Điều tối kỵ bạn cần tránh khi nói chuyện với sếp

Nếu bạn “lỡ” lời trong khi nói chuyện với sếp, bạn sẽ không chỉ mất điểm mà còn đánh mất cơ hội thăng tiến.

Khi bạn đã có được công việc, thì việc biết nên nói gì và tránh nói gì cũng quan trọng không kém, nhất là khi bạn nói chuyện với sếp.

Chuyên gia tâm lý Megan chia sẻ: “Suy nghĩ thật kỹ trước khi giao tiếp với sếp là điều cần thiết. Nhưng theo tôi, dù bạn có nói gì thì cũng cần tránh những cụm từ dưới đây, vì tôi biết chắc chắn sếp của bạn không bao giờ muốn nghe”.

Tôi sẽ bỏ việc, tôi sẽ lập công ty riêng

Đó có thể là ước mơ của bạn, bạn khao khát để biến nó thành hiện thực. Tuy nhiên không cần thiết phải hét to cho cả thế giới biết rằng bạn cũng sắp làm sếp trong khi có thể đó mới chỉ là kế hoạch trong tương lai.

Khi bạn có ý định lập công ty riêng, hãy cứ âm thầm từng bước thực hiện hoặc chia sẻ với những người thân. “Bạn biết không nếu ông chủ của bạn biết rằng một ngày nào đó bạn sẽ ra đi, bạn sẽ có một công ty riêng, thì thà “đá” bạn ngay bây giờ còn hơn là để đến sau này phải vất vả tìm người thay thế”, Megan nói.

Điều tối kỵ bạn cần tránh khi nói chuyện với sếp - 1

Không phải chuyện gì bạn cũng có thể nói thẳng với sếp (Ảnh minh họa)

Sếp cũ của bạn là người giỏi hơn

Với bạn, sếp cũ là người sếp tốt nhất bạn từng có. Nhưng dù người đó là ai, tài giỏi ra sao, bạn cũng không nên chia sẻ với sếp hiện tại. Làm như vậy sẽ tổn thương lòng tự trọng của sếp.

Thậm chí chỉ cần bạn đùa cợt rằng sếp cũ đẹp trai/ xinh đẹp hơn cũng sẽ ngay lập tức phá hỏng mối quan hệ giữa bạn với sếp và có thể dẫn tới hậu quả xấu trong tương lai.

“Tôi chán công việc của mình”

Có thể bạn chán việc, nhưng đừng bao giờ nói với ai ở công ty, nhất là sếp. Một cách tốt hơn là nhận diện những thách thức mà bạn muốn giải quyết rồi đề nghị với sếp cho bạn nhận thêm nhiệm vụ đó, hoặc chuyển nhiệm vụ khác.

Không ai muốn biết là bạn có chán việc hay không, vì thế, hãy giữ điều đó cho riêng mình. Hoặc nếu không, bạn sẽ lại rơi vào cảnh phải đi tìm một công việc khác.

Tôi làm công việc này chỉ vì tiền

Ông chủ của bạn sẽ không bao giờ muốn nghe rằng động lực duy nhất để bạn làm việc, để bạn bám trụ chính là tiền lương dẫu cho đó là mục đích chính. Sếp sẽ biết điều đó nhưng tốt hơn hết là đừng nói ra.

Hãy khôn khéo và thông mình tránh biến mình thành người thực dụng trong mắt sếp.

Bạn là người chơi hết mình

Nhiều nhân viên muốn đồng nghiệp coi mình là người cởi mở và có cuộc sống ngoài công việc tuyệt vời. Thế nhưng, khoe khoang về việc tiệc tùng, “nhậu nhẹt” hăng say vào cuối tuần hay tối hôm trước sẽ chỉ khiến bạn bị coi là người thiếu trách nhiệm, không nghiêm túc.

Dù vẫn biết chơi ra chơi, làm ra làm nhưng mọi người sẽ định kiến rằng hoạt động ngoài công sở sẽ ít nhiều phản ánh tính cách, con người bạn, rằng bạn cũng chỉ coi công việc như một cuộc vui.

Nếu sếp là người khơi mào trước về việc tiệc tùng của anh/cô ấy thì sao? Kể cả trong tình huống đó, bạn cũng nên tránh kể cho sếp nghe về những cuộc ăn chơi của mình. Bạn không thể lường trước được những gì có thể xảy ra tại công ty trong tương lai, vì thế duy trì sự chuyên nghiệp và danh tiếng luôn luôn là sự lựa chọn tốt nhất.

“Đã đến lúc nghỉ chưa?”

Không nên để lại ấn tượng rằng, bạn cảm thấy lẽ ra đang ở một nơi khác rồi chứ không phải là còn ở lại cơ quan. Cho dù công việc của bạn không thú vị, thì khi đang làm việc, hãy tập trung vào công việc và đừng để người khác nhìn thấy bạn lúc nào cũng “dáo dác” nhìn đồng hồ. Nếu làm vậy, bạn sẽ rất dễ lâm cảnh thất nghiệp.

Đó không phải lỗi của tôi

“Nếu bạn rơi vào tình trạng bị đổ lỗi, bạn tức giận và nói với sếp rằng đó không phải lỗi của bạn. Bạn đã hớ. Khi bạn nói như vậy, sếp sẽ cho rằng bạn vô trách nhiệm và thiếu chuyên nghiệp trong công việc. Lời nói chẳng mất tiền mua vì vậy thay vì phản bác gay gắt hãy khôn khéo lái sang một câu nói khác chẳng hạn làm thế nào để nó hiệu quả hơn? Hay bây giờ phải sẽ xử lý ra sao đây?”, Megan khuyên.

Bạn không thích một đồng nghiệp

Kể cả sếp là người hòa đồng, dễ tính, thậm chí dễ dãi đến đâu, anh/cô ấy vẫn là cấp trên của bạn và có một ranh giới nhất định cho mối quan hệ này. Hơn nữa, sếp không chỉ quản lý và trợ giúp bạn mà cả những đồng nghiệp khác nữa. Vì thế, bạn không nên phức tạp hóa các mối quan hệ công sở bằng cách phàn nàn, kể xấu đồng nghiệp với sếp.

Cần phải làm như thế này...

Sếp đủ thông minh, đủ bản lĩnh để có thể quyết định mọi việc không cùng sự can thiệp của bạn. Cũng theo Megan: “Đừng bao giờ “lanh chanh” góp ý, đi quá phạm vi và xen quá sâu vào công việc, quyết định của sếp. Sếp sẽ cho rằng bạn có ý định “chiếm ngôi”, sếp sẽ đề phòng và “đá” bạn ra sớm lúc nào sếp sẽ yên tâm lúc đó. Dù là vô tình hay cố ý thì việc bạn hành xử như vậy cũng là khó chấp nhận”.

“Sếp đã bao giờ nghe chuyện…”

Đừng nói chuyện tếu với sếp, những câu chuyện đùa của bạn sẽ chẳng gây cười đâu. Có thể bạn bè của bạn nghĩ bạn là một “nghệ sỹ tấu tài” không chuyên, nhưng đừng nói những câu chuyện đùa với sếp.

Khiếu hài hước là khía cạnh rất cá nhân, và rất có khả năng câu chuyện đùa của bạn có thể xúc phạm sếp, hoặc chí ít là khiến sếp cảm thấy không dễ chịu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lily ([Tên nguồn])
Ăn mặc và giao tiếp chốn công sở Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN