Cháu đang "nhớ" chị cồn cào
Từ ngày đi thực tập, cháu liên tục nhắn tin, gọi điện cho chị và chị cũng rất "nhớ" cháu
Thưa bác sỹ!
Cháu đang là sinh viên năm thứ hai của một trường kinh tế có tiếng ở Hà Nội. Cháu thích viết báo và có vẻ cũng hợp với nghề này bác sỹ ạ. Cháu liên tục có bài được đăng trên một tờ báo mạng, có lượng người vào đọc đông. Sở dĩ công việc viết lách của cháu thuận buồm xuôi gió cũng là do cháu may mắn gặp được chị, một biên tập viên có nghề. Chị hướng dẫn cháu rất nhiệt tình.Chị nhận xét là cháu không học Báo chí nhưng có tư chất để trở thành một cây viết phóng sự.
Chị hơn cháu tới 6 tuổi, đã có gia đình và một cô con gái 4 tuổi nhưng nhìn bề ngoài thì cứ giống một cô sinh viên mới ra trường. Mặt cháu thì già trước tuổi. Thỉnh thoảng cháu và chị đèo nhau đi thâm nhập các điểm ăn chơi để lấy tư liệu viết bài giống như một cặp uyên ương bình thường. Cháu gặp bất cứ chuyện gì khó khăn (từ công việc, chuyện học hành đến chuyện tình cảm…) cháu đều tâm sự với chị và thường nghe theo lời tư vấn của chị. Cháu cứ tự hỏi tại sao trên đời này lại có một người xinh đẹp như thế, giỏi giang như thế, tốt bụng như thế? Dưới sự dìu dắt của chị, cháu trưởng thành nhanh chóng cả về nghề viết và tính cách.
Trước khi gặp chị, cháu cũng có yêu một cô bạn gái cùng lớp, kém cháu 1 tuổi. Nhưng quả thực là cháu không chịu đựng được sự nhõng nhẽo, ích kỷ của một cô gái mới lớn. Khi cháu gặp chị thì cháu liên tục so sánh với bạn gái của mình và cháu thấy rằng cháu không thể tiếp tục yêu cô bạn cùng lớp nữa. Chúng cháu đã chia tay nhau được một tháng rồi. Riêng chuyện này thì cháu không kể với chị (chị vẫn nghĩ cháu chưa có người yêu).
Rồi cháu đi thực tập 2 tháng ở một nơi cách Hà Nội hơn 100 km. Cháu nhớ/ thèm được viết bài một thì nhớ chị tới mười. Cháu liên tục gọi điện nhắn tin cho chị, cháu chỉ mong đợt thực tập sớm kết thúc để được về bên chị. Chị cũng nói là chị “NHỚ” cháu, mong cháu về sớm. Cháu không hiểu chữ “NHỚ” mà chị sử dụng có ý nghĩa gì? Nhưng thực sự trong đầu cháu đang có ý nghĩ muốn “sở hữu” chị toàn bộ từ thể xác đến tinh thần.
Nếu không có tình cảm đặc biệt với cháu thì sao chị lại "nhớ" cháu? (Ảnh minh họa)
Cháu đang nung nấu ý định “cướp” chị từ gia đình chị đang có. Chị hay nói chuyện với cháu về con gái của chị, về chồng chị với niềm tự hào. Nhưng nếu chồng chị là số một thì tại sao chị lại nói là “NHỚ” cháu? Mới đây chị còn mua tặng cháu cả quần áo lót (underwear) nữa. Nếu không có tình cảm đặc biệt với cháu thì chắc chắn là chị đã không làm thế, có đúng không ạ?
Mới xa chị một tháng mà cháu cứ ngỡ như một năm rồi. Cháu có đang bị lạc đường không, thưa bác sỹ? Cháu đang “NHỚ” chị cồn cào!
Cháu mong sớm nhận được tư vấn của bác sỹ!
Đ.T
P/s: Bình thường văn phong của cháu rất trôi chảy và rõ ràng, nhưng không hiểu sao khi viết thư cho bác sỹ thì lại hơi lộn xộn, ý tứ không rõ ràng mặc dù cháu đã viết đi viết lại thư này đến 3 lần? Mong bác sỹ thông cảm!
Giáo sư tâm lý, bác sỹ tâm thần Lương Cần Liêm: Tâm lý của ta đang đùa với cuộc sống của ta!
Đ.T thân!
Sau khi đọc kỹ thư của cháu, tôi nhận thấy cháu đang có nhiều vấn đề cần được trao đổi và tư vấn. Trong khuôn khổ một bài trả lời trên báo, tôi muốn trao đổi với cháu 3 vấn đề cơ bản từ góc độ tâm lý:
1. Cháu viết thư này 3 lần hơi lộn xộn là tâm trí cháu lộn xộn: Viết tới viết lui 3 lần mà không biết thế nào là sự thật của tình cảm và cái gì thì chấp nhận được và sống được. Tâm lý của ta đang đùa với cuộc sống của ta đấy.
2. Tâm lý đùa với chúng ta là ý thức đang sống với những khoảng cách, những mâu thuẫn, đang có cuộc tranh chấp giữa cái “Tôi muốn” với cái “Tôi được” và cái “Tôi làm”. “Tôi muốn” là tôi muốn yêu cô “Chị” này: Đấy là xuất phát từ thú tính thầm kín của giống đực/ cái của loài người. Nhưng cái “Tôi muốn” là cái không được vì tôi là con ngời có những nhân tính do văn hóa chỉ định.Vì vái “Tôi – không – được” nên tâm lộn xộn, trí luẩn quẩn. “Muốn mà không được” đưa con người đến hành động để giải tỏa hay làm giảm sức ép, ta gọi là “khí” (phân tâm học gọi là Libido). Hành động ấy có thể là bạo lực, có thể là trầm cảm vì biết là “cấm” (sức ép dồn ngược vào tôi để tôi tự hủy hoại mình) hoặc hay nhất là một hành động mà hai đối tác cho là hòa hợp: Trường hợp của cháu là viết lách… như chị viết. “Cầm cây viết” giống như là được sống cùng chuyện tình với cô “Chị”…
3. “Nhớ” là một bộ phận vô cùng phức tạp của tâm lý học. Cái “Nhớ” là một động cơ tích lũy vốn của những gì đã qua – cái quá khứ - để sử dụng như một kinh nghiệm dùng cho hành động, hành vi hiện tại trong chốc lát. Tâm lý Tây phương chỉ có một từ chính (tiếng Pháp là Mémoire) còn trong tiếng Việt thì có “trí nhớ” và “tâm nhớ” để phân biệt những khía cạnh khách quan (trí nhớ như nhớ những bài học trong trường…) với nhớ những gì tâm tư sống mà mình ghi trong trí (nhớ đến Cô Thầy dễ thương với học trò…). Vì thế, cái “Nhớ” để đưa đến suy luận (khách quan vì có lý luận), lẫn lộn với suy diễn (chủ quan hơn vì ta trình diễn một vở tuồng tưởng tượng). Trong trường hợp của cháu, có lẽ từ “Nhớ” mà cháu hiểu là vì đang sống nội tâm giống mục số 2 trên (nên cháu lúng túng). Cô Chị mình yêu như chị mà không như “Chị” mà lại muốn là “em” là một cô chị có những kỷ niệm còn mới, còn gần, còn sống động với mình… Có lẽ, cô chị yêu quý mình nên tặng áo lót vì xem mình như “em” trong nhà, hoặc như con nữa. Nếu chị muốn tỏ tình với cháu thì chắc phải là kiểu khác rồi.
Thân! Bác sỹ Liêm