Dân mạng tranh cãi về nghịch cảnh ngày băng tuyết

Liệu niềm mong ước được ngắm tuyết có thể hiện sự vô cảm và ích kỷ của giới trẻ Việt như một số người đã và đang phán xét?

Hai hình ảnh, hai trạng thái cảm xúc đối nghịch giữa một bên là các bạn trẻ reo hò, sung sướng khi được ngắm tuyết, một bên là các em nhỏ vùng cao co ro, tím tái trước cái lạnh “cắt da cắt thịt” dưới 0 độ C là điều gây tranh cãi nhiều nhất trong giới trẻ những ngày gần đây.

Nghịch cảnh ngày băng tuyết: Kẻ reo hò, người khóc thét

Thông tin miền Bắc đón đợt rét kỷ lục, băng tuyết xuất hiện tại nhiều nơi ở vùng cao như: Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)… trong những ngày gần đây khiến người dân cả nước xôn xao. Nhân cơ hội này, các bạn trẻ trên khắp cả nước háo hức sắp xếp kế hoạch, “xách ba lô” lên vùng cao đón tuyết để thỏa mãn trí tò mò về hiện tượng tự nhiên hiếm thấy ở Việt Nam.

Dân mạng tranh cãi về nghịch cảnh ngày băng tuyết - 1

Giới trẻ đổ xô lên vùng cao đón tuyết

Chính bởi vậy, trong hai ngày diễn ra đợt rét kỷ lục, Facebook cùng các trang mạng xã hội khác ngập tràn hình ảnh khách du lịch nô đùa, reo hò, tạo dáng cùng băng, tuyết. Được trực tiếp ngắm tuyết rơi, cầm, nắm, thậm chí tạo hình người tuyết… giống như trong các bộ phim Hàn Quốc lãng mạn từng xem, nhiều bạn trẻ tỏ ra sung sướng và mãn nguyện.

Bên cạnh đó, không ít hình ảnh về những đứa trẻ vùng cao chỉ mặc manh áo mỏng, co ro giữa cái lạnh tím tái, cắt da cắt thịt cùng sự hoang mang, lo lắng của người dân vùng tuyết rơi khi nhìn con trâu “là đầu cơ nghiệp” lăn ra chết vì lạnh được đăng tải khiến nhiều người xót xa, thương cảm.

Hai hình ảnh, hai trạng thái cảm xúc đối nghịch đó đã tạo nên những luồng ý kiến trái chiều gây xôn xao cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng, niềm háo hức, sung sướng cùng cảm giác mãn nguyện của các bạn trẻ khi được ngắm tuyết rơi thể hiện sự vô cảm và ích kỷ, không thấy được nỗi khổ của người dân vùng cao giữa sự khắc nghiệt của thời tiết.

Dân mạng tranh cãi về nghịch cảnh ngày băng tuyết - 2

Những hình ảnh đối lập tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng

Một tài khoản Facebook có tên Nông Đức Giỏi mới đây vừa đăng tải suy nghĩ của mình về vấn đề này thu hút sự chú ý của cộng đồng  mạng. Facebooker này tỏ ra khá bức xúc khi thấy các bạn trẻ đổ xô lên vùng cao ngắm tuyết cùng sự háo hức, vui mừng, trong khi trẻ em nơi đây đang gồng mình chống chọi với cái lạnh. Nick name Nông Đức Giỏi cho rằng, niềm vui của các bạn trẻ cho thấy, tình người đã rơi theo những bông tuyết lạnh giá.

Dân mạng tranh cãi về nghịch cảnh ngày băng tuyết - 3

Chia sẻ của Facebooker Nông Đức Giỏi

Đây không phải là lần đầu tiên, cộng đồng mạng Việt xôn xao về cảnh tượng đối nghịch này. Cách đây 2 năm, vào thời điểm miền Bắc hứng chịu đợt rét lớn, tuyết xuất hiện tại vùng cao, bài viết của một bạn trẻ với tựa đề: “Mẹ chú ý đàn bò, người ta còn cầu tuyết rơi nữa đấy” cũng “gây sóng” trong cộng đồng mạng. Vẫn là nỗi bức xúc về cảnh tượng “kẻ khóc – người cười” trong những ngày băng tuyết, vẫn là sự nghi hoặc về đạo đức của những bạn trẻ cầu nguyện tuyết rơi để có cơ hội ngắm nhìn hiện tượng thiên nhiên hiếm có.

Không chụp ảnh liệu tuyết có ngừng rơi?

Dẫu biết, quan điểm trên xuất phát từ lòng thương cảm với nỗi khó khăn của người dân vùng cao hứng chịu sự khắc nghiệt của thời tiết. Tuy nhiên, liệu có phải, họ quá khắt khe và phiến diện khi cho rằng niềm ao ước được ngắm tuyết rơi và sự sung sướng, mãn nguyện khi điều ước đó trở thành hiện thực của các bạn trẻ là vô cảm và ích kỷ.

Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1988, Hà Nội), người vừa có mặt tại huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) trong những ngày tuyết rơi vừa qua cho rằng, việc khách du lịch mong háo hức ngắm tuyết và người dân vùng cao gặp khó khăn khi tuyết rơi hoàn toàn không liên quan đến nhau.

Dân mạng tranh cãi về nghịch cảnh ngày băng tuyết - 4

Anh Nguyễn Văn Dũng tại Vân Hồ (Sơn La)

Anh chia sẻ: “Ở đời, ai chẳng ham của lạ, mong muốn được ngắm tuyết rơi, thứ hiếm có ở Việt Nam không có gì sai trái. Hơn nữa, đâu phải cứ mong là được. Băng tuyết là hiện tượng tự nhiên, người thích cứ thích, người sợ vẫn cứ sợ và cái sở thích và nỗi sợ hãi đó không quyết định đến việc có hay không có tuyết. Và khi đem hai hình ảnh này ra so sánh với nhau rồi phán xét khập khiễng và phiến diện lắm”.

Cùng quan điểm đó, Thanh Huệ (Hải Dương) cô gái vừa “rinh” về những bức ảnh lung linh với tuyết ở Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ: "Đành rằng, băng tuyết sẽ khiến người dân vùng cao khó khăn, khổ sở hơn nhưng dù chúng mình không lên đó, không reo hò, vui cười, chụp ảnh thì tuyết vẫn cứ rơi. Sự có mặt của khách du lịch không ảnh hưởng gì đến hiện tượng tự nhiên và đời sống của người dân hết. Mình thì không cầu cho tuyết rơi nhưng nghĩ, ngay cả những bạn trẻ mong ước tuyết rơi để đi ngắm cũng chẳng có gì là sai bởi họ cầu thế thôi chứ biết chắc, có cầu cũng chẳng được”.

Dân mạng tranh cãi về nghịch cảnh ngày băng tuyết - 5

Thanh Huệ vừa mới đến Sa Pa để được tận mắt chứng kiến cảnh tuyết rơi.

Thanh Huệ cho rằng, phán xét người trẻ vô cảm, ích kỷ khi reo hò, sung sướng chơi đùa, tạo hình cùng tuyết là phiến diện bởi, đó là sở thích, mong muốn cá nhân và mong muốn đó không ảnh hưởng đến đời sống người dân, càng không thể tác động, làm thay đổi hiện tượng thiên nhiên. Hơn nữa, sự có mặt của những người trẻ còn góp phần giúp người dân vùng cao chống chọi với băng tuyết thông qua các hoạt động từ thiện.

Vừa rồi, mình thấy nhiều đội tình nguyện kêu gọi quyên góp, ủng hộ quần áo ấm, chuyển lên vùng cao giúp người dân vượt qua cái lạnh, bản thân mình cũng tham gia. Điều đó thể hiện tấm lòng thiện nguyện của các bạn trẻ Việt nên nhìn vào những hoạt động tích cực đó chứ đừng vội phán xét họ là vô cảm rồi không có tình người”, Huệ cho hay.

Nguyễn Sáng (sinh năm 1990, TP.HCM) cũng có cái nhìn tích cực về vấn đề này. Sáng cho rằng, niềm háo hức đón tuyết của khách du lịch không chỉ không ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn góp phần giúp đỡ họ vượt qua những khó khăn băng tuyết mang đến.

Dân mạng tranh cãi về nghịch cảnh ngày băng tuyết - 6

Bạn Nguyễn Sáng đón tuyết tại Sa Pa (Lào Cai)

Ở Sapa những ngày giá rét này mới thấy hết được khó khăn của người dân vùng cao. Người lớn thẫn thờ vì gia súc chết, hoa màu tan nát, mình vừa thấy họ chở 3 con nghé chết qua đây xong. Trẻ em thì thiếu thốn quần áo vì trời mưa mãi, quần áo ít, giặt chẳng kịp khô mà mặc. Nhưng đó là cái thiếu may mắn của họ, thời tiết khắc nghiệt, có ai thay đổi được đâu", Sáng cho hay.

Nguyễn Sáng cho biết thêm, trong bốn ngày ở Sa Pa, anh thấy nhiều nhóm tình nguyện lên đây ủng hộ quần áo, chăn ấm và mua nông sản của người dân về làm quà. Bản thân anh cũng tham gia nấu bánh chưng tặng người dân vùng cao cùng một nhóm từ thiện. Bên cạnh đó, anh cũng được chứng kiến nhiều cảnh tượng trẻ em nơi đây nô đùa cùng tuyết, gương mặt thể hiện sự bỡ ngỡ, háo hức và vui sướng.

"Ở đâu cũng có cảnh nọ cảnh kia. Ở đây, mình cũng thấy trẻ em háo hức đón tuyết, chơi đùa với tuyết vui lắm. Đâu phải đứa trẻ nào cũng thiếu áo, thiếu quần, tím tái vì lạnh đâu”, Nguyễn Sáng chia sẻ.

Dân mạng tranh cãi về nghịch cảnh ngày băng tuyết - 7

Trẻ em vùng cao chơi đùa với tuyết

Dân mạng tranh cãi về nghịch cảnh ngày băng tuyết - 8

Với trẻ nơi đây, tuyết cũng rất lạ lẫm và thú vị

Dân mạng tranh cãi về nghịch cảnh ngày băng tuyết - 9

Cùng nhau sưởi ấm, chống chọi với cái lạnh tê tái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN