Du học sinh đi làm khách: Đừng khiến chủ nhà phải ái ngại

“Băng vệ sinh sau khi thay ra cần phải được gói kín. Việc này tưởng đơn giản nhưng rất nhiều cô gái mắc phải”.

Du học sinh đi làm khách: Đừng khiến chủ nhà phải ái ngại - 1

Dạy con làm một vị khách lịch sự là điều bà mẹ nào cũng nên biết

Nhiều năm sống và làm việc tại Mỹ, chị Thanh Chung không ít lần mở cửa đón các du học sinh Việt đến ở nhờ. Hễ đến kỳ nghỉ hè, vợ chồng chị lại ôm chăn gối ra ghế sofa ngủ, nhường phòng cho các bạn trẻ bị ký túc xá “bỏ rơi”.

Cũng từ đây, bà mẹ trẻ gặp phải nhiều tình huống dở khóc dở cười. Trong nhiều lứa sinh viên đến ở nhờ, có nhiều nữ sinh chưa biết cách “làm khách”. Sự hồn nhiên, vô tư thái quá của họ đôi khi khiến chủ nhà phải bối rối. Chị gọi đó là những viên ngọc thô, chưa được mài dũa.

Dòng tâm sự dài chị Thanh Chung đăng tải ngày 21/3 nhắc nhở các bà mẹ Việt một vấn đề tưởng nhỏ nhưng lại rất cần thiết. Đó là, dạy con làm một vị khách lịch sự.

Du học sinh đi làm khách: Đừng khiến chủ nhà phải ái ngại - 2

Nhiều cô gái đến ngày "đèn đỏ" không chịu dọn dấu vết để lại trong nhà vệ sinh, phòng ngủ (ảnh minh họa)

Chị Thanh Chung cho hay, những “viên ngọc thô” thường không biết rằng, làm khách nhà người khác không giống như thuê phòng khách sạn, lại càng không giống lúc ở nhà mình.

Làm một vị khách lịch sự phải biết nên mặc lịch sự khi bước ra khỏi phòng tắm để không làm cho chủ nhà bối rối; phải cùng chủ nhà đổ rác và tự dọn dẹp sạch sẽ phòng ngủ.

Làm một vị khách lịch sự là phải biết chia sẻ việc bếp núc với gia đình bởi, nấu ăn không phải công việc nặng nhọc nhưng cần thời gian và chủ nhà vốn đã rất mệt mỏi sau một ngày làm việc.

Riêng con gái trong những ngày “khó ở”, phải để ý đến chuyện vệ sinh, kiểm tra kỹ phòng tắm và ga giường mỗi khi sử dụng xong.

Du học sinh đi làm khách: Đừng khiến chủ nhà phải ái ngại - 3

Chủ nhà nào cũng mong được đón những vị khách ý tứ (ảnh minh họa)

Chị nhấn mạnh, nếu phải tiếp đón những vị khách không lịch sự, chủ nhà dù kiên nhẫn và độ lượng đến mấy cũng không thể “rộng cửa” đón khách đến lần hai.

Dòng chia sẻ của chị Thanh Chung được nhiều người ủng hộ. Một số vị chủ nhà “bất đắc dĩ” cũng nhân đây chia sẻ nỗi bức xúc của mình khi phải tiếp đón những vị khách … vô tư quá mức.

Đây không phải lần đầu chị Thanh Chung chia sẻ về việc dạy con gái làm khách. Chị cho hay, những hành động trên tưởng chừng rất nhỏ nhặt, dễ bỏ qua nhưng trên thực tế lại đem đến phiền phức cho người khác. Bởi vậy, việc dạy dỗ con cái trở thành một vị khách lịch sự là rất cần thiết.

Dưới đây là dòng chia sẻ của chị Thanh Chung:

Viết cho các mẹ.

Các mẹ ạ!

Bọn trẻ nhà mình nói chung là ngoan. Chúng biết thưa gửi lễ phép, đi hỏi, về chào. Tới bữa, chúng biết soạn bát đũa, mời cơm những người trong bàn ăn.

Mặc dù, mới sang bên này chưa bao lâu và còn hạn chế về ngôn ngữ nhưng hầu như chúng hòa nhập rất nhanh. Ngoài giờ học chính khóa, nhiều đứa còn tham gia các câu lạc bộ và hoạt động vì cộng đồng.

Mình từng có dịp nói chuyện với một vài thầy cô ở những trường có nhiều du sinh Việt Nam, nhìn chung, cảm nhận của các thầy cô về các con rất tích cực.

Tuy nhiên... Vâng! Lại tuy nhiên. Bọn trẻ giống như ngọc thô, cần phải mài dũa nhiều mới tỏa sáng. Các con không biết, đi làm khách ở nhà người khác không giống như thuê phòng khách sạn, lại càng không giống như lúc ở nhà mình.

Ở khách sạn, người ta có thể vô tư quấn khăn từ nhà tắm bước ra, có thể mặc áo hai dây, quần sooc trễ rốn, thậm chí chả cần mặc gì. Nhưng khi làm khách, trang phục ở nhà cần đủ mức lịch sự tối thiểu để không làm cho chủ nhà bối rối.

Ở khách sạn, hàng ngày sẽ có người dọn phòng, đổ rác, quần áo thay ra nếu muốn cũng sẽ được giặt là thơm tho. Đi làm khách có nghĩa là phải tham gia cùng chủ nhà từ khâu phân loại rác đến khâu vứt rác.

Dù được bố trí hẳn một phòng riêng, khách cũng cần xem ý chủ nhà để không bừa bãi chăn màn, vỏ chai, đồ hộp ngổn ngang trên bàn, dưới sàn, thậm chí cả dưới gầm giường.

Ở khách sạn, khách có thể yêu cầu phục vụ bữa ăn tại giường. Sau khi ăn xong, chỉ cần nhấc điện thoại là sẽ có nhân viên khách sạn lên dọn chén đĩa.

Làm khách ở nhà người quen thì không được thế. Nấu ăn không phải việc nặng nhọc, nhưng lại mất thời gian, nhất là khi mọi người đều mệt mỏi sau một ngày làm việc. Chia sẻ việc bếp núc với gia chủ cũng làm cho mọi người xích lại gần nhau.

Con gái đến kỳ kinh, cần hết sức lưu ý để không làm bẩn ra ga, đệm. Sau khi sử dụng xong nhà vệ sinh, cần kiểm tra kỹ để bồn cầu, bệ ngồi và sàn nhà tắm không bị dây bẩn. Băng vệ sinh sau khi thay ra cần phải được gói kín. Những việc này tưởng như đơn giản nhưng rất nhiều cô gái mắc phải.

Các mẹ ạ!

Các mẹ hay nhờ bác Chung rèn hộ các con nhưng dù có kiên nhẫn đến đâu thì bác Chung cũng không thể ngày nào cũng gọi các con vào bếp nếu các con không tự giác.

Dù có "mát tính" đến đâu, bác Chung cũng không thể ngày nào cũng vào kiểm tra và nhắc nhở mỗi khi các con từ nhà tắm bước ra. Dù độ lượng đến đâu, bác Chung cũng không thể vui vẻ khi các con thản nhiên chơi, thản nhiên ngủ, để bác Tuấn Anh vào bếp một mình khi bác Chung đi làm về muộn.

Ức chế lắm các mẹ ạ! Nếu các mẹ không tự "mài ngọc" nhà mình thì có lẽ, bác Chung và bác Tuấn Anh sẽ không thể tiếp tục làm chủ nhà mỗi dịp các con phải ra khỏi ký túc xá.

Và điều này, bác Chung nói với các con: Có thể các con sẽ nhận ra mình ở đâu đó trong bài viết này, có thể các con sẽ tự ái và không bao giờ quay lại đây nữa. Nhưng dù đến nhà ai (không phải ở nhà mình hay khách sạn), các con hãy tự rút ra cho mình bài học để trở thành "khách quý" cho các gia đình tiếp theo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN