Cái giá phải trả
Con gái tôi đã có chồng và không một lần cho con cái gọi tôi một tiếng ông ngoại.
Cách nay hơn 30 năm, vợ chồng tôi cùng là kỹ sư, làm việc cùng một viện nghiên cứu, nhưng khác phòng. Chúng tôi có hai con gái, con lớn mười tuổi, con nhỏ tám tuổi, bị bệnh tim bẩm sinh nên mong manh như thủy tinh, hở chút là ngất xỉu.
Ba mẹ tôi có bảy con trai, các anh em tôi đều có con trai nên tôi không phải chịu áp lực phải sinh cháu trai cho ông bà nội. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn có một đứa con trai. Tôi “nghiên cứu” tử vi, suy ra số tôi có hai vợ, người vợ thứ hai sẽ sinh con trai, một chàng trai hoàn hảo! Trong hai sinh viên đến phòng tôi thực tập, tôi chấm một cô. Vợ tôi khi nghe đồn đại đã viết thư cho cô sinh viên, van xin buông tha gia đình chúng tôi. Thẳng thắn mà nói, tất cả là do tôi nên cuối cùng cô ấy cũng có thai và tôi bị kỷ luật buộc thôi việc, dù vợ tôi không hề thưa kiện.
Tôi về buộc vợ tôi bán nhà chia đôi. Vợ và hai con tôi phải sống nhờ nhà bà ngoại. Ngày tôi ôm tiền bước ra khỏi nhà, con gái nhỏ của tôi hét lên gọi “Ba ơi, đừng đi” rồi ngất xỉu. Tôi mua một căn nhà nhỏ, chính thức sống với cô sinh viên bằng một đám cưới nhỏ mà chỉ có gia đình cô ấy đến dự. Hôm sau, em trai tôi cho biết, con gái nhỏ của tôi đã chết ngay khi được đưa vào bệnh viện. Tôi quay về dự đám tang con trước những đôi mắt trách móc và lời nguyền rủa của họ hàng hai bên. Con gái lớn nhìn tôi với ánh mắt căm hận và nói: “Con sẽ không bao giờ quên cái chết của em. Con sẽ hận ba suốt đời”.
Cô vợ sau sinh cho tôi một thằng con trai kháu khỉnh, đúng như tử vi. Chúng tôi mở tiệm tạp hóa để kiếm sống. Không biết có phải là quả báo hay vì quá nuông chiều con mà Minh Khôi, con trai tôi, ngược lại với hai con gái với vợ trước, học hành lơ mơ, lỳ lợm. Khi Minh Khôi 10 tuổi, tôi đã 47 tuổi, nhưng vợ tôi chỉ mới 32 tuổi, cái tuổi còn quá trẻ để chịu đựng đứa con hư đốn và phải cùng tôi “chạy chợ” để mua bán. Quyên đã bỏ tôi, chạy theo người đàn ông khác vừa đôi phải lứa với cô ấy hơn, từng là bạn học của nhau.
Tôi hối hận và đau đớn thật lòng, vì tôi biết từ lúc đó tôi đã không còn ai thân thiết, cảm thông trên đời (Ảnh minh họa)
Tôi phải một mình lo kiếm tiền và chăm con, thằng con mà một tháng phải đến mấy lần tôi được nhắn vào trường gặp giáo viên chủ nhiệm nghe mắng vốn. Đến lớp 9, con tôi rớt kỳ thi chuyển cấp rồi bỏ học. Ở nhà lêu lổng với đám bạn hư đốn, nó nghiện hút và cuối cùng là nhiễm HIV.
Rồi con tôi phát bệnh chết, tôi đã gần 70 phải sống hiu quanh trong căn nhà trọ. Bao nhiêu tiền bạc, vốn liếng và cả căn nhà nhỏ đều đã đổ vào tiền nợ nần hút hít và sau này là bệnh tình của con.
Tôi tìm về vợ cũ. Thật khó khăn khi vợ tôi sống chung trong căn nhà với chị em và các cháu vợ. Con gái tôi đã có chồng và không một lần cho con cái gọi tôi một tiếng ông ngoại. Vợ tôi thông cảm, sẵn sàng tha thứ. Bà ấy nói, giờ cả hai đều già, tính toán quá khứ làm gì. Thế nhưng, con gái tôi lại hỏi: “Ông trở về với mẹ tôi vì thương yêu hay vì không còn ai để nương tựa?”. Nói chuyện với vợ vài câu thì người em vợ đã ra đuổi khéo: “Chừng nào ông về vậy?” Với chồng, con gái tôi chỉ gọi tôi là “chồng của mẹ”. Nói chung, tôi sống trong sự khinh bỉ, thù ghét và ghẻ lạnh của tất cả mọi người.
Một tối, vợ tôi bị đột quỵ và chết sau hai ngày hôn mê. Trong đám tang tôi khóc thật nhiều. Tôi hối hận và đau đớn thật lòng, vì tôi biết từ lúc đó tôi đã không còn ai thân thiết, cảm thông trên đời. Đụng mặt con gái và hai đứa cháu ngoại, tôi muốn gọi tiếng con, tiếng cháu nhưng hai đứa cháu ngoại nhìn tôi ánh mắt xa lạ. Giờ đây, cô đơn trong căn phòng trọ, đau bệnh chỉ một mình. Buổi sáng tôi mang thùng thuốc lá ra đầu hẻm ngồi bán kiếm tiền. Hôm nào bán được thì ăn cơm, không thì ăn bánh mì, ế thì ăn cháo với muối.
Câu nói của con gái là sẽ không tha thứ, sẽ nhớ mãi cái chết của em nó như một cây đinh thép, đóng chặt vào tường, không bao giờ gỡ bỏ được…