Người đàn ông bán nhà để mở lớp họ tình thương
Dù ở nhà thuê nhưng ông vẫn mở lớp học tình thương dạy học miễn phí cho hơn 130 trẻ em nghèo, cơ nhỡ.
Dù đang ở nhà thuê nhưng cách đây hơn 1 năm, ông bán miếng đất gia tiên ở Bà Rịa - Vũng Tàu để tập trung đầu tư cho lớp học tình thương ở TPHCM, dạy học miễn phí cho hơn 130 trẻ em nghèo, cơ nhỡ…
Ông là Đoàn Minh Hùng, 53 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM mà người dân hay gọi là thầy Hùng.
Tiếng “ê, a” xen lẫn “A Di Đà phật”
6 giờ tối, lớp học tình thương của thầy Hùng tại 166 đường Phan Anh, quận Tân Phú, lại vang lên tiếng tập đọc “ê, a” xen lẫn tiếng “A Di Đà Phật”. Kéo dài từ ngoài sân vào đến trong nhà và lên cả gác gỗ, tất cả có hơn 130 học sinh từ 5-6 tuổi đến hơn 20 tuổi, đa số là con của dân nhập cư nghèo.
Lớp học có khoảng 6 - 7 giáo viên, được chia thành nhiều góc từ lớp 1 đến lớp 6. Đứng ở mỗi góc giảng bài cho các em là một bạn sinh viên, nắm tình hình tổng thể lớp là thầy Hùng.
Đang ngồi cặm cụi tập viết, em Trần Ngọc Quý (13 tuổi, quận Bình Tân) hớn hở nói: “Em học lớp 1 rồi đó, nhờ có thầy Hùng cho học mà giờ em viết được tên em rồi”. Quý kể, nhà em có 6 người gồm bà ngoại, ba mẹ, cậu ruột, chị Quý và Quý. Chị Quý là Trần Ngọc Hân 14 tuổi, đang học lớp 3 tại lớp học tình thương của thầy Hùng.
Một bữa ăn của học sinh trước giờ vào lớp học thầy Hùng.
Ba mẹ Quý làm nghề nhặt ve chai nên thường xuyên chuyển trọ từ nơi này qua nơi khác, kinh tế cực kỳ khó khăn nên hai chị em chưa được đến trường ngày nào mà còn theo ba mẹ kiếm tiền. “Tuy nhiên, cách đây hơn 1 năm, mẹ dẫn hai chị em đến xin thầy Hùng cho vào học nên hai chị em mới được đi học”, Quý kể. Ban ngày, Quý và chị phụ giúp bà ngoại bán cà phê ở trong con hẻm gần nhà, chiều chiều hai chị em lấy xe đạp chở nhau đi hơn 3 km đến nhà thầy Hùng học chữ.
Ngồi kế bên Quý là Nguyễn Văn Khả Ái, 14 tuổi, đang chăm chú viết từng con chữ. Khả Ái theo học lớp này được gần 1 năm nay, giờ đã viết chữ và tập đọc thành thạo. Ái cho biết, chị gái của em năm nay 17 tuổi, sau khi học xong lớp 7, chị cũng nghỉ học đi làm phụ giúp ba mẹ.
“Nhờ có thầy Hùng mà em giờ mới viết được tên mình, được quen biết với nhiều bạn bè khác. Em vui lắm nên chỉ ngày nào bệnh nặng thì mới nghỉ học, còn không thì mưa gió gì em cũng cố đi học hết”, Ái vui cười nói.
Đang kèm một em học sinh tập viết, Hoàng Thị Hồng Thủy, sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, nói: “Dạy các học sinh nơi đây tuy hơi vất vả nhưng bù lại các em rất biết nghe lời và chịu khó học lắm”.
Trước khi đến với lớp tình thương của thầy Hùng, Thủy từng dạy thêm, dạy kèm nhiều nơi nhưng chưa có lớp học nào để lại cho Thủy nhiều ấn tượng và niềm vui như lớp học này.
“Các em học sinh ở đây mỗi em một hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung là các em nghèo khó, việc học với các em là một ước mơ rất xa vời nếu không có những lớp học như thế này. Vì thế, giúp các em biết thêm được con chữ là niềm vui lớn lao đối với em và các bạn tình nguyện viên khác”, Thủy nói.
Thầy Hùng cùng các tình nguyện viên thường xuyên dạy học cho trẻ em nghèo.
“Học trò ở đây đa phần là con của người dân nhập cư, nay đây mai đó nên cuộc sống khó khăn, nhiều em 12-13 tuổi nhưng chưa ngày nào được đến trường. Bên cạnh đó, có em cũng đang đi học bên ngoài nhưng gia đình khó khăn, không có điều kiện học thêm, tôi cũng nhận vào để các anh chị sinh viên kèm cặp thêm”, ông Hùng kể.
Chăm lo cả bữa ăn
Mặc dù lớp học của thầy Hùng 6 giờ tối mới bắt đầu nhưng thường lệ, từ 5 giờ chiều, học sinh bắt đầu đến lớp. Bước vào lớp học, các em lễ phép vòng tay chào thầy, chào cô rồi kết thúc bằng 4 chữ “A Di Đà Phật”. Tiếp đó, các em đến bàn ăn, trên đó đặt sẵn những suất cơm chay. Đây là phần ăn tối do thầy Hùng cùng vợ nấu cho học sinh để các em ăn lót dạ, lấy sức trước khi vào học.
Để chuẩn bị những phần ăn chay này, từ 3 giờ chiều, thầy Hùng và vợ đã phải bắt tay vào việc. “Vợ thì nhặt rau, vo gạo còn tôi thì nấu cơm, chiên đậu phụ… để muộn nhất là 5 giờ phải có cơm cho các em. Có thực mới vực được đạo”, thầy Hùng kể.
Vợ chồng thầy Hùng liên tục thay đổi thực đơn bữa tối. Em Hà Thị Tuyết Nghi (13 tuổi) luôn đến sớm hơn vì ba mẹ đi làm về tối không có ai nấu cơm. Bưng đĩa bún khô trên tay, Nghi cười tươi nói: “Bún thầy Hùng nấu ngon nhất, nhờ bún của thầy mà tối nay con mới có sức học bài đó”.
Thầy Hùng cho biết, vài ngày tới, lớp học của ông sẽ tổng kết nên ông cũng chuẩn bị phần thưởng cho các em. Phần thưởng đơn giản, mỗi em sẽ có khoảng chục gói mỳ tôm với vài cân gạo, chai xì dầu… “Nhiều người khi nghe tôi nói phần thưởng, họ bật cười nhưng đây là niềm động lực và lương thực để chống đói cho các em trong những ngày nghỉ hè không đến lớp”, ông Hùng nói.
Đồng cảm, cắn rứt
Kể về quá trình mở lớp học tình thương, ông Hùng nói: “Tôi có một sự đồng cảm với những người khó khăn và hơn hết là những người không được đi học, họ thiệt thòi trong cuộc sống lẫn ra ngoài xã hội”.
Nhờ có lớp học của thầy Hùng mà Nguyễn Văn Khả Ái biết đọc biết viết.
Sinh ra và lớn lên ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cuộc sống khó khăn, học đến lớp 12, ông Hùng nghỉ học để mưu sinh. Sau khi có gia đình, ông chuyển lên TPHCM lập nghiệp với nghề sửa cân dạo, bán cơm chay…
Cách đây 6 năm, khi kinh tế khá giả hơn, ông quyết định mở lớp dạy học cho mấy đứa nhỏ trong xóm trọ. Lớp học ban đầu chỉ có hai học trò. Sau đó, tiếng lành đồn xa, nhiều người mang con đến nhờ ông dạy chữ.
Để thuận tiện cho nhu cầu học ngày càng tăng, ông chuyển sang nhà trọ mới ở đường Liên khu 5 - 11 - 12, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Lớp học tăng lên 10, rồi 20, rồi 30 học sinh khiến khu phố đầy ắp tiếng cười, tiếng ê a học bài.
Sĩ số lớp học cứ liên tục tăng, căn nhà trọ mới thuê cũng đã chật cứng khiến ông Hùng bao đêm trằn trọc. Thời điểm đó, gia đình ông còn một căn nhà gia tiên ở Bà Rịa - Vũng Tàu, hai con đang tuổi ăn tuổi học nên càng làm cho vợ chồng ông suy nghĩ.
“Nếu tiếp tục dạy học ở nhà này thì không nổi vì học trò đông quá, họ đến xin học mà không nhận thì lương tâm cắn rứt lắm, trong khi thuê nhà mới rộng hơn thì kinh tế lại không cho phép. Chả lẽ bán căn nhà gia tiên để ở hẳn trên này, câu hỏi đó chợt lóe lên trong đầu”, ông Hùng kể.
Rồi một ngày, ông mạnh dạn đưa ý kiến bán căn nhà gia tiên ở quê để chuyển sang thuê căn nhà to hơn vừa làm ăn (bán cơm chay, sửa cân), vừa dạy học. “Ý kiến ấy không những không bị phản đối mà cả gia đình ủng hộ, thế là tôi bán căn nhà ở quê được khoảng hơn 200 triệu đồng rồi qua bên này thuê nhà mới rộng hơn, khang trang hơn để cho các em có nơi học tập đàng hoàng”, ông Hùng kể.