Lưu bài Bỏ lưu bài

 

Có được chiếc chìa khóa mở cánh cửa tương lai từ trong bóng tối, Bích Hằng không muốn giữ nó cho riêng mình. Cô lan tỏa tri thức, cảm hứng và tinh thần lạc quan của mình đến những đứa trẻ cùng cảnh ngộ với tất cả sự nhiệt huyết.

 

Cô giáo khiếm thị thắp sáng tương lai từ trong bóng tối - 5

Khương Thị Bích Hằng (sinh năm 1996, quê Nam Định) được biết đến là cô gái khiếm thị có nghị lực mạnh mẽ, vượt qua số phận ngặt nghèo, tự vươn lên thắp sáng cuộc đời mình từ trong bóng tối. Cô được mọi người nhắc đến với vai trò lớn lao: Lan tỏa tri thức, cảm hứng sống, tinh thần lạc quan, trao chìa khóa mở cánh cửa cuộc đời cho trẻ em khiếm thị…

Gặp gỡ Bích Hằng vào một buổi chiều đông, cô gái nhỏ có nụ cười hiền hậu và vẻ ngoài giản dị, khác hẳn với những vai trò “đao to búa lớn” luôn được nhắc đến trên truyền thông. Với Bích Hằng, khiếm khuyết của cô chỉ là sự bất tiện chứ không phải bất hạnh, những gì cô đã làm vừa là nỗ lực, vừa là đam mê, còn những gì cô đang làm đơn giản là muốn trao đi những gì mình có, giúp những đứa trẻ cùng hoàn cảnh “chạm ngõ” với một ngôn ngữ mới.

Bích Hằng bị khiếm thị bẩm sinh, ngay từ khi sinh ra đã không có dây thần kinh thị giác. Lên 5 tuổi, cô lần đầu nhận ra bản thân khác biệt khi bạn bè được tham gia văn nghệ của trường, còn mình thì không. Câu nói ngây ngô của lũ bạn: “Mày bị mù nên không được đi thi” khiến Hằng hiểu được, ánh sáng của mình vĩnh viễn chỉ là một màu đen.

Gia đình vốn đã khó khăn lại thêm kiệt quệ khi bố mẹ Hằng sinh em trai, cũng mắc căn bệnh như cô. Dù bản thân thiệt thòi nhưng Hằng nhận ra, bố mẹ cô mới là người đau khổ nhất khi cùng lúc phải chạy chữa cho hai đứa con không lành lặn. Bởi vậy, cô luôn biết điều, cố gắng tự làm tất cả những việc trong khả năng.

Suốt tuổi thơ, Hằng hình dung thế giới qua những lời mô tả của bố mẹ. Lớn lên một chút, cô học cách tự tìm hiểu và tự cảm nhận mọi thứ. “Mình không thấy khiếm thị là điều gì đó quá khó khăn, có lẽ vì đã quen với bóng tối từ nhỏ. Điều khiến mình buồn nhất là không được đi học như các bạn”, Hằng tâm sự.

 

Năm lớp 8, cô được bố mẹ gửi vào trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Một thế giới mới mở ra với cô gái nhỏ, khi được hòa nhập với bạn bè cùng cảnh ngộ, được thầy cô hỗ trợ nhiệt tình. Cũng từ ngôi trường này, Hằng đã “chạm ngõ” với niềm đam mê Tiếng Anh.

“Năm 2010, vào mỗi buổi trưa từ 12h đến 13h30, các tình nguyện viên Việt Nam, quốc tế của tổ chức “Vietnam and Friends” sẽ đến dạy Tiếng Anh cho chúng mình. Với lũ trẻ khiếm thị khi ấy, Tiếng Anh là một thứ gì đó vừa lạ lẫm, vừa hay ho. Chúng mình học một cách say mê như thể đó là niềm vui, là một cách giải trí chứ không chỉ là học nữa”, Hằng nói.

Thời gian học tiếng Anh của Hằng không gói gọn trong 1,5 tiếng đó mà bất cứ khi nào cô rảnh. Hằng học ngoại ngữ qua những bài giảng, chương trình dạy tiếng Anh trên đài phát thanh. Tiếng Anh đã trở thành cuộc sống của Hằng, cô gọi tên đồ vật quen thuộc bằng tiếng Anh, nghe nhạc bằng tiếng Anh và dần dần, nghe và hiểu được ngôn ngữ ấy.

Cô giáo khiếm thị thắp sáng tương lai từ trong bóng tối - 8

Sau này, nhận ra tố chất của Bích Hằng, thầy cô khuyên cô theo học tiếng Anh ở trình độ cao hơn. Cô gái nhỏ có chút bối rối và sợ hãi, bởi với đôi mắt khiếm thị, cô không đủ tự tin. Thế rồi, cô vẫn thử và trở thành sinh viên khoa Sư phạm Tiếng Anh của trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Thế nên sau này mình vẫn nói, khiếm thị chỉ là một chút khó khăn nho nhỏ, chúng ta cứ lạc quan, dám thử, dám ước mơ”, Hằng chia sẻ.

Việc học ở môi trường đại học của Bích Hằng không hề dễ dàng. Nếu các sinh viên bình thường có thể dễ dàng mua một cuốn sách làm tài liệu học thì việc này với người khiếm thị như cô lại khó khăn hơn bội phần. Cô phải nhờ bạn bè đánh máy tài liệu rồi sử dụng phần mềm hỗ trợ đọc màn hình cho người khiếm thị để tiếp cận tài liệu. Đôi khi, Hằng nhờ thầy cô hoặc bạn bè ghi âm lại tài liệu để sử dụng dễ hơn.

Khó khăn là vậy, Bích Hằng vẫn không quản ngại. Cô say mê học tập, đạt thành tích tốt, ra trường với tấm bằng giỏi.

“Người khiếm thị cũng có nhiều lợi thế khi học tiếng Anh. Chúng mình không nhìn được nhưng bù lại, khả năng nghe tốt nên phát âm khá chuẩn. Những năm tháng sinh viên, may mắn được thầy cô, bạn bè giúp đỡ, gia đình động viên, khích lệ, mình mới hoàn thành tốt chương trình học”, Hằng chia sẻ.

Tiếng Anh mở ra cho Bích Hằng cuộc sống mới, đem đến nhiều cơ hội việc làm. Cô có thể biên dịch và dạy tiếng Anh trực tuyến cho các bạn bình thường khác.

 

Trong số những công việc đang làm, Hằng dành nhiều tâm huyết hơn cả cho việc dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em khiêm thị qua tài liệu chữ nổi. 13 năm trước, cô nhận được sự giúp đỡ của các tình nguyện viên Việt Nam, quốc tế của tổ chức “Vietnam and Friend”, 13 năm sau, cô lại trở thành tình nguyện viên, giúp đỡ trẻ em có cùng cảnh ngộ.

Tiếng Anh là chìa khóa mở ra cảnh cửa tương lai cho Bích Hằng và cô không muốn giữ riêng chiếc chìa khó đó cho riêng mình. Cô muốn truyền niềm đam mê ngoại ngữ cho những đứa trẻ khiếm thị, hy vọng các em cũng tìm thấy cơ hội mới từ ngoại ngữ này.

“Hiện tại mình là điều phối viên cho dự án “One World – One Language”, dự án dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ khiếm thị trên địa bàn Hà Nội và mình cũng trực tiếp đứng lớp. Đây là công việc mình vô cùng yêu thích vì nó mang ý nghĩa đặc biệt”, Hằng nói.

Hằng dạy học sinh bằng những tấm card học tiếng Anh đục hoàn toàn bằng tay, những cuốn sách chữ nổi, tai nghe, đài… Đó cũng là những thứ đã gắn bó với cô trong hành trình học ngoại nữ suốt bao năm qua. Hằng không gây áp lực học hành cho lũ trẻ, cô mong muốn chúng coi học tiếng Anh là niềm đam mê, là một phương tiện để khám phá thế giới rộng lớn.

 

Bích Hằng không có đôi mắt sáng nhưng bù lại, cô có giọng nói ngọt ngào “gây mê”. Đó cũng là một phần giúp cô tự tin hơn trong việc giảng dạy.

“Sự tiến bộ từng ngày của học sinh là món quà quý giá nhất mình nhận được trong hành trình này. Mình hy vọng, các em có đủ đam mê, sự tự tin theo đuổi tiếng Anh, từ đó có thêm cơ hội việc làm, có thêm phương tiện tiếp cận với kiến thức mới”, Bích Hằng nói.

Bích Hằng tâm sự, bao năm qua cô chưa từng xem mình là người khuyết tật. Cô chỉ xem việc không nhìn thấy ánh sáng là một khó khăn nho nhỏ mà bất kỳ ai trên cuộc đời này cũng có những khó khăn riêng. Cô thậm chí còn thấy mình may mắn khi đã khắc phục được khó khăn, tìm thấy hướng đi cho riêng mình.

Cô giáo khiếm thị thắp sáng tương lai từ trong bóng tối - 13

Content & Media: Hạ Nhiên

Sự kiện: Giới trẻ 2024
Thứ Hai, ngày 20/11/2023 08:07 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])