Các thể loại "mình"

"Mình ơi! Mình à!"... cảm giác gọi nhau như thế thân thiết không có gì đọ nổi.

1.    Những gì được định danh chữ “mình” thường quan trọng nhất. “Mình” là bản thân ta, quan trọng đến mức ta không tồn tại nữa thì còn quái gì đâu.

Mình là thân hình ta. Khoác lên “mình” gì đó theo nghĩa đen là phục trang hay nghĩa bóng là hình ảnh cá nhân.

Mình ơi, mình à! hê hê… Hồi chưa biết bố lũ trẻ là ai ta đã hẹn với lòng dứt khoát sẽ xưng hô với gã như vậy. Oài, cảm giác gọi nhau thế nó thiết tha nhất trần gian và thiết thân đến độ chẳng còn gì đọ nổi. Đến giờ vẫn chẳng gọi được thế nào. Chẳng hiểu vì phát hiện ra gã không quan trọng bằng chính cái “mình” của ta hay là có tí sỏi trong đầu rồi thì thấy trò mình ơi mình à nó… sến quá so với thứ tình mộc mạc của gã với ta. Nhưng công nhận gã cũng quan trọng hàng nhất trong số… những gã nào đó. Ít nhất cũng có tới ba người thừa nhận điều này là ta và con trai, con gái chúng ta.

2.    Đến những khái niệm có chữ khác kèm với chữ “mình”, pha loãng cái mình ra hay được cái mình xác nhận độ liên quan thì cũng vẫn cứ quan trọng như thường.

Khi công nhận kẻ nào là đồng bọn vào vòng “chúng mình” thì thân thiết lắm đới. Bất kể xả thịt xẻ xương vì nhau ấy chứ. Bất kể đó là bồ, bạn hay bố con mình… Âm thanh “chúng mình” lắm khi quyến rũ, mê hoặc con người ta đến mức tưởng chừng không hề có khoảng cách nào sất, dù thực ra độ kết dính ấy, đau khổ thay, lại không là vĩnh viễn nổi như đời ước. Hì. Ta đổi tay hay người thay đổi thì ai biết được. Những kẻ “chúng mình” hay run rẩy vì sợ cái ràng buộc dễ chịu ấy bỗng dưng tan mất.

“Đôi mình” hay “một mình”, ấm áp bên đời hay đơn côi tê dại. Trời ơi, ai dám bảo là sao cũng được. Vô cảm thế thì có là người nữa? Quan trọng thôi rồi.

“Tự mình” cũng quan trọng lắm. Tự mình sống, mình độc lập sáng tạo và tồn tại nhân cách. Chà! Cả một niềm tự hào chính đáng và bất diệt từ trẻ đến già.

Các thể loại "mình" - 1

Âm thanh “chúng mình” lắm khi quyến rũ, mê hoặc con người ta đến mức tưởng chừng không hề có khoảng cách (Ảnh minh họa)

Và “của mình”. Ôi, sống đời mà không biết cái gì là của mình thì nguy to. Dứt khoát là rất quan trọng.

Đêm, khi tắt điện, quờ tay ôm con trai bé bỏng, thấy nó là của mình, thấy đời này đang là của mình. Những kẻ của mình đang ngủ say nồng hiền hòa. Phút ấy thấy dẫu đời làm bão tố cỡ nào thì mình vẫn đang giàu có xiết bao.

Nhưng lắm lúc nhớ ra mình đang không phải là “của mình” mới chết toi chứ. Dẫu gì mình cũng quan trọng lắm vì có kẻ cần. Cứ sực nhớ ra rằng, mình phải thương lấy, chăm lấy mình thì lại là lúc mí mắt muốn sụp vào mộng mị vì mỏi mê quá rồi. Tệ nhất là giờ thì nói năng rành rọt thế chứ mai là quên tiệt mình, lại xù lên chạy có cờ lo đủ thứ từ nhảm nhí đến nghiêm túc để vun giữ những thứ “của mình”.

Hình như đó không phải đức hy sinh mà là sự hủy hoại cái mình quá đà. Dằn vặt mãi: Đâu là giới hạn để cân bằng cái “mình” và cái “của mình”. Bó tay hay là… tẻo? Không, tẻo thì chưa được, phải sống vì mình và giữ cái mình cho hết thảy cái lũ “của mình” kia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phụ nữ ngày nay
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN