Gửi lời chúc đỗ đạt, chàng công nhân 9X cùng viết 1.000 bức thư pháp tặng sĩ tử

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Gửi thông điệp và lời chúc thành công, đỗ đạt đến các bạn thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Ngô Văn Bình, sinh năm 1992 cùng viết 1.000 bức thư pháp “rồng bay phượng múa” tặng sĩ tử.

"Ông đồ" Ngô Văn Bình

"Ông đồ" Ngô Văn Bình

Giữ gìn nét đẹp truyền thống, tâm thanh tịnh hơn

Bình cùng chung tay với các bạn trẻ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội góp 1.000 bức thư pháp gửi tặng đến thí sinh tại địa phương, cổ động viên tinh thần cho các em thi tốt.

Ngô Văn Bình hiện làm công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Chàng trai quê ở Bắc Giang. Bình cho biết, cậu bắt đầu học viết thư pháp từ đầu năm 2021 và nay đã viết được thành thạo. Những nét thư pháp từ đôi bàn tay tài hoa của chàng công nhân 9X đã để lại ấn tượng đặc biệt cho người được tặng.

Nhắc đến thư pháp, nhiều người thường nghĩ đến ông đồ già, ngồi cho chữ ngày xuân nhưng nay, thư pháp lại được không ít bạn trẻ yêu thích và tự mày mò học hỏi tạo những bức tranh ấn tượng, sống động. Ngô Văn Bình chính là một trong những điển hình như thế.

Sinh năm 1992, là người trẻ trong thời đại 4.0, Ngô Văn Bình tiếp cận với thư pháp truyền thống bằng công nghệ số. Cậu học viết qua mạng online. Thời gian đầu khó khăn nhất đối với một người viết thư pháp là cách cầm bút để viết nên chữ, nên nghĩa. Nếu không có năng khiếu và tính kiên nhẫn thì không thể thành công.

Bình cho biết, khi rèn được một chữ đẹp, viết được một câu thơ hay, cậu lại có thêm động lực, ngày càng yêu thích và gắn bó đến hôm nay.

Bình viết thư pháp tặng các bạn thí sinh và thanh niên tình nguyện

Bình viết thư pháp tặng các bạn thí sinh và thanh niên tình nguyện

Sau khi viết thành thạo, Bình đã “liều” xuất hiện trước đông người để viết tặng các bạn thí sinh. Cậu tham gia cùng lực lượng thanh niên tình nguyện Tiếp sức mùa thi tại trường THPT Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Khi được hỏi tại sao lại thích viết thư pháp, chàng trai 9X bày tỏ: “Điều khiến mình đến với thư pháp là gìn giữ nét đẹp truyền thống. Trong khi viết, tâm mình thanh tịnh hơn. Những chữ mình viết đều là lời hay ý đẹp, điều đó một phần giúp thay đổi con người theo hướng tích cực”.

Gửi thông điệp yêu thương

Những nét chữ cong, tròn uốn lượn thể hiện sự kỳ công của người viết với triết lý nhân sinh, nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Thư pháp Việt được Bình viết với phong phú các chữ như: Đỗ đạt, Thành công, An, Tâm, Đức, Phúc, Tài lộc, Bình an, An khang... Ngoài ra các câu châm ngôn, lời hay ý đẹp… cũng được cậu lựa chọn khi các bạn xin chữ đề nghị.

Các thí sinh hào hứng khi được cho chữ

Các thí sinh hào hứng khi được cho chữ

Bằng sự cố gắng từng ngày, chàng công nhân vừa chăm chỉ làm việc, vừa tự học qua sách vở, trên mạng xã hội và viết thư pháp thành thạo như ngày hôm nay. Trong thư pháp từ cách thức đường nét, kỹ xảo cần hòa quyện để tạo thành một bức tranh đẹp.

Nghệ thuật viết thư pháp khiến người viết thêm đam mê rèn chữ, đồng thời rèn bản thân điềm tĩnh, tác phong chỉn chu, cẩn thận hơn. Từng câu, từng chữ trong thư pháp có đẹp hay không phụ thuộc vào cách đưa bút. Người viết khéo sẽ cho ra các tác phẩm mềm mại như “rồng múa phượng bay”.

Những bức thư pháp "rồng bay phượng múa" của chàng trai trẻ

Những bức thư pháp "rồng bay phượng múa" của chàng trai trẻ

Hoà cùng mùa thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bình hiện thực hoá lời chúc, thông điệp yêu thương gửi đến các sĩ tử qua những trang thư pháp do chính tay mình viết ra. Trong thời đại bùng nổ công nghệ, việc người trẻ tuổi như Ngô Văn Bình tìm về với nét văn hóa đặc sắc là điều rất đáng trân quý.

Đam mê thư pháp, không chỉ khiến cậu và nhiều bạn trẻ mang đến cái nhìn khác về hình ảnh ông đồ già với mực tàu giấy đỏ ngồi cho chữ mà đó là một tâm hồn trẻ, niềm đam mê văn hóa hướng đến chân - thiện - mỹ, thể hiện những giá trị cao đẹp trong cuộc sống.

Nguồn: [Link nguồn]

Đeo khẩu trang chống dịch, nữ sinh tiếp sức mùa thi vẫn gây xôn xao vì quá xinh

Dù đeo khẩu trang chống dịch, cô nàng vẫn gây chú ý vì vẻ ngoài nhỏ nhắn, dễ thương và sự năng nổ trong hoạt động tình nguyện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Dung ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN