Khổ vì bồ quá si tình
Thật không may khi bồ lại xem họ là tình yêu đích thực của đời mình.
Bồ cứ say là nhớ, nhớ là gọi
“Em có dám từ bỏ tất cả để đến với anh không?”, Nam, người tình của Thư, đã hỏi chị như vậy khi hai người đã có thể rời nhau ra sau lần ân ái đầu tiên. Họ bị hút vào nhau như nam châm và sắt ngay từ khi mới gặp, và sau 2 tháng cố gắng đấu tranh với bản thân, Thư đành đầu hàng những cảm xúc mãnh liệt của mình. Thế nhưng, trước câu hỏi của người tình, chị vẫn hiểu rõ bản thân muốn điều gì nhất: “Em xin lỗi. Em không thể”.
Nam cũng hiểu, với Thư, gia đình vẫn là thứ quý nhất mà chị không muốn mất, bởi một người chồng tốt, kinh tế vững vàng, bố mẹ chồng phúc hậu, bao dung… là điều mà không phải người phụ nữ nào cũng có được, và biết đâu đó là cơ hội tốt duy nhất trong đời, nếu vứt bỏ đi sẽ không bao giờ có lại. Đó là chưa kể đến sự ràng buộc về con cái. Trong khi đó, dù Thư đang bị xoáy vào mối quan hệ với Nam, anh cũng biết rằng bản thân chị chưa định nghĩa được tình cảm này, càng không chắc nó là lâu dài để có thể làm đối trọng với gia đình ổn định và ấm êm kia.
Vì thế, câu trả lời của Thư tuy làm Nam đau nhưng anh biết là phải chấp nhận. “Anh yêu em quá thể. Ước gì em bị chồng bỏ, để anh có thể cưới em”, nghe người tình thì thầm, Thư vờ coi như câu nói sau là đùa, bật cười, nói nửa đùa nửa thật: “Anh đừng phá em đấy nhé. Em là phụ nữ, bất hạnh nhất là tan vỡ gia đình”.
Lúc ngã vào vòng tay Nam, Thư không thể ngờ anh lại yêu chị đến thế. Chị tưởng cứ liên lạc thường xuyên với nhau, bày tỏ niềm đam mê, nhung nhớ, thỉnh thoảng có điều kiện thì gặp nhau trong nhà nghỉ… là đủ với anh rồi, vừa lãng mạn lại vừa được thỏa mãn những nhu cầu thể xác.
Thậm chí, Thư nghĩ việc chị nói thẳng không muốn mất gia đình, không muốn ràng buộc nhau càng khiến anh nhẹ nhõm, an tâm, còn câu hỏi “có dám bỏ tất cả để đến với nhau không” chẳng qua chỉ là lời nói lúc cảm xúc dâng trào mà thôi. Thế nhưng càng ngày, Thư càng nhận ra, Nam yêu mình thực sự, và cuộc dan díu này khiến anh vừa sung sướng vừa đau khổ.
Nhận ra điều đó, Thư hoảng sợ. Chị muốn chấm dứt, nhưng Nam cứ van xin, níu kéo. Anh bảo tuy rất muốn có chị là bạn đời, nhưng anh biết mình đã nghèo, tính khí lại lất bất lang bang, khó đem lại một cuộc sống ổn định, đủ đầy cho bất kỳ người phụ nữ nào, vì thế chẳng dám làm đảo lộn cuộc sống của chị. “Nhưng nếu không được gặp em, không được ôm em nữa thì anh chết mất”, Nam nói. Thư mủi lòng, vả lại bản thân chị cũng thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn khi gặp anh, thế là cuộc tình cứ tiếp tục suốt thời gian khá dài.
Khổ nỗi, trong trạng thái bình thường thì Nam rất biết thân biết phận, anh bù đắp khoảng trống bằng bạn bè, vì Nam là người có rất nhiều bạn hữu. Thế nhưng nhiều lúc bia rượu với bạn nhiệt tình quá, đêm trở về nhà một mình trong tình trạng say khướt, anh lại thấy đau khổ cùng cực vì nỗi cô đơn và chuyện tình trớ trêu của mình. Thực ra lúc nào anh cũng nhớ Thư, nhưng khi tỉnh táo còn kiềm chế được để không làm phiền cuộc sống riêng của chị, nhưng lúc say thì anh chẳng nghĩ gì đến điều đó, chỉ biết rằng mình đang nhớ cồn cào. Anh cứ bấm điện thoại mà gọi…
Vì thế, nhiều lúc đêm khuya, nghe chuông điện thoại réo vang, Thư hoảng sợ khi nhìn thấy số của người tình. Không nghe máy có thể gây nghi ngờ, chị đành giả vờ “cậu cậu tớ tớ” như với một người bạn bình thường rồi cúp máy, kín đáo tắt luôn điện thoại.
Nhưng đôi khi, tiếng lè nhè, quát mắng của người say vọng ra khá rõ rệt, khiến chồng con của Thư cũng nhìn sang vể thắc mắc, chị đành khuyên nhủ mấy câu như nói với một cậu bạn trai thất tình đang cần chỗ trút bầu tâm sự. Sau khi khuyên anh đi ngủ rồi tắt điện thoại, chị quay sang chồng bịa một câu chuyện về nhân vật mới gọi điện… Vì tin vợ, chồng Thư cũng không thắc mắc gì.
Thư biết, nếu chuyện cứ thế này thì không thể che mắt chồng mãi được (Ảnh minh họa)
Nhưng Thư biết, nếu chuyện cứ thế này thì không thể che mắt chồng mãi được. Chị đã mấy lần đòi chia tay Nam. Nhưng anh bảo, nếu chị triệt bỏ lý do duy nhất giữ anh lại với cuộc đời này, anh sẽ chết. Thư không rõ anh nói thật hay dọa chị. Thư biết, chết chẳng dễ dàng gì, nhưng vẫn sợ. Chị hiểu mình đã gây tội lớn với cả hai người đàn ông, rằng mình sẽ phải dứt khoát với Nam, nhưng vẫn chưa làm được, và luôn sống trong sợ hãi.
Khổ vì được yêu
Khi bắt đầu “cặp” với Loan, cô bạn cùng lớp thời cấp ba, anh Vịnh ngấm ngầm tự hào. Hồi ấy cũng như bây giờ, anh đều không đẹp trai, không giỏi giang, không có nhiều tiền, cũng chẳng hoạt ngôn hay tỏ vẻ hào hoa phong nhã. Tình sử của Vịnh toàn là những lần cưa gái bất thành, bản thân người vợ bây giờ tuy rất bình thường mà anh cũng phải vất vả lắm mới chinh phục được.
Vì vậy, việc gặp lại cô bạn học trong lần họp lớp kỷ niệm 15 năm ngày ra trường, nghe cô ấy thú nhận ngày xưa từng yêu anh mà không dám nói, Vịnh hạnh phúc thấy giá trị của mình thực sự cũng không phải nhỏ.
Sau vài lần hẹn ăn trưa và cà phê tâm sự nữa, Vịnh và Loan thành tình nhân. Loan không thuộc loại có nhan sắc, nhưng thân thể gọn gàng, ăn mặc khá diện do chưa vướng bận chồng con, so với vợ Vịnh ở nhà chắc chắn là “ngon” hơn hẳn. Cô lại còn chiều chuộng, si mê, tôn thờ Vịnh, vì vậy có thể nói Vịnh chưa từng được sung sướng mãn nguyện như thế trong suốt 33 năm cuộc đời.
Và để “đáp lễ”, anh chẳng tiếc gì mà không nói yêu Loan, và than rằng vợ anh chán lắm, khô khan, tầm thường lắm… “Vậy anh bỏ cô ấy, lấy em đi”, Loan nói. Vịnh bảo sao thế được, anh đâu phải người đàn ông bạc bẽo, dù sao cũng còn con cái, mà người ta cũng đã hy sinh tuổi xuân cho anh…
Thấy Loan không tiếp tục đề tài nguy hiểm đó nữa, chỉ tập trung chiều chuộng, “tận hưởng” anh, Vịnh yên tâm. Anh không thể ngờ, người tình đang lên kế hoạch để đấu tranh cho tình yêu của mình.
Loan đã đến gặp vợ Vịnh, nói thật về chuyện với Vịnh và đề nghị cô đừng làm vật cản trở tình yêu đích thực của người khác: “Anh ấy quá tốt, quá đạo đức nên không bỏ cô dù chẳng còn chút tình cảm gì với cô. Anh ấy chấp nhận hy sinh dù tôi mới là người đem lại hạnh phúc cho anh ấy".
"Nhưng tôi không đành lòng nhìn người mình yêu bất hạnh, sống cảnh đồng sàng dị mộng bên một người đàn bà không hề yêu thương, chăm sóc anh, không hề chia sẻ vui buồn với anh, chỉ làm được mỗi một việc là đẻ ra đứa con mà chuyện chăm sóc nó cũng phải đổ hết cho ông bà nội. Cô đã chẳng thiết đến anh ấy thì hãy buông tha cho anh ấy. Tài sản nhường cho cô hết, tôi chỉ cần bản thân anh ấy mà thôi. Con nếu cô không muốn nuôi, tôi sẽ vì anh ấy mà nuôi cháu ăn học tử tế”.
Mấy ngày sau Vịnh đi công tác về, thấy vợ gầy và già xọp hẳn đi. Đêm, khi con đã ngủ, cô đẩy một tờ giấy trước mặt anh: “Nếu quả thật anh thấy sống bên em khổ sở đến vậy thì không cần hy sinh đâu. Em đồng ý trả tự do cho anh”.
Phải mất kha khá thời giờ, Vịnh mới hiểu được đầu cua tai nheo câu chuyện. Anh kinh hoàng. Cũng như phần lớn các ông chồng ăn vụng bị bắt quả tang khác, anh vừa vật nài xin lỗi vừa ra sức thanh minh, rằng chẳng qua anh yếu lòng bị dụ dỗ, tại cô kia yêu anh quá phát cuồng, tìm cách chiếm đoạt anh… vân vân.
Mất bao nhiêu công sức xin xỏ, buộc phải trở thành đối tượng thù hận của Loan vì đoạn tuyệt 100% với cô, cuối cùng Vịnh cũng giữ được vợ, nhưng bị vợ quản chặt không thở nổi. Mỗi lần mấy ông bạn nhắc lại sự cố trên, Vịnh đều chép miệng: “Đúng là được phụ nữ yêu say đắm quá cũng khổ”. Thế nhưng trong thâm tâm, anh biết mình khổ không phải vì được yêu, mà vì cái tính tham lam.