Nhớ ôsin già

Bà ôsin già đã ở với gia đình chúng tôi từ khi tôi sinh đứa con đầu.

Chồng tôi, những ngày se lạnh cuối thu, vẫn thường nhờ tôi đi làm về mua giùm bánh rán lúc lắc. Thứ bánh rán vỏ mỏng, rắc vừng rang vàng rộm, cái nhân đỗ xanh bên trong lúc lắc khe khẽ. Đến mùa đông thì chồng sẽ kéo tôi đi ăn bánh rán nóng, cả bánh rán mặn, rồi bánh rán ngọt… Cứ đi ăn như thế rồi về lại than thở rằng không ngon bằng bánh ngày xưa bà dì làm cho anh ăn.

Bà dì tôi không biết mặt ấy, là người giúp việc trong nhà anh mấy đời, không chồng không con, cứ mỗi Chủ nhật se lạnh lại chiều lòng cậu chủ nhỏ, lỉnh kỉnh bột đỗ, làm bánh cho cậu ấm ăn. Ngày còn yêu, có tuần anh biến mất khỏi Hà Nội, là đi về tận quê xa để đưa tang bà, đi bằng xe máy với mấy thằng cháu đã từng ăn bánh rán và xin tiền tiêu vặt từ đồng lương còm của bà… Có những món ăn ấu thơ của anh đã mất đi cùng bà dì, mà bao ngon ngọt ở đời mãi mãi không dỗ dành khẩu vị được.

Nên hai vợ chồng ngồi trên đi-vang xem phim Đào tỷ, phim đạt giải Kim tượng của Hong Kong năm nay, chẳng nói câu nào. Ừ, đúng như tên tiếng Anh của phim, A simple Life, một cuộc đời đơn giản. Người đàn bà không chồng không con chăm sóc cả gia đình nhà chủ mấy thế hệ, rồi khi cả nhà xuất ngoại, bà ở lại chăm sóc cậu con trai, vượt qua từ lâu sự tận tâm phục vụ của một người giúp việc, như một bà mẹ, như một bà dì… một tình yêu giản dị - chỉ có yêu thương và yêu thương, chỉ cho đi mà chưa từng nhận lại điều gì ngoài sự tôn trọng lặng thầm và ít ỏi đền đáp của những người được chăm sóc.

Chi tiết tôi thích nhất trong phim là cậu chủ trẻ dắt bà giúp việc già đi chơi công viên, và hỏi tại sao bà không cưới những người đàn ông theo đuổi bà. Bà nói “họ tanh lắm”. Cậu chủ truy hỏi, vậy có phải bà yêu ba cháu không? Bà giúp việc bằng tuổi mẹ cậu, nhảy tưng lên, lùi lại như một cô bé mới lớn, khẳng định là Không phải!

Nhưng tôi tin là Có, người đàn bà ấy có Yêu, và hẳn là người đàn ông đẹp đẽ, thơm tho nhất trong đời bà là người đàn ông mà bà sẵn sàng yêu thương và chăm sóc cả mẹ, cả vợ, và con trai ông ta… mà không đòi lại cho riêng mình điều gì.

Xuyên suốt bộ phim là những món ăn. Món cua biển hấp, rồi món cá chép hấp hành ngay đầu phim, sau đó là món lưỡi bò hầm dì Đào chiều lòng cậu chủ làm ngay trước khi bị trúng gió… Và như để làm dịu đi khẩu vị, có một món ăn được nhắc lại như một kỷ niệm gia đình, khi nhà chủ lần đầu tiên mua tủ lạnh, dì Đào đi mua một quả dưa hấu thật lớn, bỏ vào tủ lạnh mát rồi tối bổ ra cả nhà cùng ăn vào một đêm mùa hè…

Không chỉ trong phim mà ở ngoài đời tất cả cũng đều yêu dì Đào, bà quyến rũ cả nhà biên kịch, cả vị đạo diễn, cả diễn viên chính, lẫn diễn viên phụ, cả ban giám khảo và khán giả bằng tình yêu không lời nhưng đầy hương vị của bà…

Ngày bé, tôi từng đọc Gặp gỡ giao thừa của Nguyễn Khải. Những ngày thiếu thốn ấy đọc đi đọc lại những dòng này của ông. “… Bữa ăn của đêm trừ tịch không xoàng như lời rêu rao của chị Hoàng. Bàn ăn cũ cùng với bộ ghế mười hai người đã bán rồi, thay vào là cái bàn tròn rất rộng, khăn trải bàn, bát đĩa, ly tách vẫn choáng lộn như xưa, còn các món ăn dọn lên là thịnh soạn đối với thời buổi khó khăn này. Cá rút xương luộc vừa mềm, thái miếng to bày trên đĩa (mỗi khách ăn là một đĩa), rau cải xanh chẻ nhỏ nhúng tái, xếp xung quanh làm hàng, nấm Tống Cú dày thơm ngồi giò sống hầm nhừ phủ lên trên, là một món. Ốc nhồi thịt băm nấm hương, lót lá gừng, hai món. Trứng muối lâu ngày ruột vỏ xanh đen trong suốt như khối ngọc. Cá nục con nhỏ kho với dầu làm giả cá sardine à 1 huile. Lạp xưởng để cả chiếc. Và canh nấm, những bát canh nấm thật trong, thật nhẹ…”

Và người nấu những món ăn ấy xuất hiện, dịu dàng, nhân từ, nữ tính ngời ngợi lòng quan tâm, bao dung…

“… Anh Chương ngồi trước đĩa nấm ngồi, nhăn mặt:

- Không xài được, răng lợi tôi thì xài làm sao được món này!

Chị Hoàng nguýt dài:

- Không nhai được, nuốt được thì dùng mũi mà ngửi. Vẽ chuyện!

Nhớ ôsin già - 1

Chồng tôi không rõ vì nhớ bà, hay do nhớ món dưa muối xổi của bà sau một tuần được tôi đãi toàn bánh pizza với bánh mì kẹp cá hồi mà đánh xe về quê đón bà (Ảnh minh họa)

Anh Chương cười ngượng nghịu:

- Chị Bơ ơi! Chị ơi!

Chị Bơ từ dưới bếp chạy lên, cười hiền hậu:

- Các ông các bà còn thiếu cái gì nữa? Tất cả là vừa rồi.

Anh Chương cằn nhằn:

- Không có món nào em ăn được cả. Có còn răng đâu mà nhai được các thứ này!

- Ờ, ờ, không có món nào thật mềm nhỉ. Ông ăn tạm thịt kho nhừ nhá?”.

Nguyễn Khải kể về người đàn bà ấy: “Chị Bơ tên thật là chị Hỉ, người con gái duy nhất của một người họ hàng lên ở với chú họ là án sát Nam Định từ năm mười lăm tuổi, thoạt đầu là hầu trà thuốc, sau là phụ việc nấu nướng, dần dần thành bà quản gia. Cô chú chết, chị ở với các em thành đầu bếp chính, môt đời người chỉ lo có cái miệng ăn của các em ông, em bà, thích theo cái thích của họ, ghét theo cái ghét của họ… Năm nay chị Bơ đã 67 tuổi, không chồng con, một đời hầu hại các em mà vẫn vui vẻ, vẫn hãnh diện vì được hi sinh cho những người thân thuộc…”

“…thích theo cái thích của họ, ghét theo cái ghét của họ…”. Nhưng ở đây Nguyễn Khải nhầm rồi, và ông bỡ ngỡ nhận ra mình sai khi bà Bơ… giành lấy đoạn kết của ông, tỏa sáng. Cái kiên liệt của người đàn bà này ở chỗ, bà giữ cho mình đến cùng cái khẩu vị gốc gác quê kiểng ngàn xưa trong căn bếp khiêm nhường của bà, và đặt nó vào đúng lúc, đúng chỗ. Giao thừa. “Bà Bơ mặc áo dài lụa nâu, vấn khăn nhiễu nâu lại đi đôi hài cũ, món quà của bà cô tặng cô cháu tận tụy những năm nào. Theo sau chị là hai cô bé bưng hai mâm bánh chưng, đã bóc lá, với cá kho, với giò lụa, hành muối. Bà Bơ nói: “Cô Hoàng không thích ăn Tết, không cho gói bánh và làm các món ăn ngày Tết, nhưng chị còn tiền (lần đầu tiên chị xưng đúng danh vị của chị với chúng tôi) đủ để sửa soạn một bữa ăn thanh đạm nhưng thật là Tết, thật là bữa ăn của ông bà ngày Tết, mời các cô các chú. Năm mới chị chúc…”. Cả mấy anh em chúng tôi đứng ngây ra, nước mắt rưng rưng khom người ồn ào chúc lại bà chị cả một đời hy sinh cho các em, dẫu đi tới góc biển chân trời nào vẫn nhớ tới chị…”.

Ai mà không nhớ người đàn bà vào giao thừa “ngồi xắn từng miếng bánh chưng xanh mướt, ăn với giò lụa, với hành củ muối nén, nói với nhau những hy vọng tốt đẹp nhất về một năm mới đã đến”.

Chẳng lạ khi cuộc đời đơn giản của Đào tỷ đại thắng tại giải thưởng Kim Tượng lần thứ 31 vừa qua. Không chỉ là giải thưởng cho diễn viên, cho đạo diễn, mà còn là niềm trân trọng cho những người đàn bà lặng lẽ trong căn bếp nhỏ của gia đình chúng ta, mà khoản thù lao ít ỏi chẳng thể nào xứng với thời gian của đời và tình yêu lặng thầm bà dành cho những gia đình thành thị đôi khi vẫn hoang mang về hai chữ gia đình.

Tuần trước tôi có đọc trên mạng bài báo nhỏ về chuyện Hoàng tử William vắng mặt tại bốn cuộc tiếp tân hoàng gia để có mặt tại đám tang bà vú già đã ở bên, chăm sóc và nâng đỡ hai anh em chàng thuở ấu thơ trong cơn sóng gió gia đình. Bên cạnh chàng trong đám tang là hai người chị em ruột của công nương Diana. Chỉ là một bà vú già, mà chút hình ảnh của bà lưu lại trên thế gian này là cảnh bà nghiêm nghị đi bên hai hoàng tử nhỏ đến một nhà hàng mà bà có lẽ sẽ chẳng ăn uống bao nhiêu ngoài việc chọn món cho hai cậu bé…

Đọc cuốn Làm lành với hôn nhân của Elzaberth Gilbert, tôi nhớ đoạn tác giả phát hiện ra một đạo quân hùng hậu có mặt xuyên suốt trong lịch sử phát triển nhân loại – Đạo quân Các Bà Dì, những phụ nữ vì những lý do khác quan hoặc tự thân, không lập gia đình, không sinh nở, nhận về mình sứ mệnh vĩ đại – chăm sóc, bảo trợ con cái của những người phụ nữ khác, như con mình. Trong đó, tác giả có nhắc đến Mẹ Teresa. Còn tôi, tôi muốn bổ sung vào danh sách Đạo quân Các Bà Dì những bà vú, những người giúp việc, và cả bà Ôsin già nhà tôi.

Tôi viết những dòng này vào một buổi sáng nhớ bà ôsin già đã ở với gia đình chúng tôi từ khi tôi sinh đứa con đầu. Bà về làm giỗ ông bố mất đã lâu. Chồng tôi không rõ vì nhớ bà, hay do nhớ món dưa muối xổi của bà sau một tuần được tôi đãi toàn bánh pizza với bánh mì kẹp cá hồi mà đánh xe về quê đón bà, tranh thủ đưa mẹ chồng tôi và hai thằng con vãn cảnh ngôi chùa đẹp mà bà ôsin cứ kể mãi mỗi khi nhắc đến quê hương.

Nhà tôi Hà Nội gốc, bây giờ lũ trẻ mượn quê bà ôsin già để như chúng bạn, cũng được về quê.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Loan (Người đẹp)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN