Hội anti-giai
Các cô thành lập Hội anti-giai để tụ tập lê la, ăn quà vặt như mỏ khoét và nói xấu chồng xoen xoét.
Thứ tình yêu (định nghĩa của phái nữ: là hoa hồng, là nến, là chocolate…) chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Thế nên chỉ một thời gian sau hôn nhân là các cô bắt đầu nước mắt ngắn dài, hết “đàn ông là giống gì? Lại đến “sao lấy chồng lại buồn thế này?”.
Không cần đến một chương trình nghiên cứu quy mô hoành tráng, vẫn có thể khẳng định rằng đa phần đàn ông đều là những “đứa con ngoan của gia đình, là niềm tự hào của dòng họ”, ngoại trừ những anh có năng khiếu lưu manh từ trong bụng mẹ. Mà tỉ lệ này chắc chắn chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Thế thì tại sao có đến 8/10 cô có chồng, trên trán lúc nào cũng in dòng chữ “một cuộc hôn nhân bất hạnh”?
Tại-vì-rằng-thì-là-mà các cô bây giờ sướng quá. Lúc ở nhà với bố mẹ, chỉ việc cắm đầu vào học thôi, còn đâu bố mẹ lo hết, bao thầu tất, chẳng phải động tay động chân. Sáng ngủ dậy, chăn màn bố mẹ gấp, quần áo thay ra bố mẹ giặt, đến bữa xuống nhà ăn cơm, xong lại lên lướt web để nâng cao học vấn, hoặc là vùi đầu vào những Bóng đè với cả I’m Đàn Bà để bồi bổ tâm hồn. Mà cũng đến lạ, bố mẹ nào cũng thúc con gái dồn toàn tâm toàn ý cho cái sự học, ngoài học ra chả biết làm cái gì khác, nhưng lại giáo dục con gái khi trưởng thành, chỉ cần kiếm một công việc ổn định, mức lương vừa phải, còn đâu thì cố mà kiếm lấy một anh giai “ngon” để được bao bọc.
Hậu quả là cô nào bước chân về nhà chồng cũng biết lướt web nhoay nhoáy, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, am hiểu tuốt tuồn tuột từ Oscar đến tình trường Hollywood… Nhưng lại không biết nấu một bữa cơm ngon, đơm chiếc cúc áo sút chỉ, không biết đối nội đối ngoại gia đình nhà chồng… Và nhất là phụ thuộc vào osin. Do chat chit và chơi game ở cơ quan quá nhiều nên tối về mệt đờ đẫn, nên quần áo osin giặt, cơm nước osin nấu, con cái osin dạy… Mà cái gì cũng đến tay osin tất yếu sinh ra hội chứng “hiếu thảo osin”. Bố mẹ chồng hay chồng nặng nhẹ một câu thì cãi lem lẻm, nhưng osin chỉ cần ho một cái thì chiều như chiều vong, chỉ sợ nó bỏ về thì lấy ai trông con cho mình ngồi lướt web mỗi tối.
Bình đẳng không có nghĩa là phụ nữ sẽ giống như đàn ông (Ảnh minh họa)
Ấy thế nhưng hở ra một tý là chì chiết, đay nghiến chồng. Sao anh về muộn thế? Sao anh không hôn em âu yếm mỗi sáng? Sao anh không mua hoa và nến cho em? Sao anh không đọc thơ tình như trước? Thậm chí còn lôi ra so sánh “khoai lang” với “khoai tây” rồi kết luận làm “gái tây” mới sướng.
Nói nhiều quá thì đàn ông sẽ cáu. Họ phải làm việc hùng hục cả ngày để kiếm tiền về cung phụng vợ con, về đến nhà cấm có thấy một bữa cơm ngon canh ngọt, một câu âu yếm. Chỉ chăm chăm moi tiền với quản thúc các anh. Động nói thì cãi. Nếu đàn ông mà cũng lắm lời như mấy cô, rồi viết blog kể tội vợ, thì như ngày xưa các cụ bỏ rọ trôi sông nhanh lắm! Nhưng vì là đàn ông, nên họ mặc kệ vợ lèm bèm, chuồn đi bia khuya.
Tức mình, các cô thành lập Hội anti-giai để tụ tập lê la, ăn quà vặt như mỏ khoét và nói xấu chồng xoen xoét. Nói xấu hết chồng mình thì nói sang chồng đứa khác. Khi không còn ông chồng nào để nói xấu thì bắt đầu nói xấu đến bố mẹ ông bà anh chị em họ hàng nội ngoại thân bằng quyến thuộc của chồng. Nói đến khi cappuchino đắng ngắt trong miệng thì càng thấy sao số mình hẩm hiu, đen đủi, vớ phải chồng chẳng ra gì. Rồi hô hào cổ súy đòi bình đẳng giới, xúi nhau về bỏ chồng.
Chết nỗi ly hôn thì dễ. Nhưng chỉ sợ đêm về lại ai oán cái nỗi nằm ngửa lạnh bụng, nằm sấp lạnh lưng. Chưa kể liệu rằng mình có thể lấy được một anh khá khẩm hơn không? Công việc thì nhàng nhàng, thời xuân sắc cũng qua rồi, lại không giỏi nữ công gia cánh và còn đèo bòng thêm đứa con.
Thế là lại không dám bỏ chồng, thế là lại xả stress bằng cách đi nói xấu chồng cho bõ tức. Thế là lại rên rỉ: “Em muốn bình đẳng, em muốn được yêu, được cảm thông, được chia sẻ”.
Bình đẳng không có nghĩa là phụ nữ sẽ giống như đàn ông. Điều đơn giản này, đến bao giờ các cô mới hiểu? Và để đợi cho tới khi hiểu, các cô cứ nói xấu, cứ vật vã, nhưng xin nhớ câu ông bà đã dạy: “Già néo thì đứt dây”!