“Nếu biết ăn ở thì con sẽ có hai người mẹ"

Tôi thấy rằng lời mẹ tôi dặn trước khi lấy chồng không sai: “Nếu biết ăn ở thì con sẽ có hai người mẹ".

Nhiều bạn bè, đồng nghiệp khi đến nhà tôi chơi đều tỏ vẻ ngạc nhiên, ngưỡng mộ mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Họ ngạc nhiên bởi hai người “khác máu tanh lòng” lại đối xử với nhau như hai mẹ con ruột.

Thực ra, nói là “trị” mẹ chồng cho oai chứ thực tình hoàn toàn không phải vậy. Ngày tôi về nhà chồng có biết bao nhiêu là lo lắng bởi chồng tôi là con trai duy nhất, bố chồng đã mất, mẹ chồng vừa mới nghỉ hưu. Bà là người Hà Nội, đảm đang và tháo vát, bản tính cũng thật thà, xởi lởi nhưng lại mắc tính đồng bóng, hay để ý việc này việc kia. Nhiều lúc vừa cười đùa vui vẻ xong lại quay sang khó chịu, mặt càu cạu. Bà rất thích chỉ đạo nhất là trong nhưng công việc gia đình.

Những ngày đầu về ở với bà, tôi khá sợ. Tối đầu tiên về làm dâu, sau khi thu dọn nhà cửa, bà gọi vợ chồng tôi vào phòng để nói về nề nếp gia phong, tôn ti trật tự gia đình và khẳng định mọi thứ trong gia đình đều phải thông qua bà. Giọng bà rõ ràng, đanh thép khiến tôi run và nghĩ bụng là “mình vớ phải bà mẹ chồng ghê gớm rồi”.

“Nếu biết ăn ở thì con sẽ có hai người mẹ" - 1

Những câu chuyện nho nhỏ khiến tôi và mẹ chồng ngày càng gần gũi nhau hơn (Ảnh minh họa)

Nhưng ở lâu với mẹ chồng tôi mới thấy rằng bà không ghê gớm đến thế. Biết tính bà thích chỉ đạo, việc lớn việc nhỏ gì tôi cũng hỏi qua ý kiến bà. Thỉnh thoảng tôi gửi quà cho mẹ đẻ cũng không quên tặng mẹ chồng một món quà y hệt. Tôi cũng hay tâm sự với bà về chuyện công việc, các mối quan hệ xã hội bên ngoài. Những câu chuyện nho nhỏ khiến tôi và mẹ chồng ngày càng gần gũi nhau hơn.

Mẹ chồng tôi vốn là cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu, bà có sắc vóc nhưng ăn mặc rất giản dị. Tôi thì trẻ trung, được nhiều người đánh giá là có gu thẩm mỹ. Vậy là tôi thường xuyên rủ mẹ chồng đi mua sắm quần áo cùng mình, ngày nghỉ đi làm tóc, dưỡng da. Do vậy, mẹ chồng tôi ngày càng trẻ đẹp, hàng xóm, bạn bè ai gặp cũng khen khiến bà vui ra mặt.

Hàng ngày, tôi dậy sớm đi chợ cùng bà, học bà nấu những món ăn ngon. Những lúc như thế, hai mẹ con chẳng còn khoảng cách, trò chuyện cùng nhau cởi mở. Đôi lúc, hai mẹ con cũng bất đồng ý kiến nhưng tôi cũng mạnh dạn đưa ra ý kiến: "Theo con là thế này, mẹ thấy có được không ạ?" nhưng vẫn để bà là người đưa ra quyết định cuối cùng.

Khi tôi mang bầu rồi sinh con, tôi cảm nhận rõ tình cảm bà dành cho tôi. Do mẹ đẻ tôi ở Bắc Ninh, bà lại bị bệnh tiểu đường nên khi tôi sinh, mọi việc một mình mẹ chồng tôi lo hết. Từ việc cơm nước, kiêng cữ, trông con cho tôi để ngủ ngon giấc.

Trưa qua, khi cả phòng làm việc tôi đến chơi với mẹ con tôi, bà đón tiếp rất vui vẻ, xởi lởi khiến ai cũng ngạc nhiên bảo tôi “sao mà tốt số, mẹ chồng mà còn hơn mẹ đẻ”. Tôi nghe mà chỉ cười bởi hôm trước, lúc trong phòng đẻ của bệnh viện, khi bác sĩ hỏi bà là: “Bà là bà ngoại à”, bà cũng tươi cười nói “Nó là con gái tôi đấy”. Thú thực lúc đó tôi cảm thấy xúc động muốn trào nước mắt.

Tôi vẫn biết là nhiều chị em sẽ không tin tồn tại mối quan hệ tốt của tôi với mẹ chồng. Tuy nhiên, có thể nói đến thời điểm này, tôi hài lòng vì mình có một mẹ chồng như thế. Và tôi càng thấy rằng, lời mẹ tôi dặn trước khi lấy chồng không sai: “Nếu biết ăn ở thì con sẽ có hai người mẹ".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Khánh (Gia đình & Xã hội)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN