Mệt mỏi chờ mua vé tàu Tết

Sự kiện: Giới trẻ 9X

Trong cảnh chen chúc tại ga Long Biên, Thu Hương ngấn nước mắt khi kể lại việc vừa bị móc túi, mất cả số tiền dành dụm mua vé tàu về quê.

Xếp hàng…

Nguyễn Như Thảo (năm thứ hai trường ĐH Dược Hà nội) chia sẻ: “Năm nay được nghỉ nhiều nên mình quyết định về quê ăn Tết. Tranh thủ vừa thi xong một môn, mình ra đây xếp hàng mua luôn nhưng đợi từ sớm vẫn chưa đến lượt”. Phạm Văn Nghĩa (quê Nghệ An) cho biết: “Hôm trước, mình định đi xe khách về, đến công ty Văn Minh xếp hàng mấy ngày liền mà không mua được vé, nên mình đành ra mua vé tàu. Mặc dù mình không phải chen nhiều nhưng đợi thì đã khá lâu rồi”.

Đông đúc, chen lấn là thực trạng chung của hầu hết các bến xe, bến tàu trong thời gian này. Để tránh “phe vé, “cò” vé” lợi dụng, năm nay, công ty Văn Minh (chuyên tuyến Hà Nội – Vinh) chỉ tổ chức bán vé trong một vài ngày cố định, do vậy, có rất nhiều bạn sinh viên không kịp mua vé.

Tại ga Hà Nội, ngoài hình thức bán vé tại ga, qua đại lý, còn có nhiều hình thức khác cho khách hàng lựa chọn và cũng để tránh khách đến ga quá đông. Tuy nhiên, xem ra hình thức mua tại ga vẫn được rất nhiều người… chuộng hơn cả. Chị Trang (nhân viên đội vé tại ga Hà Nội) cho biết: “Ga bắt đầu bán vé Tết Qúy Tỵ từ ngày 1/12. Ngoài hình thức bán vé tại ga, bán qua đại lý, chúng tôi còn bán vé lưu động tại các cơ quan, tổ chức có nhu cầu, bán vé qua tin nhắn, qua điện thoại, miễn phí giao vé trong cự ly dưới 7km, song lượng khách đến ga trực tiếp mua vé vẫn rất đông”. Lê Thị Trang (quê Thanh Hóa) chia sẻ: “Mình trọ ở gần đây thôi, được biết, ga Hà Nội miễn phí giao vé, mình gọi điện đặt ngay nhưng gọi mấy ngày toàn thấy máy bận, mà đăng ký qua tin nhắn thì thấy không yên tâm, nhỡ có trục trặc gì thì… nghỉ về quê ăn Tết, nên mình đến tận ga luôn”.

Mệt mỏi chờ mua vé tàu Tết - 1

Sinh viên Nghệ An xếp hàng mua vé xe Tết

Và những tai nạn… thường niên

Trong cảnh chen chúc tại ga Long Biên, Lương Thu Hương (quê Lạng Sơn) còn ngấn nước mắt khi kể lại việc vừa bị móc túi, mất cả số tiền dành dụm mua vé tàu về quê lẫn chứng minh thư, thẻ sinh viên. “Trước khi ra ga, bạn mình đã cảnh báo rồi, mình cũng đã rất cẩn trọng, không hiểu có thể mất vào lúc nào được”, Hương tâm sự.

Đến giờ học thêm chiều mà vẫn chưa tới lượt mua vé, Thảo mệt mỏi ra khỏi ga. Đoạn đường từ cửa ga Hà Nội ra đến mặt đường Lê Duẩn dù không xa nhưng bạn đã nhận được tới 3 “lời chào mời”. Họ đi lướt qua trước mặt và nói chỉ đủ cho Thảo nghe. Đến lời đề nghị thứ ba, Thảo ngần ngừ hỏi vé Tết về Lào Cai thì nhận được câu trả lời: “Cháu cần vé gì cũng có”. Nhưng giá vé mà người kia đưa ra đắt gấp hơn hai lần vé bán trong ga (175.000 đồng bị “hét” lên 400.000 đồng). Cuối cùng, Thảo vẫn từ chối vì không đủ tiền, sau khi bên bán đã hạ giá xuống còn 300.000 đồng và ngay lập tức, cô nhận được một tràng xỉa xói không thương tiếc.

Thời điểm này, một số trường đại học lớn trên địa bàn Hà Nội như trường ĐH KHXH&NV, trường ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội) cũng đã bắt đầu xúc tiến các chương trình hỗ trợ sinh viên nghèo về quê ăn Tết bằng việc tổ chức xe đưa đón miễn phí hay tặng vé tàu, xe. Đây là cơ hội cho không ít sinh viên hoàn cảnh khó khăn có thể được sum họp cùng gia đình trong dịp Xuân này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hà (Sinh viên Việt Nam)
Giới trẻ 9X Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN