Chim to không chịu rời tổ

Trên phân nửa người trưởng thành ở Đông Âu vẫn sống chung nhà với cha mẹ.

Josef Lzso ngồi trên chiếc giường đơn kế bên chiếc bàn của anh, trong khi mẹ anh tất tả dọn dẹp ở phòng bên, nói rằng có những điểm cộng và điểm trừ trong việc sống chung với cha mẹ khi anh bước sang tuổi 30.

Chim to không chịu rời tổ - 1

Ở các nước Đông Âu như Slovakia, khuynh hướng con cái trưởng thành vẫn sống với cha mẹ ngày một rõ rệt. (Ảnh minh họa)

“Ở cùng cha mẹ khá thoải mái, đặc biệt là khi chị tôi dọn đi nơi khác”, anh nói. Không phải trả tiền nhà, Lzso tiết kiệm được một khoản trong khi nhà của cha mẹ anh gần chỗ anh làm tại trung tâm thành phố Bratislava (Slovakia) đắt đỏ.

Nhưng cha mẹ tôi đối xử với tôi như đứa trẻ”, Lzso thì thầm. Ví dụ, từ công sở trở về, sau khi anh treo áo được vài phút, chiếc áo được treo lại theo cách mẹ anh muốn. “Hơi khó chịu, nhưng chẳng đến mức phải dọn ra ngoài”, anh nói.

Ở các nước Đông Âu như Slovakia, khuynh hướng con cái trưởng thành vẫn sống với cha mẹ ngày một rõ rệt. Theo nghiên cứu dân số của Mỹ năm ngoái thì có 15% người từ 25 đến 34 tuổi vẫn sống với cha mẹ. Khảo sát dân số Anh cũng ra con số tương tự.

Nhưng ở Slovakia, 74% người từ 18 đến 34 tuổi vẫn sống với cha mẹ, cho dù có việc làm hay có hôn nhân hay không, theo thống kê gần đây của Ủy ban châu Âu (EC). Trong đó, 57% người từ 25 đến 34 vẫn ở “Hotel Mama”. Tại Bulgaria, số này là 51%; Romania là 46%; Serbia là 54%; Croatia la 59%.

Các nhà xã hội học và quan chức chính phủ nói không có nguyên nhân đơn nhất cấu thành hiện tượng này. Nhưng dĩ nhiên cơn giảm phát kinh tế đang diễn ra cũng như tỉ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ hẳn phải đóng vai trò quan trọng.

Song con số cao bất thường ở các nước Đông Âu XHCN trước đây hẳn có nguyên cớ lịch sử của nó. Ngày trước, các bậc cha mẹ họ được phân nhà hay mua nhà giá thấp. Thế hệ trẻ ngày nay không có đặc quyền tương tự nữa. Trong khi thiếu quỹ nhà, đặc biệt là nhà cho thuê từ chính phủ khiến cho sự lựa chọn của họ càng hạn hẹp.

Văn hóa thủ cựu cũng khuyến khích lớp trẻ sống dưới sự bảo vệ của cha mẹ không chỉ cho đến khi kết hôn mà còn sau đó nữa. “Đó là truyền thống ở đây”, bà Katarina Izsova nói, “các thành viên gia đình có thể giúp đỡ nhau”. Theo nhà phân tích Boris Vano ở viện thống kê Slovakia thì “sự quan liêu của chính quyền trong quy trình đăng ký chỗ ở cũng là một trở ngại”.

Ở một số nước Tây Âu, suy thoái kinh tế khiến tỉ lệ người trưởng thành sống chung với cha mẹ tăng cao, tại Hy Lạp hiện tại là 53% và tại Ý là 49%. Ở Đông Âu, tăng mạnh nhất là Hungary, tăng 40% từ năm 2007 đến năm 2013 trong khi cùng kỳ, Slovakia tăng 10%.

Hai thập kỷ rưỡi qua, người Đông Âu tiếp thu được lối sống của người Tây Âu: sống chung không giá thú, cưới muộn, có con muộn. Từ năm 1993 đến năm 2013, độ tuổi kết hôn trung bình của nữ giới Slovakia tăng từ 23 đến 29 tuổi, của nam giới từ 25 đến 31 tuổi, tuổi trung bình của bà mẹ lần đầu có con tăng từ 22 lên 27 tuổi. Hiện nay 1/3 số bà mẹ sinh con khi chưa kết hôn so với 6% của những năm 1990.

Trong quỹ nhà ở Slovakia, chỉ có chưa đầy 6% là nhà cho thuê. Trong khi ở Đức, số này là 50%. Người trẻ ở Slovakia không có nhiều lựa chọn ngoài việc đi làm trong nhiều năm để tiết kiệm mua nhà cho riêng mình. Trong thời gian chưa mua được nhà, họ vẫn phải ở chung nhà với cha mẹ.

Ở những khu nghèo khó miền đông Slovakia, tiền thuê một căn hộ nhỏ vào cỡ 300 USD/tháng. Còn tại thủ đô Bratislava, 600 USD/tháng. Trong khi lương trung bình của một người trẻ, nếu họ có thể kiếm một công việc, vào khoảng 550 USD đến 650 USD mỗi tháng.

Zuzana Majernikova, giáo viên tiểu học 24 tuổi ở thành phố Trebisov cho biết mức lương 542 USD mỗi tháng của cô không cho cô lựa chọn nào khác là ở với cha mẹ. “Tôi rất nhớ sự tự do của mình”, cô nói về những ngày sinh viên ở ký túc xá. Mua một căn nhà riêng đối với Majernikova có lẽ phải mất hơn 10 năm. Còn thế hệ cha mẹ cô ngày trước vào những năm 1980, những cặp mới cưới chỉ đợi 2 năm là được chính phủ cấp cho căn hộ riêng.

Nếu có điều gì dễ dàng cho thế hệ trẻ bây giờ thì đó là sự phóng khoáng hơn của các bậc cha mẹ, theo bà Zuzana Kusa thuộc viện nghiên cứu xã hội học Slovakia. “Trước đây, sống với cha mẹ khó lắm, đủ mọi gia quy”. Bà Kusa cũng có cô con gái 30 tuổi ở chung với bà, còn một cô con gái khác của bà đang phải làm việc mỗi ngày 10 giờ đồng hồ để trả tiền góp cho căn hộ mới mua.

Nhưng chẳng phải ai cũng thấy thoải mái khi sống với người già, như Peter Hudec 35 tuổi, làm công ty thiết kế website. “Mẹ tôi mở tivi cả ngày, ngày nào cũng thế, lúc nào cũng ầm ầm, không thể làm cái gì ra hồn ở nhà, thật stress”. Hudec đang nghĩ đến chuyện thuê hẳn nhà ở ngoại ô Vienna, thủ đô nước Áo láng giềng.

“Tại Slovakia, người ta phải cố sở hữu mọi thứ. Còn ở Vienna, người ta thuê, người ta mua đồ bằng thẻ tín dụng trả sau. Hai thành phố gần nhau mà cách nghĩ khác biệt quá xa”, Hudec nói. Từ Bratislava đến Vienna có 60 km, đi tàu hay xe bus cũng chỉ mất 1 giờ đồng hồ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đ.H (theo New York Times) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN