Chuyện ít biết về thủ khoa ĐH Khoa học Tự nhiên

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Mặc dù là con duy nhất trong gia đình nhưng Nghĩa chưa bao giờ được bố mẹ “chiều” theo kiểu nuông chiều.

"Mọi đứa trẻ khi mới sinh ra đều là những chồi non, chúng lớn lên, phát triển theo hướng nào phụ thuộc rất nhiều vào sự uốn nắn của người lớn" là quan điểm của bố mẹ cậu thủ khoa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) - Vũ Trọng Nghĩa.

Xưa nay, những đứa trẻ sinh ra trong điều kiện vật chất đủ đầy, được bố mẹ chăm lo, chiều chuộng thường bị đánh giá thấp hơn những đứa trẻ có hoàn cảnh nghèo khó về ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Thậm chí, “con nhà giàu” còn hay bị đánh giá là “hay hỏng, dễ hư”. Tuy nhiên, mọi đứa trẻ khi mới sinh ra đều là những chồi non, chúng lớn lên, phát triển theo hướng nào phụ thuộc rất nhiều vào sự uốn nắn của người lớn. Đây cũng chính là quan điểm của bố mẹ cậu thủ khoa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) - Vũ Trọng Nghĩa.

Dạy con biết đam mê

Những ngày này, không khí gia đình Vũ Trọng Nghĩa Nghĩa (SN 1994) trở nên đông vui, nhộn nhịp hẳn, bởi có rất nhiều người thân, bạn bè đến chúc mừng cậu trở thành thủ khoa khối A của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) với tổng số điểm 27,5 (Toán 9, Lý 9, Hóa 9,5). Trò chuyện với chúng tôi, Nghĩa cho biết, em học khá tốt các môn học tự nhiên nên khi đăng ký dự thi ĐH, em tự tin rằng mình sẽ trúng tuyển. Sau khi kết thúc 3 môn thi, Nghĩa ước tính mình được 27 điểm, song việc đạt danh hiệu thủ khoa của trường là điều mà em không hề nghĩ tới. Để có được những thành tích học tập như trên, Nghĩa chia sẻ: “Ngoài những nỗ lực của bản thân thì gia đình chính là nền tảng quan trọng nhất tạo nên sự thành công của em”.

Để cậu “quý tử” có được thành tích trên, bố mẹ chàng thủ khoa Hà thành rất chú trọng tới việc tạo cho con biết đam mê. Chú Vũ Văn Hải (SN 1966, bố của Nghĩa) chia sẻ: “Thành công của cháu ngày hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu cho một chặng đường dài phía sau mà thôi. Do đó, vợ chồng tôi luôn khuyến khích cháu nên phát huy những điểm mạnh, cũng như sở thích của mình. Nhiều đứa trẻ bây giờ đến trường mà như thói quen, như bắt buộc, không có định hướng gì cho tương lai. Là một người xuất thân từ nghèo khó nên tôi hiểu giá trị của sự thành công. Sự hời hợt trong tất cả các công việc đều không mang lại hiệu quả. Vì thế mà ngay từ nhỏ, tôi đã rèn cho Nghĩa một đức tính, đó là làm bất cứ việc gì cũng cần phải chuyên tâm. Tuy nhiên, muốn chuyên tâm thì cũng phải yêu thích mới làm được. Cho nên tôi thường nói với cháu rằng: “Những thứ con thích thì có khó khăn thế nào cũng hãy cố gắng mà đạt được. Hãy làm bằng tất cả sự đam mê của con””.

Nhân nói về điều này, cô Miên – mẹ của Nghĩa cho biết thêm: “Từ nhỏ Nghĩa đã là đứa có cá tính. Nghĩa luôn biết mình muốn gì và cần phải làm mọi thứ như thế nào. Có thể là do ảnh hưởng từ bố mà ngay từ khi còn nhỏ, Nghĩa luôn làm mọi việc đến nơi đến chốn. Còn nhớ, khi học cấp 1, Nghĩa có ước mơ trở thành bác sĩ nên đối với môn Sinh học cháu rất hứng thú. Vì vậy mà cháu thích chăm sóc các cây trồng và con vật nuôi trong nhà. Chúng tôi cũng thích con theo nghề này. Tuy nhiên, càng lớn, Nghĩa càng thể hiện niềm đam mê với môn Vật lý nhiều hơn. Chúng tôi tôn trọng con và khuyên cháu nên chuyên tâm vào ngành học mà mình yêu thích. Có lẽ vì vậy mà cháu đạt được thành tích cao ở môn học này”. Được biết, Nghĩa đã giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi về Vật lí như: giải Nhì cấp thành phố năm lớp 9, giải Nhất cấp quận năm lớp 10 và giải Nhất cấp thành phố năm lớp 12… “Vì yêu thích môn Vật lý nên em chưa bao giờ cảm thấy đây là một môn học khô khan. Ngược lại, em tự tìm cho mình cách học mà bản thân cảm thấy hứng thú. Với em, đó chính là sự đam mê”, chàng thủ khoa cho biết.

Chuyện ít biết về thủ khoa ĐH Khoa học Tự nhiên - 1

Nghĩa bên bố mẹ.

Quan trọng hơn cả là việc dạy làm người

Vũ Trọng Nghĩa sinh ra trong một gia đình khá cơ bản. Mẹ là giáo viên còn bố làm kinh doanh tại quận Long Biên (Hà Nội). Mặc dù là con duy nhất trong gia đình nhưng Nghĩa cho biết, em chưa bao giờ được bố mẹ “chiều” theo kiểu nuông chiều. Ở nhà, ngay từ nhỏ Nghĩa đã phải giúp đỡ mẹ những công việc hàng ngày như nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa. “Em không thấy những việc đó có gì khó khăn. Bố mẹ làm được thì mình cũng làm được, con gái làm được thì con trai cũng làm được. Ngay từ nhỏ bố mẹ đã tạo cho em một thói quen, đó là tự lo cho bản thân. Chính vì vậy mà đứng trước việc gì em cũng tự xem mình có làm được hay không trước khi nhờ tới sự trợ giúp của ai đó”, Nghĩa chia sẻ.

Lý giải về việc bắt con lao động từ nhỏ, cô Miên cho hay: “Chúng tôi muốn con trở thành người có trách nhiệm trong tất cả mọi việc, có ý thức tự giác từ việc sinh hoạt bản thân, học tập đến chăm sóc gia đình. Từ những năm học cấp 1, cấp 2 cháu đã biết tự đi học và giúp đỡ tôi làm những công việc vặt trong gia đình. Vợ chồng tôi luôn quan niệm, những thứ con có thể làm được thì hãy để cháu tự làm. Mỗi lần lớp tổ chức hội trại hay đi chơi xa, tôi vẫn hỏi cháu có cần giúp đỡ gì không nhưng hầu như, cháu đều tự chuẩn mọi thứ. Nhìn con vất vả đôi lúc tôi cũng thương nhưng rồi lại nghĩ, phải để con rèn luyện tính tự lập, để khi không có bố mẹ ở bên cạnh cháu vẫn tự giải quyết được công việc của mình. Chúng tôi rất mừng vì cháu đã trưởng thành đúng như mong muốn của bố mẹ”.

Cô Miên hiện đang là giáo viên dạy toán cấp 2. Là người công tác trong ngành giáo dục nên ngay từ nhỏ, Nghĩa đã được mẹ uốn nắn rất nhiều về đạo đức, lối sống. Cô Miên cho biết: “Với tôi, những thành tích mà cháu đã đạt được chưa bao giờ hạnh phúc bằng việc chúng tôi đã dạy dỗ cháu nên người. Đó là cả một quá trình lâu dài, chứ không phải một sáng một chiều. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có cá tính riêng, nhưng không thể để chúng phát triển theo hướng “tự nhiên chủ nghĩa”, bởi sự hiểu biết và tâm hồn non nớt của chúng rất dễ bị ảnh hướng bởi những “thói hư tật xấu” xung quanh. Tuy nhiên, dạy con không đơn giản chỉ là những lời quát mắng, đe dọa theo kiểu bố mẹ muốn con thế này, thế kia… Quan trọng nhất vẫn là  cách cư xử hàng ngày của người lớn, cha mẹ phải là tấm gương cho con cái noi theo”.

Để làm gương cho con, vợ chồng cô Miên luôn rất ý thức trong việc “đối nhân xử thế” hàng ngày. “Bình thường bố mẹ chưa bao giờ ép buộc em phải làm như thế này hay thế khác. Tuy nhiên em phải thừa nhận rằng, mình ảnh hưởng khá nhiều từ bố mẹ. Ngay từ nhỏ, những hành động, lời nói, cách cư xử của bố mẹ đối với ông bà hay những người xung quanh khiến em rất cảm phục. Bố mẹ đã dạy dỗ em không chỉ bằng lời nói mà còn thông qua hành động. Với mẹ, em cảm thấy mình chịu ảnh hưởng từ cách làm việc khoa học, cách lên kế hoạch hay sự nhẫn nại và suy nghĩ thấu đáo. Còn với bố, điều khiến em cảm thấy khâm phục nhất chính là sự bình tĩnh và kiên trì”, chàng thủ khoa chia sẻ.

Không chỉ học giỏi, Nghĩa còn là một cậu học trò rất năng động, chàng thủ khoa thường tích cực tham gia vào các hoạt động của trường. Năm học lớp 11, Nghĩa giữ chức vụ phó Bí thư Đoàn trường. Những năm học tập ở Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Nghĩa đã cùng thầy cô tổ chức nhiều chuyến đi lên vùng cao để thăm và tặng quà cho các bạn nhỏ. Nghĩa cũng đã từng đạo diễn cho nhiều vở kịch và tiết mục văn nghệ của trường. Năm học lớp 12, Nghĩa cùng nhóm bạn của mình đã giành được giải nhất trong cuộc thi diễn kịch phòng chống ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo Nghĩa, việc tham gia các hoạt động của trường, lớp sẽ giúp em năng động, tự tin và giao tiếp tốt hơn. “Em cảm thấy thật sự may mắn vì luôn được bố mẹ động viên, khuyến khích những đam mê của mình. Em thấy nhiều bạn thường bị cấm cản tham gia các hoạt động xã hội vì sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Nhưng bố mẹ em chưa bao giờ làm vậy, chỉ dặn dò em làm gì cũng không được quên nhiệm vụ chính là học hành. Em cũng luôn đáp lại sự tin tưởng của bố mẹ bằng thành tích học tập”, Nghĩa chia sẻ.             

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiến Minh (Gia đình & xã hội)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN