Cụ bà "sức cùng lực kiệt" chăm bầy chó mèo hoang

Gần 90 tuổi, bà Lê Thị Quý sống neo đơn trong căn nhà xập xệ trong con hẻm nhỏ trung tâm Sài thành.. Ở cái tuổi xế chiều, "sức cùng lực kiệt", cụ bà vẫn đều đặn chăm sóc lũ chó mèo hoang.

Lẽ bóng cuộc đời

Phóng viên tìm đến nhà bà Lê Thị Quý (90 tuổi, ngụ số 91, đường Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) dưới cái nắng gay gắt của những ngày cuối tháng ba. Căn nhà cụ bà đang sống trông xập xệ, tồi tàn nằm sâu hút trong con hẻm trên con đường trung tâm Sài thành, đông đúc người ngược xuôi.

Cụ bà "sức cùng lực kiệt" chăm bầy chó mèo hoang - 1

Bà Quý đang bón từng thìa sữa cho những chú mèo bị bỏ rơi.

Bà Quý sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Năm 17 tuổi bà lấy chồng rồi theo chồng vào Nam lập nghiệp. Cuộc sống tưởng chừng như viên mãn khi bà chào đón cô con gái đầu lòng ra đời nhưng cũng là lúc chuyện tình cảm vợ chồng bà rạn nứt. Ông chồng phụ bạc vợ bỏ đi. Còn cô con gái cũng bị gia đình chồng gây áp lực mang về nuôi và đưa sang Mỹ định cư.

Với bà, cuộc đời đi vào ngõ cụt. Bà lang thang khắp nơi sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Bà làm đủ nghề để mưu sinh, kiếm ăn qua ngày dành dụm ít tiền mua được căn nhà che nắng, che mưa. Để rồi bà có duyên với “đàn con” sau này của mình.

Hơn 60 năm làm “mẹ” của chó mèo hoang

Trong căn nhà nhỏ nồng mùi, ngổn ngang giấy báo, chai lọ xung quanh toàn là chó, mèo ở trên gác và dưới đất. Chúng thay phiên nhau kêu réo. Có con lại nhảy thót lên mình bà để được vuốt ve, âu yếm. Cả đời bà đi nhặt những con chó, mèo mồ côi, bệnh tật bị người ta bỏ rơi đem về nuôi dưỡng. Thương nhất là những con mèo còn đỏ hỏn, chưa mở mắt lại bị vứt ngoài đường. Nhiều con chưa ăn được bà phải mua sữa tươi về cho uống, con nào bệnh thì đưa đi bác sĩ chữa trị.

Cụ bà "sức cùng lực kiệt" chăm bầy chó mèo hoang - 2

Cụ bà "sức cùng lực kiệt" chăm bầy chó mèo hoang - 3

Những con mèo bất hạnh bị chủ bỏ rơi ven đường được vụ bà nhặt mang về nuôi dưỡng

Bà lặng lẽ làm những công việc mà người khác cho là “quái gở” nhưng với bà đó lại là niềm vui, là sự chia sẻ đồng cảm giữa con người với loài vật. “Cảnh đời không có mẹ thương tâm lắm con à, tụi nó bị bỏ rơi không người nuôi nấng thấy thế dì bỏ sao đành. Mình làm ơn làm phước cưu mang chúng, cho chúng cuộc sống như cứu vớt những mảnh đời bất hạnh. Mình là người may mắn mình nói được, còn chúng có uất ức gì chỉ biết kêu la thảm thiết”, bà Quý bộc bạch.

Mỗi con chó hay mèo bà đều nhớ rõ từng hoàn cảnh của chúng, con lớn nhất cũng gần 25 tuổi rồi tất cả một tay bà chăm sóc. Công việc với “đàn con” bận bịu tới mức bà ít có thời gian nghỉ ngơi. Bà có suy nghĩ nếu bà ngơi tay thì “đàn con” của bà sẽ chết đói. Cứ thế, công việc hằng ngày diễn ra theo một chuỗi tuần hoàn và cứ như thế cụ bà giờ đây đã 90 tuổi “sức cùng lực kiệt” vẫn còng lưng vất vả sớm hôm.

Cụ bà "sức cùng lực kiệt" chăm bầy chó mèo hoang - 4

Cụ bà "sức cùng lực kiệt" chăm bầy chó mèo hoang - 5

Cuộc sống thiếu thốn, cơ cực nhưng chưa một lời than vãn. Với bà niềm vui lớn nhất hiện giờ là nhìn “đàn con” thân yêu của mình khỏe mạnh lớn lên từng ngày

Bà Quý chia sẻ thêm, hàng ngày bà phải thức dậy vào lúc 5 giờ sáng, làm vệ sinh và lo bữa ăn cho chúng xong cũng đã quá trưa. Sau đó bà lại tất bật ra chợ Đa Kao, tranh thủ ăn ngoài đó rồi xin những phần thức ăn, xương, đầu tôm thừa của các hàng quán, bà con tiểu thương ở chợ về cho chúng.

“Nay sức khỏe dì không được như xưa, mắt mờ chân yếu đi đứng lại khó khăn, thêm bệnh tim nên dì không thể bán kiếm sống ngoài chợ nữa, dì chỉ chú tâm vào lo cho tụi nó”, bà Quý với giọng buồn trầm nói với chúng tôi.

Mỗi lần ra chợ có những đoạn dốc, chân bà đuối sức, hơi thở đứt quãng, bà phải dừng chân bên vỉa hè nghỉ mệt. Cả đời bà chỉ biết lo cho chó mèo, chưa một lần bà nghĩ đến bản thân mình. Để rồi đến cái tuổi xế chiều vẫn cô đơn, hiu quạnh một mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Lệ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN