xem là thành danh nhất trong nhà vì thoát khỏi lũy tre làng, đi học đại học và có được một công việc nhàn hạ chốn văn phòng. Năm 29 tuổi, tôi kết hôn, trong vòng 4 năm sinh được 2 người con gái. Tôi từng nói với mẹ: “Cuộc đời con nhất định không giống mẹ, sống tằn tiện khổ sở cả một đời, miếng ngon không dám ăn, quần áo đẹp không dám mặc. Tiền nong chỉ để nuôi thằng con trai vô tích sự”. Mẹ tôi nghe vậy buồn lắm nhưng chỉ bảo: “Thôi, mỗi người một số phận, bố mẹ cũng mong con được sống thảnh thơi”.

Tôi không giàu có nhưng cũng không phải sống cuộc sống “giật gấu vá vai”, “chạy ăn từng bữa”. Từ ngày “thoát ly” chốn quê nghèo, mỗi khi về nhà tôi thường rất khó chịu với sự tiết kiệm, tằn tiện của bố mẹ. Mẹ tôi nấu món gì cũng mặn để ăn dè. Nấu ăn thì lo tốn ga, bật điều hoà, bình nóng lạnh thì sợ tốn điện. Lúc ốm đau thì nấn ná không dám đi viện khám, chỉ ra hiệu thuốc mua mấy liều thuốc làng nhàng. Bố mẹ già rồi nhưng vẫn ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, hết trồng lúa đến trồng khoai, kiếm đồng ra đồng vào.

Phút thành thật: Chê mẹ sống hà tiện, tôi bật khóc khi nghe bố nói những điều này - 3

Chị em tôi nhiều lần bảo với bố mẹ: “Bố mẹ già rồi, ăn được gì thì ăn đi, làm ít thôi kẻo chết cũng không đem tiền theo được. Sau này già cả sẽ có hai đứa con gái lo”. Bố mẹ tôi chỉ cười trừ chứ không nói gì.

Sống hà tiện là vậy mà năm 2017, bố mẹ vẫn tôi dỡ ngôi nhà cũ, xây lại ngôi nhà mới khang trang. Chị em tôi kịch liệt ngăn cản mà không được. Bố tôi bảo: “Cả đời bố mẹ mang tiếng ở nhờ nhà ông bà, không làm nên trò trống gì. Bây giờ, có dốc hết vốn liếng cũng phải xây lại căn nhà này để nở mặt nở mặt”. Tôi vừa khóc vừa bảo bố là người sĩ diện hão. Dốc hết vốn liếng xây nhà, mai này lấy tiền đâu mà thuốc thang lúc về già, rồi lo tiền thuốc cho cậu con trai vừa hư vừa khờ nữa. Tôi giận bố mẹ, suốt mấy năm liền ít về chơi, cũng hạn chế biếu tiền.

Tết này, tôi đưa hai đứa con về chơi với ông bà từ sáng mùng 2. Không hiểu sao, tôi luôn bực dọc với lối sống hà tiện của bố mẹ và cũng chẳng ngại ngần chê bai. Bữa nào tôi cũng chê mẹ xào rau mặn, nấu nhiều canh… Tôi chê bố không chịu sắm sửa, cái quạt, cái ấm nước hỏng lên hỏng xuống không chịu thay. Chị gái tôi cũng chẳng kém phần, chê mẹ đi chợ mua con cá to bằng 2 ngón tay đến mèo cũng chẳng buồn ngửi.

Phút thành thật: Chê mẹ sống hà tiện, tôi bật khóc khi nghe bố nói những điều này - 4

Bữa cơm hôm ấy, tôi thấy mẹ rang một bát thịt toàn mỡ, vừa nhìn đã ngấy. Tôi hỏi thì mẹ bảo: “Đấy là thịt má lợn, rẻ hơn thịt ba chỉ, thịt chân giò những mấy chục nghìn một cân”. Tôi đặt bát xuống, bắt đầu bài ca chê bố mẹ tiết kiệm với con cái mấy chục nghìn tiền thịt. Mẹ tôi lặng im không nói gì, còn bố chỉ nói: “Ở nông thôn, bữa cơm có thịt là tươm tất lắm rồi”. Tôi bỗng chột dạ, hình như mình hơi quá lời.

Tối muộn hôm đó, bố gọi tôi ra ngồi đầu hè nói chuyện. Lâu lắm rồi, bố mới dùng vẻ mặt nghiêm túc như vậy để trò chuyện với tôi. Bố kể, bố mẹ hiện tại có 500 triệu đồng gửi ngân hàng, một mảnh đất nhỏ nếu bán đi cũng được gần 600 triệu đồng và 4 miếng đất ruộng, trong đó có 2 miếng khá giá trị.

Phút thành thật: Chê mẹ sống hà tiện, tôi bật khóc khi nghe bố nói những điều này - 5

Tôi ngỡ ngàng ra mặt, thực sự khó hiểu khi tại sao có nhiều tài sản đến vậy mà bố mẹ vẫn sống tằn tiện cả đời. Bố tôi nhỏ giọng nói tiếp: “Con biết tại sao bố mẹ vẫn ngày ngày cày cuốc kiếm ăn, vẫn phải chi tiêu tiết kiệm không? Bố mẹ số khổ không được nhờ con trai, thậm chí còn phải lo sẵn một khoản thuốc thang cho anh trai con cả đời. Sau này, bố mẹ ốm đau cũng chỉ nhờ cậy được 2 cô con gái. Bố mẹ không muốn đã nhờ sức còn phải cậy tiền. Các con còn phải nuôi con, lo cho tổ ấm riêng, nếu còn phải lo tiền thuốc thang, ăn uống cho bố mẹ suốt những năm tháng tuổi già nữa thì vất vả lắm. Bố mẹ bảo nhau, cố gắng làm lụng, tiết kiệm, sau này có bao nhiêu giao cho 2 cô con cái lo liệu. Trong 4 miếng đất ruộng kia, có 2 miếng giá trị, bố mẹ tính cho mỗi đứa 1 mảnh bán lấy vốn làm ăn”.

Tôi nghe đến đâu nước mắt lăn dài đến đó. Chưa bao giờ tôi hối hận đến vậy. Chị em tôi không lo được bố mẹ, còn trách móc bố mẹ làm nhiều tiêu ít, nói những lời chê bai khiến bố mẹ tổn thương. Đó là lần hiếm hoi tôi khóc trước mặt bố kể từ khi trưởng thành. Tôi chẳng biết nói gì hơn, ngay cả lời xin lỗi cũng không nói thành lời. Bố chỉ lặng lẽ nhìn tôi, vẫn với nụ cười hiền như vậy.

Phút thành thật: Chê mẹ sống hà tiện, tôi bật khóc khi nghe bố nói những điều này - 6

Ai cũng có những lúc vô tâm nhưng sự vô tâm đáng sợ và đáng trách nhất là đối với đấng sinh thành. Tôi đã từng có lúc như vậy và cảm thấy ân hận vô cùng.

Tôi kém chồng 10 tuổi, sinh ra ở thành phố, còn chồng tôi ở quê. Sau khi cưới nhau, chúng tôi sống ở một căn chung cư mà để mua được tôi phải vay bố mẹ đẻ 2/3 số tiền. Tính cách tôi có phần trẻ con, đôi khi vô tư quá mức khác hẳn với chồng tôi, một người đàn ông trầm tính và sống tình cảm.

Hai năm đầu khi chưa có con, tôi ít khi theo chồng về quê. Mỗi khi về, tôi cũng không bận tâm chuyện chuẩn bị quà cáp cho mẹ chồng (bố chồng tôi đã mất) hay các cháu. Chồng tôi từng nhắc nhở về việc này nhưng tôi bỏ ngoài tai. Tôi nói với anh ấy: “Phạm vi quan tâm của em chỉ là bố mẹ em, anh và con cái chúng ta sau này. Những người khác hay những việc khác em không bận tâm”. Anh nghe vậy thì rất cáu nhưng cũng không làm được gì.

Phút thành thật: Chê mẹ sống hà tiện, tôi bật khóc khi nghe bố nói những điều này - 7

Trước khi tôi sinh con 1 tháng, mẹ chồng đã ra nhà tôi ở, vừa trông nom nhà cửa, vừa chăm sóc con dâu bầu bí. Phải nói bà rất tận tâm, mỗi ngày đều hỏi tôi muốn ăn gì rồi nấu y như vậy, không để tôi phải động chân động tay vào bất kỳ việc gì. Khoảng thời gian tôi ở cữ, bà cũng chăm sóc chu đáo.

Giữa tôi và mẹ chồng tuy có một vài mâu thuẫn về việc chăm con, chăm cháu nhưng chưa bao giờ xảy ra tranh cãi gay gắt. Tôi và bà không ghét nhau nhưng cũng không thân thiết, đôi bên chỉ nói với nhau những việc cần nói. Có lần, chồng tôi chủ động bảo tôi mở lòng, trò chuyện với bà nhiều hơn để bà đỡ trống trải. Tôi bảo chồng: “Bà cũng chỉ ở đây vài năm, con lớn thì bà lại về quê, em cần gì phải xun xoe lấy lòng”. Một trận cãi vã lớn xảy ra nhưng tôi vẫn không thay đổi quan điểm.

Phút thành thật: Chê mẹ sống hà tiện, tôi bật khóc khi nghe bố nói những điều này - 8

Tết năm đó, con tôi tròn 2 tuổi. Vợ chồng tôi tính về quê nội ăn Tết đến mùng 4 rồi đưa con đi du lịch. Tôi háo hức vô cùng, lên hẳn danh sách những thứ cần mua, trong đó nhiều nhất là quần áo của hai vợ chồng và cô con gái nhỏ. Tôi muốn, gia đình nhỏ của tôi lên ảnh thật lung linh.

Suốt 2 tuần trước Tết, tôi mua sắm online điên cuồng. Gần như ngày nào tôi cũng nhận 1, 2 đơn hàng, phần lớn là quần áo. Những lúc bận, tôi còn nhờ mẹ chồng xuống lấy hàng giúp. Thế nhưng, tôi tuyệt nhiên không mua cho mẹ chồng một bộ quần áo nào. Không phải tôi tiếc tiền nhưng quả thực, trong thâm tâm, tôi không hề nghĩ đến việc đó.

Một tối nọ, thấy tôi xun xoe ướm chiếc váy mới, chồng tôi có bảo: “Em xem đặt mua cho mẹ cái áo ấm và vài bộ quần áo mặc ở nhà. Bà quanh quẩn với cháu suốt ngày, chẳng có lúc nào đi mua quần áo mới, quần áo cũ sờn hết rồi”. Tôi ậm chỉ ậm ừ cho qua.

Phút thành thật: Chê mẹ sống hà tiện, tôi bật khóc khi nghe bố nói những điều này - 9

Một buổi tối khác nữa, tôi sang phòng nhờ mẹ chồng sáng mai đưa cháu đi học. Mở cửa bước vào, tôi thấy bà đang loay hoay khâu vá. Hỏi ra mới biết, bà đang sửa lại chiếc chun quần bị lỏng. Tôi bảo bà đừng khâu nữa, bỏ đi mua đồ mới. Bà chỉ cười: “Chiếc quần này mặc 2 năm nữa chưa rách. Bỏ đi phí phạm”.

Mặt tôi bỗng đỏ bừng, vừa xấu hổ tột cùng vừa cảm thấy tội lỗi. Câu nói của chồng văng vẳng bên tai: “Bà quanh quẩn với cháu suốt ngày, chẳng có lúc nào đi mua quần áo mới, quần áo cũ sờn hết rồi”. Chưa bao giờ, tôi thấy mình vô tâm và xấu xa như vậy. Mẹ chồng chăm sóc tôi từ lúc đang mang bầu, hai năm qua luôn tỉ mỉ chăm sóc cháu mà ngay cả bộ quần áo mới tôi cũng không mua được cho bà.

Sau bao năm làm dâu, đó là lần đầu tiên tôi ôm chầm lấy mẹ chồng. Tôi không nói xin lỗi mà nói lời cảm ơn, cảm ơn bà bao năm qua đã tần tảo vì gia đình nhỏ của tôi. Tết đó, vợ chồng tôi đã huỷ chuyến du lịch, ở lại với bà trọn vẹn cả cái Tết. Còn quần áo mới, tất nhiên rồi, tôi đã sắm sửa cẩn thận cho mẹ chồng bằng tất cả sự biết ơn.

 

Bài viết: Hạ Nhiên

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Nguồn ảnh: Internet

Sự kiện: Phút thành thật
Thứ Hai, ngày 13/02/2023 08:36 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])