Có nên chi tiền "khủng" để đặt tên con?

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Nhiều bậc cha mẹ tốn hàng đống tiền của, đổ xô đi học các lớp đặt tên con sao cho hợp phong thủy, liệu có đáng?

Khổng Tử nói: "Danh bất chính, ngôn bất thuận". Điều đó cho thấy, cái tên không chỉ để phân biệt, mà còn hàm chứa rất nhiều ý nghĩa sâu xa.

Tuy nhiên, việc các bậc cha mẹ tốn hàng đống tiền của, đổ xô đi học các lớp đặt tên con sao cho hợp phong thủy, liệu có đáng?

Chi tiền "khủng" để học đặt tên con?!

Thực tế, đối với mỗi con người, họ tên không chỉ là dấu hiệu để phân biệt, nhận biết người này với người kia, mà kỳ thực đằng sau nó còn hàm chứa một ngụ ý rất sâu xa, thể hiện một giá trị văn hóa, một lý tưởng, một hoài bão lớn lao mà cha mẹ gửi gắm vào.

Ở Việt Nam, thời hạn đặt tên cho con - tính từ ngày sinh - thay đổi theo từng vùng. Người Kinh, theo phong tục xưa thì không đặt tên ngay khi đứa trẻ mới chào đời mà chỉ gọi nôm na như thằng cu, cái đĩ, thằng Tèo, cái Tộp,... hoặc một cái tên gì đó xấu xí trong vòng 100 ngày để ma quỷ khỏi bắt nó đi. Ở Huế, đúng 100 ngày sau cha mẹ mới làm lễ tạ ơn "mười hai bà mụ" cho đứa trẻ và bấy giờ mới đặt tên chính thức.

Tại một số địa phương khác, trong dịp lễ tổ, các gia đình có con cháu mới sinh sắm sửa cơi trầu, chai rượu, hương hoa, lễ vật đến nhà thờ họ yết cáo tiên tổ và vào sổ họ cho các con, ngày đó mới có tên chính thức, được họ hàng công nhận. Trong khi vào sổ họ phải đối chiếu gia phả để xem có trùng tên các vị tiên tổ hoặc ông bà chú bác trong nội thân hay không. Nếu có tức là phạm húy thì phải đổi tên. Ở nông thôn, các vị có uy vọng trong làng, trong họ, thường được dân chúng biếu trầu rượu và nhờ đặt tên cho con. Người đặt tên được gia đình đó nhớ ơn suốt đời.

Ngày nay, theo nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ Việt Nam về đăng ký và quản lý hộ tịch, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con; cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha mẹ không thể đi khai sinh thì ông bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ, sau 60 ngày sẻ bị phạt.

Có nên chi tiền "khủng" để đặt tên con? - 1

Nhiều bậc cha mẹ chấp nhận chi tiền "khủng" để đặt tên con hợp phong thủy (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, việc đặt tên con cho hợp phong thủy ngày càng được chú trọng. Các bậc cha mẹ cho rằng, với một cái tên hợp phong thủy, không chỉ giúp đứa trẻ khỏe mạnh, xinh đẹp, thậm chí còn giúp con thành công và thay đổi cả vận mệnh?

Chị Lê Thu Trang (Cổ Nhuế- Hà Nội) cho biết: Chị sinh con trai đầu lòng vào năm ngoái. Vì gia đình làm công việc kinh doanh nên ngay sau khi biết giới tính đứa trẻ, vợ chồng chị đã phải đắn đo suy tính mãi để đặt tên con sao cho hợp phong thủy. Về sau, hai vợ chồng không thể tự mình đặt tên được và đã phải nhờ "thầy" giúp đỡ với một số tiền cũng không nhỏ.

"Nếu nhờ thầy tư vấn qua mail hay điện thoại, chỉ mất khoảng 4 - 500.000 nghìn đồng. Nhưng vợ chồng tôi tính cẩn thận và "ăn chắc", chúng tôi đến tận nơi để thầy nhìn trực tiếp hình dáng của con cũng như cung cấp giờ giấc thật chính xác. Sau khi thầy nghiên cứu, đặt được cái tên phù hợp, chúng tôi gửi thầy 1 triệu đồng", chị Trang nói.

Nắm bắt được tâm lý của các bậc phụ huynh, bên cạnh việc tìm thầy để đặt tên, rất nhiều các lớp học phong thủy hướng dẫn đặt tên cho con được mở ra, thu hút rất đông phụ huynh đến đăng ký học.

Theo khảo sát của phóng viên, tại trung tâm phong thủy V., một khóa học trực tiếp đặt tên con theo phong thủy gồm có 4 buổi, mỗi buổi 90 phút với tổng số tiền lên đến 3.500.000 nghìn đồng. Nếu học gián tiếp qua mạng internet, sẽ học theo hình thức online, thông qua 4 clip, mỗi clip dài khoảng 45-60 phút.

Trung tâm này cũng quảng cáo: "Tất cả đều có chuyên gia giảng dạy trực tiếp, chậm rãi, rõ ràng, nêu vấn đề khoa học và có tổ chức, dễ dàng tiếp thu, kể cả học viên chưa biết gì. Sau khi học xong, học viên có thể liên hệ qua email, điện thoại để hỏi về những vấn đề chưa hiểu cho đến khi hoàn toàn thông suốt".

Cái tên không quyết định số vận của con người

Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, một cái tên hay, hợp với bản thân cũng ngầm dẫn dắt chúng ta đến công danh sự nghiệp. Khi giao tiếp ngoài xã hội chúng ta sẽ không cảm thấy tự ti, mặc cảm. Ngược lại, một cái tên không đẹp cũng có thể đưa chúng ta lâm vào cảnh ngại ngùng, xấu hổ, thậm chí là lười biếng, mất nghị lực và lòng tin. Do đó, khi đặt tên, tuyệt đối không được qua loa, đại khái, tùy tiện, đơn giản vì cái tên, phần nào đó sẽ phản ánh và có tác động đến cuộc đời một con người.

Chuyên gia Phạm Cương cũng khẳng định: Nếu cái tên đó không phù hợp thì hoàn toàn có thể thay đổi, chỉnh sửa được. Nhưng số phận, cuộc đời thành hay bại không phải chỉ bởi cái tên, quan trọng là sự nỗ lực, cố gắng của mỗi người.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (Trung tâm nghiên cứu Tiềm năng con người) cũng cho biết, việc đặt tên con tùy thuộc vào quan niệm của từng người, từng gia đình và từng dòng họ: “Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc đặt tên theo phong thủy có ảnh hưởng, quyết định đến số phận một con người. Thực tế, bố mẹ đặt tên hay, có ý nghĩa cho con để qua đó gửi gắm hy vọng của mình về tương lai của đứa trẻ và kích thích con cái nỗ lực đạt được hy vọng ấy của bố mẹ", ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết thêm, không có một nguyên tắc chung nào trong việc đặt tên. Tuy nhiên, theo phong tục truyền thống và tâm lý của người Việt Nam, nên tránh việc đặt tên con trùng với tên của những người có tuổi trong gia đình hay trùng với tên các vĩ nhân để tỏ sự kính trọng đối với thế hệ đi trước.

Trong nhiều trường hợp, việc đặt tên nên tham khảo ý kiến ông bà hoặc người có vai vế trong họ, bởi những người này nắm được hệ thống tên của những người trong dòng họ, tránh "phạm húy". Có thể căn cứ vào đặc điểm, giới tính, hoàn cảnh gia đình, dòng họ, quê hương, xã hội và cả ước vọng của người đặt tên gửi gắm vào cái tên nào đó. Tên người Việt Nam gồm có 3 phần chính: Họ + Tên Đệm + Tên Chính và thường được chọn lựa khá kỹ về mặt ngữ âm, ngữ nghĩa.

Ngày nay, nhiều người Việt "sính" ngoại, có thể đặt tên cho con theo tên tiếng nước ngoài. Tuy vậy, điểm khác biệt cơ bản và độc đáo của tên người Việt Nam so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là luôn xưng hô bằng tên chính chứ không phải bằng họ.

Một số điều cần chú ý khi đặt tên cho con:

1. Tên gọi phải có ngụ ý hay: Điều quan trọng nhất của việc đặt tên là chọn chữ nghĩa sao cho hay và lịch sự, tránh phạm húy.

2. Âm vần của tên gọi phải hay, đẹp: Đặt tên là để người khác gọi, vì thế tên phải hay, tránh thô tục. Tiếp đến là tránh họ và tên cùng vần cùng chữ, để dễ gọi.

3. Hạn chế đặt tên đơn, vì tên đơn dễ bị trùng tên, không nên chạy theo thời cuộc chính trị, đặt tên gọi mang màu sắc chính trị.

4. Khi đặt tên không nên cuồng tín, nông cạn quá, ví dụ đặt tên là Vô Địch, Vĩnh Phát… Đặt tên gọi tuyệt đối quá, cực đoan quá sẽ làm cho người khác không có ấn tượng tốt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hồng (Người đưa tin)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN