Mẹ vẫn oằn lưng gánh nặng

Nghèo đói gánh thêm nghèo đói. Đến bao giờ con mới có thể lo cho mẹ?

Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con...

Con đã ra Hà Nội làm việc được 3 năm. Trước ngày con đi, hai mẹ con thức trắng đêm chỉ biết khóc.  Khi đó, con vừa mới tốt nghiệp cấp 3 nên còn non dại, ngây ngô nhưng mẹ vẫn cho con vượt hơn 300 cây số ra Hà Nội để làm công nhân. Mẹ buồn lắm, hai mắt mẹ đỏ ngầu: “Nhà mình nghèo quá con ạ, mẹ không lỡ cho con đi nhưng chẳng biết làm thế nào”. Con mạnh mẽ nói: “Con đã lớn, con biết bảo vệ mình mà mẹ!”. Thế nhưng trái tim con mềm yếu, con không muốn xa mẹ, xa đồng ruộng sỏi đá quê hương, xa cái nắng cháy mỗi khi hè về.

Ngày con đi, mẹ dậy thật sớm, ôm con khóc nức nở. Con lấy tay lau những giọt nước mắt lăn vội trên hai gò má gầy và rám nắng của mẹ. Quay vội người, con bước đi nhanh, hai mắt đỏ ngầu, mạnh mẽ trên con đường mình đã lựa chọn.

Những ngày đầu mới ra Hà Nội, cuộc sống của con còn nhiều bỡ ngỡ. Lạ những căn nhà san sát chẳng quen nhau, lạ những con đường ồn ào với xe cộ, quán xá, lạ vì không có bố mẹ và các anh chị em ở bên cạnh. Con phải sống một cuộc sống lẻ loi, phải để ý đến cách sống khi ở chung với những người bạn mới quen….

Con đi làm và mỗi tháng đều cố gắng giành dụm tiền để gửi về cho mẹ chăm các em ăn học. Cuộc sống tuy có nhiều khó khăn nhưng mỗi lần nghĩ đến mẹ và các em, con lại có thêm động lực để làm việc, kiếm tiền giúp mẹ bớt khổ. Đồng tiền mẹ kiếm được từ những mảnh ruộng cằn cỗi với những đêm mẹ thức trắng đan chiếu nuôi chúng con lớn khôn khiến con lại càng phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Mẹ vẫn oằn lưng gánh nặng - 1

Nghe tin bão đổ bộ vào khúc ruột miền Trung, lòng con như lửa đốt (Ảnh minh họa)

Ngày mẹ ra Hà Nội thăm con, con đã vui mừng đến mức nỗi để nồi thịt kho cháy đen vì bận đón mẹ. Mẹ chê con đoảng, rồi mẹ lại lo lắng cho con khi phải sống một mình nơi đất khách không có người thân bên cạnh. Mẹ dặn dò con đủ thứ: "Không được cho người lạ vào nhà"; "không được đi chơi khuya"; "Không được cãi lời cấp trên"… rồi đến chuyện "kiếm lấy một anh để tính chuyện chồng con". Con ngượng ngùng bên mẹ: “Con đã lớn rồi, mẹ không phải lo cho con đâu”. Mẹ cười xòa: “Cha bố chị, lớn mà để nồi thịt cháy thế kia à!”.

Đêm con được nằm bên mẹ, được gối đầu vào tay mẹ như những ngày còn bé thơ. Con mân mê đôi bàn tay chai sạn, gầy guộc của mẹ. Bao năm nuôi con lớn khôn, cho các con ăn học đầy đủ để rồi thời gian bào mòn làm khuôn mặt mẹ nhăn nheo, rám nắng, mái tóc đã lấm tấm hoa râm, bàn tay gầy guộc nổi những gân xanh. Con nhìn những người phụ nữ có điều kiện ở trên thành phố mà thương mẹ xiết bao. Cả một đời chịu bao khổ cực, mẹ chẳng dám sắm sửa gì dù chỉ là một cái áo mới. Mỗi lần con gửi quà về, chỉ là những chiếc áo rẻ tiền vậy mà mẹ cũng gọi điện mắng con phung phí. Con ăn cơm thịt, gạo trắng dẻo có biết đâu ở nhà mẹ đi làm đồng vất vả sớm khuya mà chỉ dám ăn gạo xấu, gạo ngon mẹ để bán lấy tiền nuôi chúng con. Mẹ chỉ ăn bó rau tự trồng, vài củ lạc rang như vậy là cũng xong bữa. Thương mẹ nhiều nhưng sức con chỉ có hạn chả giúp đỡ mẹ được là bao.

Nghe tin bão đổ bộ vào khúc ruột miền Trung, lòng con như lửa đốt. Con gọi điện về hỏi thăm bố mẹ, thăm đàn lợn giống, đàn gà chuẩn bị bán thịt… Trong điện thoại, con phải cố gắng lắm mới có thể đoán được giọng mẹ đang cố kìm lại để con yên lòng: “Bố mẹ và các em vẫn tốt. Chỉ có một con lợn và sáu con gà không chịu được mưa bão nên chúng bỏ nhà mình con ạ. Con yên tâm làm việc nhé!”

Khóe mắt con cay cay, những giọt nước mắt không bảo nhau cứ lăn xuống má. Nghèo đói gánh thêm nghèo đói. Đến bao giờ con mới có thể lo cho mẹ, lo cho gia đình được hả mẹ!?Con dù có đi đâu, làm gì nhưng vẫn vô cùng nhỏ bé trong vòng tay bố mẹ.

Chuyện tình mẹ kế con chồng

Đời con gái hồng nhan

Mẹ đã yêu, con gái à!

Nghe bố này... con gái!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lệ Thu ([Tên nguồn])
Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN