Không yêu thì “xử”

Sự kiện: Giới trẻ 9X

Sau khi "xử" người yêu, Khuyến đã lên facebook tâm sự chuyện tình cảm của mình.

Ngày 16/4, chỉ 3 ngày sau khi diễn ra vụ việc sát thủ Đặng Văn Khuyến (sinh năm 1985) sát hại người yêu cũ tại một quán cơm trên đường Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh) rồi lên Facebook viết tâm sự, trang Facebook có tên Pavolusa Papca của Khuyến đã có hàng ngàn bạn trẻ truy cập. Những lời tâm sự cuối cùng trước khi ra đầu thú của Khuyến vượt mốc 650 “share”. Cộng đồng mạng xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận dữ dội trái chiều.

Sát thủ “đáng thương”?

Khuyến tâm sự rằng, anh ta và bạn gái đã hơn 6 năm yêu nhau, đã trải qua một thời sinh viên gắn bó: “… đã cùng nhau vượt qua mọi thử thách, gian khổ khi từng chia sẻ một ổ bánh mì không nhân, khi cả hai chỉ đủ tiền mua một hộp cơm cùng ăn mà cảm thấy rất hạnh phúc, khi cùng đi trên một chiếc xe đạp cà tàng, dù xa đến đâu cũng cùng đèo nhau… Khi ra trường, đi làm, cuộc sống trở nên dễ thở vì đã có chút lương. Rồi điều kiện vật chất tốt hơn, mua laptop xịn, điện thoại xịn, xe máy LX 125 xịn, đi ăn nhà hàng thường xuyên, sắm sửa mọi thứ… thì lúc đó, con người ta lại thay lòng đổi dạ… Sẵn sàng chết vì người mình yêu thương vì người đó rất yêu thương và luôn hướng về mình, thủy chung với mình và sẽ là cái kết bi thương khi mình làm tất cả tốt đẹp mà người đó phụ bạc mình. Giết người mình yêu nhất cũng là giết mình… Cuộc sống như một củ hành, khí bóc ra thấy mùi hăng, bóc xong rồi lệ tràn mi”.

Đọc những dòng tâm sự này của kẻ sát nhân, một số cư dân mạng cho rằng, đây là một chuyện tình bi kịch, cả hai cùng đáng thương. Một số bạn còn tỏ ra thông cảm cho sát nhân Đặng Văn Khuyến. Lev Knguyễn chia sẻ: “Hẳn anh ấy đã đặt trọn vẹn niềm tin vào cô gái đó. Hãy thử đặt mình trong hoàn cảnh đó xem, anh ấy đã 28 tuổi rồi. Mối tình đó phải kéo dài 6 năm. Sáu năm trọn niềm tin và bền vững. Rồi đùng cái tự nhiên chấm dứt, thử hỏi xem có ai đủ tỉnh táo trong cơn đau choáng ngợp đến như vậy?! Thật là hai người đáng thương hơn đáng trách”.

Không yêu thì “xử” - 1

Đặng Văn Khuyến tâm sự trên facebook trước khi đi tù

Tất cả là ngụy biện!

Thế nhưng, đa số dân cư mạng đã đồng loạt lên án gay gắt hành vi giết người man rợ. Thiên Kim, nói: “Ban đầu, đọc vụ chém người yêu ở quán cơm gần trường, mình tưởng là do anh này phẫn uất quá nên manh động. Ai dè anh này là người bỏ người ta trước, rồi tung ảnh tống tiền này nọ, còn đem xăng đốt nhà người ta. Hèn hạ quá thế!”.

Nghệ An Lãng Tử, một bạn nam, chia sẻ: “Chú em này suy nghĩ quá nông cạn. Nếu vì người con gái mình yêu thì phải để cho hạnh phúc mới đúng là tình yêu đích thực. Còn nếu thấy người ta không xứng đáng với mình thì cần gì phải cay cú như vậy. Hãy để tòa án lương tâm xét xử họ. Tự nhiên đi giết người mình yêu để đánh mất cả tương lai của mình. Không biết bây giờ ngồi trong tù, chú ta đã suy nghĩ thông chưa? Thật buồn vì ngày càng có nhiều người vô cảm khi cầm dao để lấy một mạng người”.

Lê Nhật Quang phân tích: “Nếu nói khi người yêu chia tay thì 7 năm mất hết, vậy còn 22 năm kể từ cha mẹ sinh ra, nuôi dưỡng thì sát thủ này để đâu? Đó là mẹ sinh ra, nuôi dưỡng thì sát thủ này để đâu? Đó là sự ích kỷ, vô trách nhiệm đối với cha, mẹ, gia đình. Thứ nữa sát thủ không định nghĩa được hết hai chữ “tình yêu”. Do sát thủ không tư duy vượt qua được định nghĩa của “vật chất”. Sát thủ chỉ biết rằng, cho bao nhiêu thì phải nhận lại bấy nhiêu. Nhưng thực tế lại không phải là một phương trình đơn giản như vậy. Sát thủ này đi tù vì tội giết người thì đúng là đã trở thành nô lệ cho những suy nghĩ hạn hẹp của mình”.

Ths Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (khoa Tâm lý Giáo dục, trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Cần học chia tay đúng cách

Những vụ án kiểu giết người yêu thế này không phải ngày nay mới có. Tuy nhiên, do phương tiện truyền thông phát triển, chúng tôi được đông đảo mọi người biết đến hơn. Tôi không cho rằng hành vi giết người này là một hiện tượng phổ biến mà chỉ là một vài người có hành động tiêu cực. Khi xã hội ngày càng đề cao sở hữu cá nhân thì tâm lý ích kỷ, sở hữu cả trong tình yêu cũng ngày càng trở nên phổ biến.

Ở góc độ diễn biến tâm lý con người, khi tình cảm lớn thì nó là động lực, còn khi thất bại, nó là phản lực.Ông bà có nói: “Yêu nhau lắm cắn nhau đau” là vậy. Việc trả thù người yêu bằng vũ lực không riêng đàn ông mới làm nhưng xảy ra ở giới này nhiều hơn vì họ mạnh mẽ, nóng nảy, dễ phát sinh xu hướng bạo lực. Dẫu vậy, khi gặp những trường hợp chia tay, không phải ai cũng mất kiểm soát như sát thủ Đặng Văn Khuyến. Tính cách do cá nhân rèn luyện. Nếu bạn rèn luyện quen đối diện thất bại thì khống chế được cảm xúc, có thể điềm tĩnh, suy nghĩ thấu đáo. Những thất bại nho nhỏ trong cuộc sống của bạn chính là những “cơn gió ngược” giúp bạn dũng cảm đối phó với những “trận bão lớn” là những thất bại lớn hơn.

Từ câu chuyện này, có thể thấy, giới trẻ không chỉ phải học cách tỏ tình mà còn học cách chia tay đúng cách. Người chủ động chia tay cũng phải nói năng khéo léo để đỡ gây hụt hẫng cho người cũ. Người nhận đề nghị chia tay cũng cần tự đả thông tư tưởng. Đó là, trong cuộc đời ai cũng vài lần gặp biến cố chia tay. Nếu có ý định trả thù, thì ít nhất cũng phải hình dung đến hậu quả và tự phát sinh cơ chế ngăn chặn.

Tôi cũng đã từng nhận được những tâm sự về chuyện các bạn sinh viên chia tay người yêu bị dọa giết. Tôi thường khuyên các bạn nên đối thoại chân thành với người yêu thay vì trốn tránh. Phải thuyết phục người yêu cũ rằng, nếu xách dao chém vào tình cũ cũng chính là chém vào chính cuộc đời mình. Bên cạnh đó, phải huy động những lực lượng xung quanh hỗ trợ như gia đình, bạn bè thân thiết của người đưa ra ý định nông nổi. Lời nói của những người thân sẽ có sức nặng. Cuối cùng, có thể báo với cơ quan công quyền. Tuy nhiên, phải lường trước tính cách người tình cũ. Tốt nhất khi khai báo, phải thỏa thuận trước với cơ quan công quyền trong việc xử lý, tránh gây kích động cho đối tượng. Trong thời gian khai báo, phải cẩn thận đề phòng tối đa để tự bảo vệ mình.

X.Huy (ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quảng Minh (Sinh viên Việt Nam)
Giới trẻ 9X Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN