Nô lệ cảm xúc
Bạn có đang dùng cảm xúc của mình để hối lộ, chứ không dâng hiến tình yêu? Anh ta biết đấy!
Khi nói đến cảm xúc chúng ta thường có phản xạ liên tưởng đến tình yêu. Nhưng thực ra cảm xúc nguy hiểm hơn tên của nó. Chính nó khơi nguồn cho những trạng thái tâm lý tích cực và tiêu cực nhất. Mỗi ngày mỗi giờ ta đều đang có thể bị cảm xúc chi phối mà ta không biết. Đặc sản của cảm xúc không chỉ có tình yêu.
Nô lệ cảm xúc
Phê ngất trong một mối quan hệ độc hại, cay đắng suy sụp vì bị thất sủng (trong tình cảm cũng như công việc), ghen tuông, đố kỵ điên cuồng, tự ti đến trầm cảm, cô đơn tuyệt vọng… là những trạng thái mà ở đó chúng ta trở thành nô lệ của cảm xúc.
Hóa ra những người si tình chỉ là nô lệ cảm xúc ở mức nhẹ. Trong mắt các nhà khoa học, cảm xúc giống như một loại nấm men sinh sôi lây lan. Một sự cố xảy ra, nạn nhân chịu đựng tổn thất, mang mối hận, nấm men cảm xúc nhân rộng bành trướng. Cuối cùng nó độc chiếm, điều khiển dẫn ta đến những hành xử tai hại. Nhà văn Daniel Gottlieb đã từng ví nỗi cô đơn tuyệt vọng như một món quà của cuộc sống và chỉ những người từng trải qua buồn đau mới nhận thấy điều này. Khi có một biến cố, chúng ta khép cửa trái tim và phó mặc mình cho cảm xúc dẫn dắt. Cảm xúc có mặt ở cả hai thái cực, hưng phấn bay bổng và bi lụy sụp đổ.
Có một tình thế khó hơn là khi bạn không biết phải làm gì với cảm xúc và bạn không nhận được sự hướng dẫn gợi ý từ người xung quanh. Ở trường phổ thông không có môn học này. Nó xuất hiện làm ta phấn khích, mê mải nhưng không thể ước chừng liều lượng vừa đủ cần cho mình. Những người có chất nghệ sỹ luôn cần sự quá liều giáp ranh lãnh thổ của sự điên rồ. Ngoài ra sự quá liều khác dẫn đến những kết cục tiêu cực không thể lường trước.
Si tình sẽ khiến bạn lệ thuộc vào đối phương (Ảnh minh họa)
Giữa nghệ sỹ, không tưởng và sự điện rồ có ranh giới nhưng mong manh. Trong khi cảm xúc luôn tìm mọi cách đánh cắp đường giới hạn siêu mỏng đó.
Hiềm khích, căm hận, muốn trả thù… là đặc sản của cảm xúc. Bạn sẽ không thể nào thoát ra khỏi trạng thái này nếu không nhờ cậy đến năng lực tha thứ. Đừng đợi một ngày đẹp trời hay phép mầu đến xóa sổ kẻ thù. Khi bạn quyết định tha thứ, bạn không còn là tù nhân của tâm lý tiêu cực. Đó cũng là cách nhanh nhất để vô hiệu hóa quyền lực của cảm xúc.
Quay trở lại với mức nô lệ cảm xúc ở người si tình. Một cô gái ôm tình yêu đơn phương kéo dài nhiều năm với một chàng trai. Người ngoài cuộc không thể lý giải được “dinh dưỡng” nào đã nuôi cảm xúc một chiều của cô gái lâu đến vậy. Nếu nhìn ngược lại, chính cảm xúc mới là dinh dưỡng để nuôi mối tình không hồi đáp. Không phải là tình yêu giam cầm cô ấy với một hình bóng duy nhất mà là cảm xúc. Si tình giống như trạng thái nghiện rượu, nghiện ma túy… Ở đó ta bị lệ thuộc vào một đối tượng. Và như bất cứ bao giờ, cảm xúc vẫn là “ông trùm” bảo kê. Si tình, ma túy… không phải tình yêu! Bạn không cần mang ơn cảm giác này khi bạn đã được tự do khỏi nó.
Lạm dụng cảm xúc
Nô lệ cảm xúc và lạm dụng cảm xúc có thể xảy ra trong một con người. Chúng ta vẫn lạm dụng cảm xúc của người khác đấy thôi, nhưng đó là chuyện quen thuộc và không đáng sợ như khi chúng ta lạm dụng cảm xúc của chính mình. Khi bạn gặp một mối tình chênh vênh, một bạn tình tồi tệ bạn không thể chấm dứt chỉ vì bạn níu vào chiếc phao cảm xúc có tên gọi “đa cảm”. Bạn nghĩ rằng, dư thừa tình cảm là vũ khí khiến đối tượng phải xúc động. Trong khi đó, anh ta lại cảm thấy khó xử, sớm hay muộn anh ta cũng cảm nhận ra bạn đang lợi dụng cảm xúc của bản thân để ép anh ta gắn bó.
Bạn đang dùng cảm xúc để hối lộ chứ không dâng hiến tình yêu. Cả bí mật này anh ta cũng biết. Lần này thì triết lý “những gì không mua được bằng cảm xúc thì sẽ mua được bằng nhiều cảm xúc” nghe chừng không có hiệu lực.