"Đừng gắn danh xưng giáo viên cho cô giáo cung Bọ Cạp"
Blogger Ngọc Long cho rằng, mối quan hệ với cô giáo cung Bò Cạp và trò chỉ là trong môi trường trung tâm.
“Cô giáo cung Bọ Cạp” đã trở thành từ khóa được truy cập rất nhiều trong suốt những ngày qua, kể từ khi clip mắng chửi học viên được chia sẻ trên khắp các diễn đàn xã hội.
Cô giáo tự xưng mình thuộc cung Bọ Cạp Lê Na đã nhận phải rất nhiều ý kiến phản đối của dư luận. Hầu hết mọi người đều cho rằng, hành động la hét, xưng mày – tao mắng chửi học sinh của cô giáo là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lệch chuẩn quy tắc ứng xử của một giáo viên.
Cô giáo cung Bọ Cạp bị dư luận "ném đá" trong suốt những ngày qua (ảnh cắt từ clip)
Thậm chí, một số người còn cắt đi phần đầu của clip ghi lại cảnh nam sinh giật tờ giấy từ tay cô giáo và buông lời nói tục, chỉ phát tán đoạn clip cô giáo Lê Na giận dữ, dọa nạt học viên khiến người xem thêm phần phẫn nộ. Cộng đồng mạng còn nở rộ trào lưu chế ảnh, clip liên quan đến những phát ngôn của cô giáo này.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Blogger nổi tiếng về truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long để lắng nghe ý kiến của anh về vấn đề này:
Clip “Cô giáo cung Bọ Cạp chửi học sinh” đang được lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt. Cá nhân anh đánh giá sao về cách ứng xử của cô giáo Lê Na?
Tôi không đánh giá gì hết vì tôi không quan tâm đến cách cư xử của cô Lê Na. Coi clip, tôi chỉ bật ra hai suy nghĩ: một là, sao lại có thứ học sinh mất dạy như vậy và hai là, cô này cá tính gớm nhỉ. Hết rồi.
Trong khi cô Lê Na đang không ngừng bị ném đá thậm tệ thì anh lại cho rằng, cô ấy có lợi. Tại sao lại như vậy?
Càng nhiều người say sưa ném đá thì trung tâm của cô Lê Na càng nổi tiếng, đỡ mất tiền quảng bá. Nếu bây giờ dư luận tiếp tục phê phán rồi cơ quan quản lý buộc phải vào cuộc, làm một “cái gì đấy” thì cũng chỉ dừng lại ở việc phạt lỗi hành chính bình thường. Ngay cả trong trường hợp xấu nhất là phải đóng cửa một số trung tâm vì thiếu giấy phép chẳng hạn, thì tôi tin là cô Lê Na cũng sẽ mở lại được thôi.
Tôi đọc rất nhiều phản hồi trên báo chí, trên mạng xã hội thì thấy, cựu học viên của cô Lê Na đều nói rằng, cô dạy tốt, nhiệt huyết, có tâm và… hơi đồng bóng. Đây cũng không phải lần đầu cô xưng mày - tao, thậm chí cô còn mắng mỏ, quát nạt các bạn rất nhiều nhưng các bạn vẫn thích, vẫn đăng ký học tại trung tâm của cô.
Tức là, học viên của cô không coi chuyện này là cái gì quá ghê gớm. Tất nhiên, bản lĩnh sinh viên vốn yếu, vì áp lực dư luận có thể rơi rớt đi ít nhiều. Nhưng khoảng 3, 4 tháng sau đó, khi mọi việc lắng xuống, tôi tin là các bạn học viên lại ào ào tìm đến trung tâm của cô thôi.
Trong khi cô Lê Na đang bị dư luận "ném đá" thì bolgger Ngọc Long lại cho rằng, trong sự việc này cô là người có lợi
Trên Facebook, anh có nói rằng “Không phải cô Lê Na, chính nam sinh mới là thành phần mất dạy”. Tại sao anh lại có ý kiến đi ngược lại với số đông như vậy?
Ý kiến đó dựa trên suy nghĩ, nhận định và hệ quy chiếu của bản thân tôi chứ tôi không quan tâm số đông nghĩ gì. Ai thích nói sao là việc của họ, tôi đâu cần thiết phải đưa nhận định theo một số đông nào? Mà nếu có như thế thật, hoá ra tôi thành bù nhìn, thành con bò nhai lại? Mà thực sự nếu ý kiến của tôi không có gì khác họ, thì tôi ngồi im ủng hộ là được rồi.
Trong một clip thể hiện quan điểm cá nhân về vấn đề này, anh có nói, không nên áp đặt chuẩn mực “người thầy” vào những người dạy ở trung tâm, các khóa đào tạo ngắn hạn như cô Lê Na, mà nên coi họ là bạn, người buôn chữ… Anh có thể nói sâu thêm về điều này?
Đúng thế, đó là điều khiến tôi suy nghĩ mãi.
Xã hội phát triển từng ngày, từng giờ, từng phút và thực tế cuộc sống bây giờ không còn như ngày xưa nữa. Các quy chuẩn đạo đức theo đó cần điều chỉnh cho phù hợp và “đúng người đúng tội”. Nếu như ngày xưa, thày - trò là mối quan hệ dựa trên sự kính trọng, yêu thương, dạy bảo, tình cảm, lễ nghi... thì mối quan hệ thày - trò ngày nay dựa trên nhiều thứ khác.
Tức là có nhiều kiểu thầy trò! Thày - trò trong môi trường sư phạm, tức là cấp 1, 2, 3 và cao đẳng hay đại học. Thày - trò trong môi trường xã hội. Thày - trò trong môi trường của các trung tâm. Rồi thậm chí, bạn lên mạng và học từ những trang web trực tuyến, video trực tuyến thì có cả “thày - trò ảo” nữa. Như vậy, không thể đồng nhất khái niệm “thày - trò” và đánh đồng nó ngang nhau được.
Bản thân tôi cũng là một người từng đứng lớp trong nhiều khoá đào tạo ngắn hạn. Tôi nghiêm cấm “người học” gọi tôi là ‘thầy” vì tôi thấy như vậy là bất kính với những thầy cô đang dạy học “thực sự” trong trường. Tôi không thể trơ trẽn nhận danh xưng đó được. Tôi thấy, tốt nhất nên gọi những người như tôi, như cô Lê Na bằng một danh xưng khác, đừng kêu là thầy cô nữa.
Thí dụ như ở nước ngoài, họ có “teacher” (giáo viên) và “trainer” (huấn luyện viên). Khi không gọi những người hướng dẫn tại các trung tâm là thầy cô giáo, ngay lập tức dư luận cũng không quàng lên họ những chuẩn mực đạo đức hết sức khắt khe như hiện tại.
Clip: Cô giáo tự xưng cung Bọ Cạp mắng chửi học viên
Theo anh, trong vụ việc này, liệu có phải cư dân mạng chưa thực sự có cái nhìn công tâm nên cô giáo Lê Na đã phải nhận những lời phán xét ác ý?
Thế nào gọi là công tâm bây giờ nhỉ? Chuyện đó cũng vô chừng lắm. Tôi cũng chẳng dám nhận mình công tâm hơn người khác. Thôi thì mỗi người có một góc nhìn và có những nhận xét khác nhau.
Nhưng hành động xỉa xói vào các đặc điểm cá nhân như nốt ruồi của cô Lê Na là hành vi vô văn hoá. Tôi không bao giờ a dua và càng không ủng hộ. Người thông minh và chỉn chu thì họ sẽ cẩn trọng trước khi đưa ra nhận xét. Tức là họ phải thu thập thật nhiều thông tin, sau đó thẩm định tính đúng sai, đặt nó vào hệ quy chiếu riêng của bản thân rồi mới kết luận. Nhưng đòi hỏi điều này ở “cộng đồng mạng” là chuyện nực cười.
Sự việc này một lần nữa cho thấy sự a dua, chửi bới, lăng mạ người khác của những anh hùng bàn phím. Anh nhận định sao về “căn bệnh này” của một bộ phận giới trẻ ngày nay?
Hết thuốc chữa.
Có ý kiến cho rằng, việc cư dân mạng đồng loạt “ném đá”, chửi bới cô giáo cung Bọ Cạp như vậy là lấy cái vô văn hóa, chỉ trích cái vô văn hóa . Anh nghĩ sao về ý kiến này?
Như đã nói, tôi coi cô Lê Na chỉ là một “trainer” chứ không phải “teacher” nên tôi thấy bình thường. Cô này là một giám đốc thiếu lịch sự, thiếu nhã nhặn với khách hàng. Nhưng cô ta có vô văn hoá hay không thì tôi chưa đủ cơ sở để nhận định thêm.
Có những người đưa ý kiến phê phán dựa trên sự thiện chí, phân tích đúng sai, lập luận có lý lẽ thì tôi thấy nên tôn trọng quan điểm của họ. Còn với những người a dua chửi bới, hằn học và ném đá, tôi thấy khinh thường. Và tất nhiên những lời lẽ đó như vậy không đáng để chúng ta bận tâm hay mang ra mổ xẻ thêm.
Xin cảm ơn anh!