Bố mẹ hoảng hốt về loại ma túy giấy bán ở cổng trường
“Tem giấy” hay “bùa lưỡi” hiện được bán công khai tại một số cổng trường học với giá rẻ.
Loại ma túy này thực chất là miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác LSD, gây ra ảo giác, hoang tưởng, kích động hành vi người dùng.
Chất gây nghiện này tái xuất hiện trong thời gian gần đây sau một thời gian dài (từ cuối thập niên 1970) thế giới ngầm đã ngưng sản xuất. Đây là chất gây ảo giác mạnh nhất cho đến nay, chỉ vài chục mcg là có thể gây ảo giác nên được xem chất ma túy nguy hiểm nhất.
"Bùa lưỡi" đang rình rập nhiều mối họa đối với giới trẻ.
Phụ huynh hoang mang việc ma túy giấy bán ở trường học
Tuy nhiên, tại một số cổng trường học tại TP.HCM đã ghi nhận loại ma túy giấy được bày bán công khai với giá chỉ khoảng… 20.000 đồng cho 1 miếng ma túy giấy nhỏ kích cỡ khoảng 1,5x1,5cm, in hình ngộ nghĩnh hay nhân vật nổi tiếng. Chúng được sử dụng bằng cách le lưỡi liếm như dán tem hoặc ngậm đầu lưỡi.
Việc sử dụng ma túy giấy dễ dẫn đến các triệu chứng như giãn đồng tử, nhịp tim, huyết áp rối loạn, thân nhiệt thất thường. Một số người có thêm cảm giác ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi như tắm.
Người sử dụng loại ma túy này sẽ dần mất đi vị giác, mất ngủ, khô miệng, run rẩy. Đặc biệt, mắt sẽ bị sai lệch về hình thể, bị khuếch đại, lẫn lộn gần xa, không phân biệt được sáng tối, vùng tiếp giáp màu sắc.
Những thứ không có thật bắt đầu xuất hiện, khi đến giai đoạn cao trào, người sử dụng thấy mình như đang ở thế giới khác, sinh ra ảo giác,…
Trước những nguy hại trên, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng trước sự tấn công của ma túy tại cổng trường học. Nhiều bà mẹ còn băn khoăn liệu con em mình đã sử dụng loại ma túy này chưa.
Chị Minh Hiền (Hai Bà Trưng, Hà Nôi) chia sẻ ngay sau khi thông tin về loại ma túy giấy tràn lan trên mạng. “Mình không rõ ở Hà Nội có bán loại ma túy này ở trường học hay không? Đáng sợ quá, các em còn trẻ, nhận thức vẫn còn bồng bột biết đâu việc chúng sử dụng như để chứng tỏ với bạn bè”.
Chị Hiền nói thêm: “Mình cũng có con trai năm nay 14 tuổi, học cấp 2. Cháu vẫn còn trong độ tuổi dậy thì, suy nghĩ còn hạn chế, mình sợ vợ chồng mình không kiểm soát được cháu. Lỡ cháu nghe theo lời bạn bè dụ dỗ rồi ảnh hưởng tới sức khỏe, việc học hành”.
Đồng tình với ý kiến của chị Hiền, chị Ánh Tuyết (Long Biên, Hà Nội) mong các cơ quan chức năng nhanh chóng dẹp bỏ tệ nạn này để trả lại môi trường học tập trong sạch của các em học sinh.
“Trường học đáng lẽ là nơi an toàn nhất. Nhưng bây giờ rời mắt khỏi bố mẹ ra, các em sẽ gặp rất nhiêu cạm bẫy, cám rỗ. Ma túy đã đến ngay sát cổng trường thế này, thật đáng sợ”, chị Tuyết nói.
Phụ huynh “răn đe” con em mình nên tránh xa ma túy giấy
Nhiều phụ huynh lo lắng khi "tem giấy" xuất hiện.
Nhiều bà mẹ hiện nay đang truyền tay nhau “bí kíp” để cảnh báo con em mình trước những nguy hại của ma túy giấy.
Đơn cử như chị Như Quỳnh (Hoàng Mai) nói: “Mấy hôm trước mình đọc trên mạng mà phát sợ quá. Mình cũng về hỏi con xem cháu có biết loại ma túy đó không. Rồi cứ mớm lời cho cháu các nguy hại của nó,… Tất nhiên là nói phải khéo, không các em lại cáu ngắt”.
Chị Lệ Hằng chia sẻ thêm ý kiến: “Mình lúc nào cũng dặn con phải tỉnh táo trước khi bỏ cái gì vào miệng hay nghe bạn bè rủ rê”.
“Xã hội thế này... trẻ con biết làm sao... Làm cha mẹ suốt ngày cứ phải nơm nớp lo sợ thì còn làm ăn gì nữa. Cho dù bố mẹ có quan tâm các em nhưng không thể kè kè lúc nào cũng ở bên cạnh để quản thúc. Và việc các em đi học là nguy hiểm nhất, trước hết phải nói cho các em hiểu để mà tránh, dù sao thì cẩn tắc vô áy náy”.
Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM: Chúng ta cần giáo dục cho con trẻ nhận biết để tránh xa những cuộc chơi mang tính nghiện ngập vì hầu hết các tình trạng nghiện ngập đều bắt đầu từ những cuộc chơi và sự rủ rê, cộng với bản tính tò mò “thử cho biết” của tuổi mới lớn.
Bác sĩ khuyên phụ huynh phải quan tâm, chăm sóc con em mình thật kỹ. Nhận biết những thay đổi tâm sinh lý, biểu hiện của con để sớm biết và can thiệp đúng đắn.
Phụ huynh đừng cho con em mình nhiều tiền. Khi thấy con có triệu chứng bất thường như mất ngủ hoặc ngủ bất thường (ngủ ngày, đêm thức), hốt hoảng, sợ sệt, hành vi kỳ dị thì nên đến khám bác sĩ chuyên khoa.