Anh rể tôi

Anh là anh rể tôi, chồng người chị thứ năm. Anh nằm đó, người chỉ còn da bọc xương, mặt hốc hác, da bủng vàng.

Hàng ngày anh có thể nhịn ăn, nhịn uống chứ rượu thì không thể không có vài chén. Cứ uống rồi đi chữa bệnh. Vợ chồng anh vào bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên đến độ chị phát cháo cho bệnh nhân cạnh khóe “Sao không đăng ký tạm trú tạm vắng luôn trong này đi”.
 
Anh một thời ngang dọc, giang hồ thứ thiệt của vùng phố núi Pleiku. Con nhà giàu, anh được cưng chiều từ nhỏ, muốn gì được nấy. Vậy mà anh phải lòng chị Năm tôi, lúc chị còn mua thúng bán bưng ở chợ tạm Gia Lai, nổi tiếng đẹp gái, giỏi giang, biệt danh “Đào hột vịt lộn”.
 
Chị Năm tôi đẹp, cái đẹp của một cô gái quê pha trộn với sự sắc sảo, lanh lợi của người quen mua bán ngoài chợ. Nhiều người theo đuổi chị. Buổi tối, ít nhất vài ba anh “ngồi đồng” nhà bà Sáu, chỗ chị ở nhờ để bán trứng. Ban ngày ở chợ, không ít anh lượn qua lượn lại hỏi bâng quơ giá trứng vịt, trứng gà, trứng cút để có cớ bắt chuyện với chị.
 
Anh rể tôi có người chị là chủ một vựa trái cây lớn ở chợ. Sau một chuyến đi Lào về, anh ra chợ thăm chị, nghe nói về chị tôi, lân la dò hỏi, rồi mon men qua làm quen. Câu đầu tiên anh gặp chị “Đào hột vịt lộn đó hả”. Chị ném một cái nhìn đanh đá pha kiêu hãnh để trả lời anh. Chỉ vậy thôi mà chẳng hiểu sao vài tuần sau là chị chui bờ rào cạnh giếng để đi chơi với anh, bỏ mặc mấy cây si ngồi ngơ ngẩn nhà bà Sáu.
 
Anh về quê xin phép ba tôi cho được cưới chị. Ba phản đối kịch liệt bởi cái “sơ yếu lý lịch” cộm cán của anh – giang hồ thứ thiệt, từng tham gia các vụ buôn lậu thuốc lá từ biên giới Campuchia về Việt Nam, con nhà giàu, lêu lổng, nhậu nhẹt v.v… Thuyết phục không xong, anh ở lì nhà tôi 3 tháng để “tập sự làm rể”. Gặt lúa, gánh lúa, chở trứng, phơi trứng, làm ruộng… không việc gì mà anh không làm, dù lúc đầu “học việc” có phần vất vả. Thấy anh thành tâm và có chuyển đổi, ba đồng ý gả chị, nghĩ là vì chị anh sẽ tu tâm dưỡng tính, thay đổi, bỏ nhậu nhẹt.

Anh rể tôi - 1

Hãy yêu thương, tha thứ và bao dung cho nhau khi còn sống (Ảnh minh họa)

Nhưng, một thời gian sau, chứng nào tật ấy, anh vẫn không thể chống lại sự cám dỗ của con ma men đã ăn sâu vào máu. Chị bất mãn gửi hai con về quê cho ba tôi nuôi. Vợ chồng hục hặc, anh chị ít gặp mặt, nhà ai nấy ở, việc ai nấy lo.
 
Nghe tin anh mất, tôi bàng hoàng không tin đó là sự thật. Dù gì tôi cũng thương anh. Thương cho những lần chở anh đi khám bệnh (hầu như tất cả các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh tôi đều chở anh đi). Thương món gà xào mẹ anh hay gửi xe vào cho tôi ăn. Thương cái dáng vẻ tiều tụy của anh mới ngày nào ra bến xe đón tôi về quê chơi. Thương cho một kiếp người quá ngắn ngủi của anh. Vậy là hết! Mấy lần sấp ngửa chở anh vào bệnh viện cấp cứu anh vẫn không sao, nay anh chỉ kêu nhức đầu rồi bỏ đi, đi mãi. Anh nằm đó như đang ngủ, ngủ sau một trận rượu thường ngày của anh.
 
Chị tôi vật vã khóc than rất nhiều, có lẽ vì ân hận là mình đã hắt hủi lúc anh còn sống. Lỗi ở cả hai người, chị không chịu nổi cảnh chồng suốt ngày say xỉn, anh không chống nỗi sự cám dỗ chết người của ma men. Anh ra đi ở tuổi 40. Cái chết của anh là điều đã được báo trước, nhưng vẫn thấy đau lòng vì sự ra đi quá sớm của anh. Thế là hết, hết thật, anh rể tôi mất khi chưa kịp nhìn thấy mặt hai con lần cuối, đôi mắt nhắm hờ đợi chị tôi về mới nhắm hẳn, còn sót lại giọt nước mắt ở khóe mắt sâu hoắm.
 
Tôi viết những lời này lúc anh rể tôi đã nằm yên dưới ba tấc đất, trong nghĩa trang Trà Đa lạnh, vắng và ít người qua lại. Tôi muốn nhắc nhở tôi, nhắc những người thân, người quen rằng lúc còn sống, hãy yêu thương và cố gắng tha thứ lỗi lầm cho nhau, đừng để như chị tôi ôm quan tài khóc rưng rức, đừng như anh tôi chắc ra đi cũng không an lòng vì chưa kịp thực hiện lời hứa với đứa con gái “bố về dẫn con đi nhập học”. Hãy yêu thương, tha thứ và bao dung cho nhau khi còn sống, còn được bên nhau để sau này không phải ân hận, hối tiếc gì khi đã vĩnh viễn xa nhau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Nga - Phụ nữ online
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN