Hiểu những đặc tính “khó đỡ” của đàn bà
Một người đàn bà đang ốm liệt giường cũng có thể nhỏm dậy vì một chuyện bí mật của nhà hàng xóm mới được tiết lộ.
Cảnh giác thái quá
Người yếu phải đề cao cảnh giác hơn kẻ mạnh, đương nhiên đàn bà cũng vậy. Vì chân yếu tay mềm lại luôn có nguy cơ bị tấn công nên cảnh giá là ý thức thường trực của đàn bà. Sự thân mật quá sớm, sự sán đến hơi vội vã sẽ làm đàn bà sợ hãi và lui vào thế cố thủ.
Sự im lặng của đàn bà đôi khi là sự nhẫn nhịn hoặc phớt lờ (Ảnh minh họa)
Ngay ngày đầu mới quen mà đã tặng quà thì hầu hết họ đều từ chối. Tỏ tình sớm quá cũng sẽ bị từ chối, vì đàn bà biết trong ba tiếng “anh yêu em” từ miệng đàn ông có nhục dục và nàng sẽ không tin vào tình yêu ấy. Ba tiếng “anh yêu em” đàn bà rất thích nhưng phải chờ đến thời điểm khi nàng bật đèn xanh thì đàn ông mới nên nói.
Khi đàn bà im lặng, đàn ông đừng vội nghĩ rằng “im lặng là đồng ý”. Sự im lặng của đàn bà đôi khi là sự nhẫn nhịn hoặc phớt lờ. Họa hoằn lắm mới là sự đồng ý.
Tò mò
Tình bạn của đàn ông được hình thành qua công việc. Còn cộng sự với nhau thì hay gặp nhau chén chú chén anh, thôi cộng sự thì ít gặp và nhạt dần theo năm tháng. Còn đàn bà có thể ngồi “buôn dưa lê” với bạn bè từ sang đến tối vì những chuyện không liên quan đến mình chỉ vì tò mò.
Một người đàn bà đang ốm liệt giường cũng có thể nhỏm dậy vì một chuyện bí mật của nhà hàng xóm mới được tiết lộ. Vì vậy, bạn đừng vội nghi ngờ tình yêu họ dành cho bạn chỉ vì họ mải “buôn chuyện” với bạn bè mà quên cả lời hẹn hò với bạn.
Tính tò mò đôi khi còn gây hại cho chính đàn bà. Nhiều người vợ có thói quen lục lọi máy điện thoại di động của chồng. Người vợ sẽ tìm thấy những gì trong máy của chồng? “Sao không gọi cho em? Quên rồi ư?”. “Trưa gặp nhau nhé, chỗ cũ” và “Em nhớ anh”…
Tính tò mò của phụ nữ đã khiến các bà vợ không thể khoanh tay mà không điều tra chủ nhân của những tin nhắn trên. Cái tin quan trọng nhất “Trưa gặp nhau nhé, chỗ cũ” là của một người đàn ông, bạn làm ăn của chồng. Còn “em nhớ anh” là của một phụ nữ. Tuy nhiên, khi chị vợ gọi vào số máy này thì nhận được lời giải thích: “Tôi mới mua chiếc sim này sáng nay tại đại lý trên phố Hoàng Cầu. Tôi không quen biết gì chồng chị”.
Chuyện chỉ có thế nhưng năm lần bảy lượt chị vợ căn vặn anh chồng. Rồi giận dỗi tuyên bố “cấm vận” dài dài.
Trưa hôm sau, ở cơ quan, anh chồng nghe một cuộc điện thoại: “Anh dùng điện thoại cầm tay nên hết sức cẩn thận. Hôm qua bà xã nhà anh lục vấn em rất ghê mà chúng ta có quen biết gì nhau đâu”. Đó là một giọng nữ rất dịu dàng và ấm áp. Anh chồng nói vài câu cảm ơn và ngỏ ý mời cô gái đi ăn trưa, bất ngờ cô gái nhận lời. Trong bữa cơm, cô gái nói rằng hôm qua bị vợ anh thẩm vấn nên cô rất bực mình và sáng nay cô đã đi mua một chiếc sim mới. Khi anh chồng ngỏ ý xin số điện thoại, cô gái nói: “Đừng ghi số điện thoại của em vào máy của anh kẻo bà vợ dở hơi của anh lại làm khổ em. Anh ghi số của em vào lòng bàn tay ấy rồi tô lại 3 lần là nhớ ngay”. Chỉ vì tính tò mò, người vợ đã đẩy hôn nhân của mình vào tình thế chông chênh.
Muốn mình quan trọng
Đàn bà luôn muốn chứng tỏ cho mọi người thấy mình là người quan trọng, đặc biệt là trong gia đình, với chồng và với các con. Thật là ngốc nghếch nếu ông chồng nói với vợ thế này: “Mấy ngày em đi công tác, bố con anh vẫn ngày ăn ba bữa cơm ngon, canh ngọt và mọi việc vẫn đâu vào đấy cả”. Càng ngốc hơn khi ông chồng hay người yêu nói với vợ về cái tốt, cái đẹp, cái hay của một người đàn bà khác. Trong trường hợp này, người vợ sẽ xa xầm mặt mày hoặc sẽ hỏi với một thái độ rất khó chịu: “Thế sao anh không lấy cô ấy mà lại lấy em?”.